Để hệ thống quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả

08:09, 18/09/2020

Hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo điệu kiện hỗ trợ cho các thành viên và người dân tham gia vay vốn phát triển HTX, kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Từ nguồn vốn vay của Quỹ TDND Hải Phương (Hải Hậu), anh Chu Văn Dương ở xóm 12, xã Hải Phương đã có vốn đầu tư trang trại tổng hợp, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ nguồn vốn vay của Quỹ TDND Hải Phương (Hải Hậu), anh Chu Văn Dương ở xóm 12, xã Hải Phương đã có vốn đầu tư trang trại tổng hợp, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hiện tại, toàn tỉnh có 42 QTDND hoạt động trên địa bàn 7 huyện và thành phố Nam Định với tổng số 33.840 thành viên. 7 tháng đầu năm 2020, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống QTDND đạt 4.016 tỷ đồng, tăng 17,4% so với đầu năm. Bình quân mỗi Quỹ huy động được 95 tỷ 617 triệu đồng. Tổng dư nợ cho vay của các QTDND đạt 3.603 tỷ đồng, giảm 1,2% so với đầu năm. Trong đó dư nợ trung và dài hạn là 829 tỷ 542 triệu đồng, còn lại là dư nợ ngắn hạn. Dư nợ mỗi Quỹ trung bình đạt 85 tỷ 780 triệu đồng. Nợ xấu chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ. Hầu hết các QTDND trên địa bàn tỉnh đều hoạt động hiệu quả, an toàn, đáp ứng nhanh chóng, kịp thời nhu cầu vốn đầu tư của người dân tại địa phương. Từ nguồn vốn của QTDND, các thành viên trong Quỹ đã hỗ trợ nhau đắc lực trong phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, giá trị cao, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương. Song song với đó, các QTDND cũng tích cực triển khai thực hiện Thông tư 21/2019/TT-NHNN ngày 14-11-2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về Ngân hàng HTX, QTDND và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND. Thông tư đã tập trung điều chỉnh các vấn đề liên quan đến chất lượng hoạt động của Quỹ như trình độ, tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc; địa bàn hoạt động; tổng mức nhận tiền gửi; số lượng thành viên Ban kiểm soát; tỷ lệ tiền gửi từ thành viên; quản lý và sử dụng sổ tiết kiệm trắng... đảm bảo đúng thời gian, lộ trình thực hiện. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Thông tư 21 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, bám sát theo chủ trương đã được nêu ra của Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31-1-2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (gọi tắt là Đề án 209). Hiện các QTDND đang khẩn trương kiện toàn bộ máy nhân sự theo hướng nâng cao, tăng tương ứng với quy mô hoạt động của các QTDND. Đồng thời, chủ động quy hoạch 2 vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban kiểm soát của QTDND đảm bảo quy định giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp tính từ thời điểm 1-1-2020 đặc biệt là đối với các QTDND có tổng tài sản dưới 200 tỷ đồng. Nhiều quỹ đã có kế hoạch, quy hoạch và xây dựng được đội ngũ cán bộ nguồn giai đoạn 2020-2025 để đảm bảo có đủ nguồn cán bộ trẻ đủ năng lực giúp QTDND phát triển bền vững. Ngoài việc cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo, tập huấn; các Quỹ cũng chủ động mời các giảng viên về tập huấn theo các chuyên đề nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu của Quỹ theo định hướng của NHNN. Ngoài ra, các QTDND cũng tập trung xây dựng các phương án chuyển tiếp theo quy định tại Thông tư 21 về tổng mức nhận tiền gửi; số lượng thành viên của Ban kiểm soát; việc nhận tiền gửi từ thành viên…

Qua rà soát các QTDND, điểm vướng mắc, khó khăn nhất thực hiện Thông tư 21 là quy định tại mục 5 khoản 15 Điều 2 quy định về ghi nhận vốn góp và tư cách thành viên. Theo đó, đối với mức vốn điều lệ không có sự thay đổi, việc ghi nhận vốn góp của thành viên mới và vốn góp bổ sung của thành viên được thực hiện sau khi Đại hội thành viên có nghị quyết thông qua danh sách kết nạp thành viên mới. Do đó, người muốn góp vốn điều lệ nhưng phải chờ hết năm tài chính, sau khi Đại hội thành viên thông qua danh sách mới được xác nhận đủ tư cách thành viên cho người góp vốn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người góp vốn tham gia thành viên phải chờ khoảng gần một năm, sau khi QTDND tổ chức Đại hội mới được gửi tiền và vay vốn của QTDND. Quy định trên khiến cho nhiều QTDND gặp nhiều khó khăn trong phát triển thành viên mới. Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp các khó khăn vướng mắc từ thực tế hoạt động của các QTDND phản ánh để đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải quyết, đồng thời, yêu cầu các QTDND chấp hành nghiêm các quy định của Thông tư 21; chủ động xây dựng phương án thực hiện các tiêu chí nhằm đáp ứng theo đúng quy định, đảm bảo thời gian, lộ trình thực hiện./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com