Hiệu quả bước đầu thí điểm xử lý nợ xấu của các Quỹ Tín dụng nhân dân

08:09, 22/09/2020

Ngày 21-6-2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 15-8-2017 đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi với biện pháp mạnh mẽ để giải quyết, xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống tài chính này. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 42, nợ xấu của các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) nói riêng trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt, đặc biệt nhận thức về nợ xấu và xử lý nợ xấu được hiểu đầy đủ, toàn diện hơn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xử lý nợ.

Giao dịch tại trụ sở Quỹ TDND xã Xuân Tiến (Xuân Trường).
Giao dịch tại trụ sở Quỹ TDND xã Xuân Tiến (Xuân Trường).

Tại tỉnh ta việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hoạt động, tổ chức gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các QTDND đã được triển khai tích cực đồng bộ các giải pháp theo phương án đã được phê duyệt nhằm đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng vốn huy động và dư nợ cho vay an toàn, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Đến nay, tổng nợ xấu tại các QTDND đã được xử lý đến kỳ báo cáo là 7 tỷ 646 triệu đồng, trong đó, nợ xấu hạch toán nội bảng cân đối là 7 tỷ 90 triệu đồng, khách hàng trả nợ là 5 tỷ 782 triệu đồng; phát mại tài sản để thu hồi nợ là 651 triệu đồng và xử lý bằng các hình thức khác là 49 triệu đồng. Xử lý nợ xấu đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 726 triệu đồng. Như vậy, tính đến ngày 14-8-2020, tổng các khoản nợ xác định theo Nghị quyết 42 còn dư nợ là 9 tỷ 297 triệu đồng, so với thời điểm 14-8-2017 đã giảm 2.590 tỷ 980 triệu đồng (tỷ lệ giảm 99,64%), so với thời điểm 14-8-2019 giảm 3 tỷ 529 triệu đồng (tỷ lệ giảm 27,51%). Nợ xấu tập trung chủ yếu ở các khách hàng buôn bán nhỏ ở nông thôn. Ngoài ra, Chi nhánh cũng chỉ đạo các QTDND tập trung xử lý các khoản nợ xấu phát sinh từ các khoản nợ hình thành trước ngày 15-8-2017. Có 12/41 QTDND có nợ xấu phát sinh luỹ kế từ ngày 15-8-2017 đến ngày 14-8-2020 là 9 tỷ 79 triệu đồng. Các khoản nợ xấu phát sinh chủ yếu ở lĩnh vực cho vay phục vụ ngành nông nghiệp và thuỷ sản; xây dựng; kinh doanh, dịch vụ. Theo đánh giá của Chi nhánh NHNN tỉnh, nhìn chung các QTDND trên địa bàn đã có những biện pháp thu hồi nợ tích cực, hạn chế nợ xấu phát sinh, do vậy đến thời điểm 14-8-2020, nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 giảm được 3 tỷ 529 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019. Nợ xấu tại các Quỹ được xử lý chủ yếu áp dụng theo các Điều 8, 9, 10, 11, 12… của Nghị quyết 42, trong đó xử lý bằng tài sản đảm bảo là 651 triệu đồng. Đặc biệt, Nghị quyết 42 đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nợ xấu và xử lý nợ xấu với nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn trên cơ sở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý nợ xấu đã được hoàn thiện đầy đủ. Trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi có Nghị quyết 42, ý thức trả nợ của khách hàng đã nâng lên rõ rệt, số nợ khách hàng tự nguyện trả ngày càng tăng. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ ngân hàng, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các QTDND. Bên cạnh đó, kể từ khi có Nghị quyết 42, hoạt động đấu giá, định giá khoản nợ và tài sản bảo đảm cũng đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng. 

Thời gian tới, để thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu đề ra, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các QTDND trên địa bàn triển khai có hiệu quả việc xử lý nợ xấu nói chung, nợ xấu theo Nghị quyết 42 nói riêng nhằm giảm thấp tỷ lệ nợ xấu, thực hiện tốt kế hoạch xử lý nợ xấu của từng QTDND đã đề ra. Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND đã được phê duyệt kết hợp chấn chỉnh, củng cố hoạt động và tập trung thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các QTDND. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền địa phương, Trung tâm bán đấu giá tài sản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42. Bên cạnh đó, Chi nhánh NHNN tỉnh yêu cầu đối với các QTDND cần tập trung nâng cao năng lực tài chính cũng như vốn chủ sở hữu, chất lượng tài sản. Mặt khác, các QTDND cần chủ động tích cực, quyết liệt hơn nữa trong việc đôn đốc, xử lý thu hồi nợ; có những biện pháp phòng ngừa rủi ro nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh. Tập trung chỉ đạo các QTDND rà soát việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định; chủ động nhận diện các khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu để có các giải pháp ngăn ngừa nợ xấu phát sinh; đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt, toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo mục tiêu đã đề ra. Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất và ủng hộ của dư luận xã hội về vai trò, ý nghĩa, mục tiêu chính sách, giải pháp xử lý nợ xấu của các QTDND, góp phần làm lành mạnh thị trường tín dụng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com