Nỗ lực vượt khó trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

07:11, 26/11/2020

Ước kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của tỉnh cho thấy một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, cao hơn so với bình quân chung cả nước và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trong đó, so với năm 2019: tổng sản phẩm GRDP ước tăng 7,5%, giá trị sản xuất nông nghiệp ước tăng 3,1%, giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng15%, giá trị các ngành dịch vụ ước tăng 7,8%, giá trị hàng xuất khẩu ước tăng 9,7%, tổng vốn đầu tư cho toàn xã hội ước tăng 16,5%... Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh thì kết quả kể trên chính là những minh chứng sống động cho hiệu quả những giải pháp nỗ lực ổn định đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thi công tuyến tỉnh lộ 487B, đoạn qua xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng).
Thi công tuyến tỉnh lộ 487B, đoạn qua xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng).

Để đạt những kết quả kể trên là quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nằm trong “top” các tỉnh có mức giải ngân cao trên cả nước. Nhờ đó, cơ cấu các ngành công nghiệp xây dựng của tỉnh tăng mạnh, vượt kế hoạch năm, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ngay trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh. Thúc đẩy vốn đầu tư công kéo theo hàng loạt các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục, thi công xây dựng. Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Thịnh Long; hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp một số hạng mục của quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh; triển khai xây dựng 10/11 dự án khu đô thị trung tâm các huyện; thực hiện 15/29 dự án khu dân cư tập trung; đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, dự án Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần, các tỉnh lộ: 485B, 487B, 488B, 488C... Đáng chú ý trong đó có một số dự án giao thông trọng điểm kết nối với mạng lưới giao thông khu vực và giao thông quốc gia, phá “thế cụt” cho các địa phương ven biển của tỉnh đã được triển khai đầu tư xây dựng... Hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, khu, CCN tiếp tục được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xúc tiến và thu hút đầu tư. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tiếp cận, xúc tiến tìm hiểu và quyết định lựa chọn Nam Định là địa điểm đầu tư các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh. Đáng kể là đã thu hút được 2 doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào KCN Dệt may Rạng Đông thực hiện các dự án dệt, nhuộm công nghệ cao với tổng mức đầu tư lên tới hơn 200 triệu USD. Mới đây Tập đoàn AEON Nhật Bản (Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản) đã làm việc với UBND tỉnh, tìm hiểu, xúc tiến cơ hội đầu tư vào địa bàn tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam cho các chuyên gia, người lao động nước ngoài nhập cảnh để làm việc, công tác tại tỉnh theo đúng quy định của Trung ương về phòng, chống dịch. Những nỗ lực này đã tạo dựng được niềm tin, uy tín về sự đồng hành với nhà đầu tư.

Để đối phó với những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương làm tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất thuận lợi, phải tận dụng tối đa cơ hội các doanh nghiệp đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, tạo ra thay đổi về nhu cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm, y tế, hóa dược phẩm để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá ở cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp dệt may, sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm không chỉ vượt qua khó khăn, trụ vững mà còn tiếp tục thiết lập, mở rộng thị trường tiêu thụ mới trên thế giới. Giá trị các mặt hàng xuất khẩu nhờ đó cũng tăng cao với tổng giá trị ước đạt 2.200 triệu USD, bằng 100% kế hoạch năm và tăng 9,7% so với năm 2019. Ước tính cả năm, tỉnh có 6 nhóm dịch vụ, hàng hóa có sức gia tăng cao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục; hàng hóa và dịch vụ khác. Đáng ghi nhận, tỉnh còn chỉ đạo chủ động phát triển sâu, mạnh các lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của địa phương. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp; chú trọng hỗ trợ cho đầu tư chế biến nông sản tại hàng loạt chương trình, dự án, trong đó có chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều thành tích vượt trội với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, xuất khẩu.

Sự tích cực vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng của các cấp chính quyền, ngành chức năng, sự đồng thuận, nỗ lực của người dân, doanh nghiệp đã giúp tỉnh vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với kết quả cao nhất. Đây chính là tiền đề, động lực để tỉnh tiếp tục thực hiện các mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cũng như nhiệm kỳ 2020-2025 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com