Tạo động lực cho hội viên phát triển kinh tế

08:03, 18/03/2021

Hội Phụ nữ xã Liên Minh (Vụ Bản) hiện có 2.022 hội viên, sinh hoạt tại 16 chi hội. Những năm qua, Hội Phụ nữ xã đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi; từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình kinh tế tiêu biểu, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, xây dựng NTM của địa phương.

Bà Hoàng Thị Mai, xóm Hổ Sơn 4, xã Liên Minh (Vụ Bản) phát triển kinh tế gia đình từ mô hình VAC.
Bà Hoàng Thị Mai, xóm Hổ Sơn 4, xã Liên Minh (Vụ Bản) phát triển kinh tế gia đình từ mô hình VAC.

Ở xóm Hổ Sơn 4, trang trại VAC của bà Hoàng Thị Mai có quy mô rộng nhất nhì trong xã với diện tích trên 10 nghìn m2, số lượng đàn gia súc gia cầm hàng vạn con. Là một nông dân chăm chỉ, ước mơ của bà Mai là mở được 1 trang trại rộng rãi để có thể chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Vì thế 10 năm trước, khi xã Liên Minh có chính sách chuyển đổi ruộng đất kém hiệu quả, bà Mai đã mạnh dạn bàn với chồng nhận đấu thầu rồi mở trang trại VAC. Những ngày đầu mới mở trang trại, gia đình bà gặp khó khăn là nguồn vốn để xây chuồng trại, mua con giống. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, bà tìm đến các kênh Ngân hàng NN và PTNT, Quỹ Quay vòng… để vay vốn. Vay được tiền, bà bắt tay vào xây các dãy chuồng nuôi lợn, gà và thuê người múc ao thả cá; trên bờ, kết hợp trồng thêm các loại rau: rau muống, cà chua, bắp cải, su hào… làm thức ăn cho gà, cá và để bán. Chăn nuôi hiệu quả, trang trại nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình bà Mai. Khi trang trại đã hoạt động ổn định, bà tiếp tục “tái đầu tư” mở rộng diện tích, xây thêm chuồng trại. Hiện, bà đang kết hợp với Công ty TNHH Jafa Comfeed Việt Nam (Vĩnh Phúc) nuôi 8.000 con gà thịt. Ngoài ra bà còn nuôi vài trăm con ngan, vaì chục con đà điểu. Nhận thấy thị trường tiêu thụ cá chim trong những năm gần đây ổn định, lại có thể tận dụng được nguồn phân gà, lợn làm thức ăn cho cá, bà Mai mạnh dạn chuyển sang nuôi cá chim. Với 8 sào ao, trung bình hàng năm bà thu được hơn chục tấn cá chim. Năm 2020, trừ chi phí gia đình bà Hoàng Thị Mai thu được trên 150 triệu đồng.

Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, hàng năm, Hội Phụ nữ xã Liên Minh hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình kinh tế; tiếp cận các nguồn vốn vay, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các chi Hội đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phong trào giúp phụ nữ nghèo làm chủ hộ… Ngay từ đầu năm, Hội Phụ nữ xã tập trung chỉ đạo các chi hội rà soát, nắm số lượng các hộ nghèo, phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hướng dẫn các chi hội phân loại hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để có phương án hỗ trợ phù hợp về vốn, kiến thức, con giống, dạy nghề và tư vấn việc làm... Năm 2020, toàn xã có 132 hộ nghèo và cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Các chi hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, phấn đấu giúp từ 1-3 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Hội Phụ nữ xã còn xây dựng các quỹ: “Vì phụ nữ nghèo”, “Học bổng Hoàng Ngân”, Quỹ “Tiếp bước đến trường”... Theo đó, mỗi cán bộ, hội viên ủng hộ ít nhất 3.000 đồng/người/quỹ để xây dựng “Quỹ phụ nữ nghèo” và ”Học bổng Hoàng Ngân”. Từ nguồn quỹ trên, trong năm 2020, Hội Phụ nữ xã đã trao 8 xuất học bổng cho con cán bộ, hội viên có thành tích cao trong học tập; thăm hỏi, tặng quà cho 11 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, nhằm giúp phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ xã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vốn cho hội viên vay phát triển sản xuất, huy động dưới nhiều hình thức như: Các nhóm tiết kiệm tại các chi, tổ phụ nữ, Ngân hàng CSXH, vốn Quỹ quay vòng làm công trình vệ sinh hộ gia đình, Quỹ TYM, vốn an ninh thực phẩm hộ gia đình… Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Ngân hàng CSXH, các tổ chức tín dụng tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn cho tổ tiết kiệm và vay vốn; kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn vay của tổ và các hộ gia đình. Hiện Hội Phụ nữ xã đang quản lý và điều hành an toàn, hiệu quả 10,8 tỷ đồng cho 389 hộ vay từ kênh Ngân hàng CSXH; nguồn vốn ủy thác từ vốn an ninh thực phẩm hộ gia đình trên 105 triệu đồng cho 23 hộ vay; Quỹ TYM có dư nợ 2,3 tỷ đồng, cho 198 thành viên tham gia vay vốn, số dư tiết kiệm của quỹ đạt 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã còn vận động hội viên đẩy mạnh thực hành tiết kiệm. Cụ thể, Hội đã vận động 100% thành viên các tổ tiết kiệm vay vốn huy động tiết kiệm với số tiền 50 nghìn đồng/người/tháng. Công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cũng được Hội Phụ nữ xã đẩy mạnh. Trong năm, Hội phụ nữ xã phối hợp với Sở KH và CN tổ chức cho 30 cán bộ, hội viên tham quan học tập mô hình trồng nấm tại tỉnh Hưng Yên. Cũng trong năm 2020, Hội Phụ nữ xã tổ chức lớp dạy nghề mây tre đan cho 25 hội viên phụ nữ; kết hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tổ chức lớp dạy nghề kỹ thuật chế biến món ăn cho 35 hội viên. Cùng với hoạt động dạy nghề, Hội Phụ nữ xã phát động hội viên tích cực thành lập các mô hình phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện địa phương như: VAC, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi bò, lợn, gà, vịt đẻ trứng, phát triển các nghề mộc, sơn mài truyền thống của địa phương… Qua đó, giúp hàng trăm hội viên, phụ nữ có thu nhập ổn định, tạo ra nhiều sản phẩm thương mại, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Thông qua hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đời sống của hội viên ngày càng nâng cao, dần khẳng định vai trò, vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đến nay, toàn xã đã có hàng chục phụ nữ làm kinh tế trang trại, kinh doanh giỏi, nhiều chị có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm…

Thời gian tới, Hội Phụ nữ xã Liên Minh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những mô hình điểm, cách làm hay trong phát triển kinh tế, từ đó làm thay đổi tư duy của hội viên, giúp chị em chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình. Khuyến khích các chi hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Phối hợp với các ngành tổ chức khai thác các nguồn vốn, kết hợp với dạy nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kiến thức quản lý kinh tế hộ, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ…, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com