Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác 3 không gian kinh tế trong tiêu thụ sản phẩm

07:03, 17/03/2021

Dưới tác động suy thoái từ đại dịch COVID-19, người tiêu dùng trong và ngoài nước thắt chặt chi tiêu khiến việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh ta cũng gặp nhiều bất thuận. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, yêu cầu thúc đẩy phát triển 3 không gian kinh tế (kinh tế trong nước, kinh tế quốc tế và kinh tế số) theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Người dân tìm mua sản phẩm gạo sạch của Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân.
Người dân tìm mua sản phẩm gạo sạch của Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân.

Tỉnh xác định các doanh nghiệp chế biến nông sản là nhóm doanh nghiệp trọng điểm cần đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, hướng tới thị trường nước ngoài với các chương trình hỗ trợ thiết thực, gồm: mỗi xã một sản phẩm (OCOP), truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo Sở NN và PTNT, để sản phẩm của các doanh nghiệp đạt chuẩn OCOP, các ngành, các địa phương đã chủ động hỗ trợ tất cả các khâu trong chu trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Huy động các chuyên gia, cán bộ có năng lực chuyên ngành hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp rà soát để xác định và khắc phục, cải tiến tất cả các điểm yếu trong toàn bộ quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ hướng tới nâng chất lượng sản phẩm theo các quy chuẩn cao hơn; tập trung hỗ trợ để các doanh nghiệp phát triển nhiều mặt hàng trên một dòng sản phẩm; chú trọng kiểm soát tác động giữa sản xuất và tiêu thụ như thế nào để định hướng, thiết lập quy mô sản xuất hợp lý, đảm bảo phát triển bền vững. Đến hết năm 2020, các ngành, các địa phương đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp nâng tầm chất lượng, công nhận 146 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 28 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 118 sản phẩm hạng 3 sao. Các cơ sở, doanh nghiệp sau khi có sản phẩm đạt chuẩn OCOP đều mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút thêm nhiều đối tác tại thị trường trong nước hợp tác kinh doanh cung ứng, tiêu dùng sản phẩm. Trong năm 2020, các ngành, các địa phương đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản nâng tầm chất lượng theo hướng có truy xuất nguồn gốc để đưa mạnh sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Tiêu biểu có sản phẩm ngao Meretrix Lyrata của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam phối hợp sản xuất theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi từ người nuôi, nhà cung cấp với nhà máy chế biến, có truy xuất nguồn gốc đã đạt chứng nhận ASC, góp phần định vị được thương hiệu con ngao của tỉnh trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản còn được tập trung hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu: bao gói, nhãn mác phải có đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc; sản phẩm phải kèm theo chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Tỉnh đã đề xuất với Bộ NN và PTNT xem xét, đề nghị cơ quan có thẩm quyền phía Trung Quốc đưa các sản phẩm thủy sản chủ lực chất lượng cao của tỉnh như cá bống bớp, tép moi sấy khô, cá đao, cá mực, cá thu vào nhóm hàng xuất khẩu chính ngạch để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp phát triển được trên 50 cửa hàng tiện ích giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch tại các huyện, thành phố; mời gọi được một số doanh nghiệp tỉnh ngoài tham gia vào khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như: Vingroup; CopMart; BigC; đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản an toàn, chất lượng với các bạn hàng ngoại tỉnh. Nhờ đó, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh ta cơ bản vượt khó; khai thác hiệu quả không gian kinh tế trong nước; có tiến triển về thiết lập thương hiệu, uy tín, mở ra cơ hội mới để khai thác hiệu quả hơn không gian kinh tế nước ngoài. Dệt may là ngành hàng chủ lực của tỉnh cũng được ngành Công Thương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ trong và ngoài nước. Trong đó, tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp đều được vận động chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm thiết yếu đang gia tăng nhu cầu tiêu dùng, bao gồm: các sản phẩm dệt may có mức giá trung bình trở xuống, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh. Đây chính là giải pháp giúp các doanh nghiệp dệt may tự cứu mình ngay trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may còn được khuyến khích chủ động tìm kiếm, chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới, giảm rủi ro khi phụ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhờ đó, năm 2020 sản xuất dệt may tiếp tục tăng 2%, sản xuất trang phục tăng 14,8% so với năm 2019. Thúc đẩy phát triển không gian kinh tế số, các ngành, các địa phương đã tập trung xây dựng, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử để mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa tại thị trường trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Nhờ đó, trong bối cảnh đại dịch nhưng tốc độ và số lượng doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động giao dịch thương mại điện tử đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay. Năm 2020, các ngành công nghiệp đã giúp tỉnh tăng giá trị sản xuất 13,5%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.200 triệu USD, tăng 10% so với năm trước. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 tại thị trường nội địa đạt 47.082,6 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Có 7/11 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 11%.

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tỉnh xác định thời gian tới tiếp tục tập trung khai thác 3 không gian kinh tế để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Tỉnh đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp: 40% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 35-40% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 45-60% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng. Có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến; doanh số thương mại điện tử (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ bán lẻ) tăng 15%/năm, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tỉnh. Phấn đấu thanh toán không dùng tiền mặt đạt 25%, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 25%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 40%. Chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 12-15% giá thành sản phẩm trong thương mại điện tử; 35% các giao dịch mua hàng trên website thương mại điện tử/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử. Các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP; tập huấn, đào tạo kiến thức, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, gắn mã số, mã vạch với mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 50% sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, sản phẩm OCOP được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, gắn mã số, mã vạch. Đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ và đẩy mạnh liên kết trong toàn chuỗi cung ứng. Bên cạnh thị trường truyền thống, ngành Công Thương tiếp tục ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu. Ngành Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp tiếp tục khai thác nhóm thị trường trong các FTA đã ký kết. Đặc biệt, năm nay, nước ta đã có chủ trương hướng mạnh vào thị trường HALAL (cộng đồng những người theo đạo Hồi trên thế giới), với khoảng 2,2 tỷ người, tập trung vào các nông sản, trong đó tỉnh ta có cơ hội tiêu thụ một số nông sản thế mạnh gồm thủy sản, gạo./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com