Nâng cao hiệu quả xử lý rác thải sinh hoạt (kỳ 2)

07:09, 17/09/2020

(Tiếp theo và hết)

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên làm gia tăng lượng chất thải; trong khi công tác thu gom, xử lý RTSH tiếp tục phát sinh bất cập, buộc tỉnh phải huy động sự chung sức, vào cuộc của toàn thể chính quyền, nhân dân thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý RTSH.

Vẫn còn tình trạng đổ bừa bãi rác thải sinh hoạt tại Quốc lộ 10, địa phận huyện Vụ Bản.
Vẫn còn tình trạng đổ bừa bãi rác thải sinh hoạt tại Quốc lộ 10, địa phận huyện Vụ Bản.

II. Bất cập và phương hướng xử lý

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác thu gom, xử lý RTSH của tỉnh còn một số bất cập, ít nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Cụ thể: Năng lực quản lý chất thải rắn tại nhiều địa phương còn hạn chế, chưa áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu phát sinh rác thải trong sinh hoạt. Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH ở nhiều nơi còn mang tính chất cộng đồng, chưa thúc đẩy được tính chuyên nghiệp của các tổ chức dịch vụ, hợp tác xã, Công ty dịch vụ môi trường, do vậy phương tiện, trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển chất thải chưa đồng bộ, chưa phù hợp với từng loại chất thải sau khi rác thải đã được phân loại tại nguồn. Các lò đốt rác và bãi chôn lấp rác thải vận hành không đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và Sở Tài nguyên và Môi trường. Một số địa phương vẫn còn tình trạng đổ rác ra khu vực công cộng, ven đường, đê, kênh mương... không đúng nơi quy định. Xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường còn chậm; trong khi nguồn chi ngân sách dành cho công tác bảo vệ môi trường khu vực công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt kinh phí hàng năm dành cho công tác vận hành, duy tu các công trình xử lý môi trường hầu như không có. Nhiều công trình bãi chôn lấp và lò đốt rác qua nhiều năm sử dụng nhưng thiếu kinh phí để duy tu, cải tạo, sửa chữa nên đến nay đã xuống cấp, hư hỏng. Ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không hợp tác và tự giác chấp hành các quy định của địa phương về nộp phí dịch vụ vệ sinh, thu gom xử lý rác thải. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung thường không nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân tại địa bàn lựa chọn do sợ bị ảnh hưởng, tác động ô nhiễm môi trường từ các khu này. 

Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý RTSH, cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh, mới đây tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án “Quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, tỉnh yêu cầu các huyện, các xã phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung trung lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân chung sức giải quyết các vấn đề quản lý, xử lý RTSH trên địa bàn tỉnh, bao gồm các hoạt động: Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý RTSH. Tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương trước mắt phải đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, thu hút người dân, doanh nghiệp tích cực chung sức nâng cao hiệu quả phân loại RTSH tại nguồn theo 2 mô hình gồm: Phân loại riêng biệt rác thải hữu cơ dễ phân hủy và rác thải vô cơ ngay tại hộ gia đình để tiến hành thu gom riêng, giảm tải lượng rác thải phải xử lý tại các khu xử lý RTSH tập trung. Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng “Hố rác hữu cơ di động” tại hộ gia đình có điều kiện về không gian và có nhu cầu sử dụng phân vi sinh giúp giảm thiểu được 40-50% lượng RTSH phải chôn lấp hoặc đốt. Tập trung nâng cao hiệu quả thu gom RTSH bằng các biện pháp: Căn cứ các nội dung của đề án quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, UBND cấp huyện xây dựng đề án quản lý, xử lý rác thải của huyện và chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch quản lý rác thải của xã, thị trấn, tham vấn ý kiến của người dân trước khi phê duyệt và triển khai thực hiện; Rà soát, kiện toàn hoặc thành lập hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ vệ sinh môi trường dưới sự quản lý, điều hành của UBND xã, thị trấn bằng các quyết định của địa phương; Phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn trực tiếp quản lý hoạt động của tổ chức dịch vụ vệ sinh môi trường với các chức năng nhiệm vụ, quyền lợi cụ thể; Xây dựng quy chế quản lý rác thải cấp thôn/xóm, gắn trách nhiệm của thôn/xóm trong quản lý rác thải. Những địa phương có điểm tập kết, trung chuyển rác thải cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom sạch sẽ RTSH trong ngày, không để rác tồn đọng và phát sinh ruồi, nhặng, côn trùng tại các điểm tập kết, trung chuyển rác; thường xuyên rà soát, có kế hoạch/đề xuất thay thế, cải tạo, sửa chữa, bổ sung kịp thời phương tiện, thiết bị vận chuyển phù hợp với việc phân loại rác thải; trong quá trình vận chuyển giảm thiểu tối đa việc rò rỉ, phát tán rác thải ra ngoài môi trường. Các địa phương phải yêu cầu đơn vị vận hành các khu xử lý RTSH tiếp tục duy trì hoạt động, vận hành thường xuyên các công trình xử lý môi trường theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường; thực hiện cải tạo, sửa chữa và đóng cửa các khu xử lý tập trung đã xuống cấp, quá tải. Đối với lò đốt rác quy mô nhỏ đã có, phải yêu cầu đơn vị quản lý lò đốt rà soát lại tình trạng vận hành, trang thiết bị xử lý, các hạng mục công trình... từ đó lập phương án và bố trí nguồn kinh phí hợp pháp hoặc đề xuất hỗ trợ kinh phí để duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo lò đốt. Trường hợp không thể tiếp nhận được rác để xử lý tại bãi chôn lấp cũng như lò đốt, UBND cấp xã phải hợp đồng liên kết xử lý rác thải với các địa phương khác. Các huyện chú trọng giảm dần việc xử lý RTSH bằng phương pháp chôn lấp; có kế hoạch từng bước chuyển đổi sang xây dựng các khu xử lý RTSH tập trung, quy mô liên xã, huyện theo công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng. Mỗi huyện, thành phố rà soát lại quỹ đất và dự kiến lựa chọn 1 điểm quy hoạch xây dựng khu xử lý RTSH tập trung quy mô huyện, liên huyện theo hướng hiện đại với diện tích tối thiểu 10ha, cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động trong tạo mặt bằng sạch, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa thu hút đầu tư về bảo vệ môi trường để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý RTSH quy mô vùng. 

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có: 50% số xã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển đúng quy cách về nơi xử lý theo quy định; 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn không sử dụng, đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; tập trung thu hút đầu tư xây dựng, vận hành, quản lý khu xử lý rác thải quy mô tập trung cấp huyện (tại thị trấn Lâm (Ý Yên), xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) và thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Đến năm 2030, toàn tỉnh có 100% số xã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; thay thế 100% mô hình xử lý rác thải quy mô xã bằng mô hình quy mô vùng, huyện; vận hành thường xuyên, có hiệu quả các khu xử lý rác thải tập trung; nghiên cứu đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải cấp tỉnh với công nghệ tiên tiến, hiện đại./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com