Tiếp tục cải thiện chỉ số Chi phí thời gian

08:08, 10/08/2020

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số Chi phí thời gian (CPTG) là một trong những yếu tố quan trọng, được quan tâm hàng đầu khi đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh. Bởi, không có nhà đầu tư, doanh nghiệp nào muốn mất quá nhiều thời gian, sự rườm rà cho việc giải quyết các thủ tục hành chính hay công tác thanh, kiểm tra hoặc dành thời gian tìm hiểu, thực hiện những quy định pháp luật... Trong khi đó, kết quả xếp hạng PCI 2019 của VCCI cho thấy: Chỉ số CPTG của tỉnh chỉ đạt 6,4 điểm, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố; so với năm 2018 giảm 0,64 điểm và hạ 28 bậc trên bảng xếp hạng. Ðáng bàn, trong 11 chỉ tiêu cơ sở của chỉ số CPTG, tỉnh ta không có chỉ tiêu nào đứng ở top 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng. Ðể cải thiện chỉ số CPTG, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã chủ động phân tích nguyên nhân giảm điểm và xác định phương hướng, biện pháp cải thiện, nâng điểm các chỉ số thành phần PCI, trong đó có chỉ số CPTG.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại bộ phận
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại bộ phận "một cửa" huyện Giao Thủy.

Kết quả phân tích cụ thể cho thấy thực trạng chi phí thời gian của các doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh năm 2019 chỉ có 2/11 chỉ tiêu cơ sở được cải thiện gồm: Số giờ trung vị làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế là 24h, giảm 8,5h so với năm 2018 (tăng 2 bậc, xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố); 57,55% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản, tăng 5% so với năm 2018 (tăng 6 bậc, xếp hạng 41/63 tỉnh, thành phố). So với năm 2018 có 9 chỉ tiêu còn lại chưa được cải thiện, bị giảm điểm gồm: 4,29% doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm, giảm 0,26% nhưng thứ hạng giảm 6 bậc (xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố); 60,87% doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục, giảm 0,72% (hạ 19 bậc, xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố); 31,21% doanh nghiệp dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước, giảm 0,04% so với năm 2018 nhưng thứ hạng hạ 9 bậc (xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố); 17,7% doanh nghiệp cho rằng thanh tra, kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu, tăng 2,81% so với năm 2018 (hạ 22 bậc, xếp hạng 45/63 tỉnh, thành phố); 68,42% doanh nghiệp đánh giá thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định, tăng 1,75% nhưng thứ hạng lại hạ 3 bậc (xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố); 89,13% doanh nghiệp đánh giá phí, lệ phí được niêm yết công khai, giảm 4,9% (hạ 31 bậc, xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố). Ðáng lưu ý có một số chỉ tiêu cơ sở hạ điểm mạnh, gồm: 64,71% doanh nghiệp cho rằng cán bộ Nhà nước thân thiện, tăng 2,95% nhưng thứ hạng lại hạ 11 bậc (xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố); 73,05% doanh nghiệp cho rằng cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả, giảm 2,51% (hạ 29 bậc, xếp hạng 58/63 tỉnh, thành phố); 12,17% doanh nghiệp đánh giá nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp, tăng 6,72% (hạ 39 bậc, xếp hạng 45/63 tỉnh, thành phố). Kết quả phân tích cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng về việc không để xảy ra các cuộc thanh tra, kiểm tra bị trùng lắp; chưa đánh giá cao sự công khai, minh bạch giá, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính cũng như mức độ giải quyết công việc, thái độ của đội ngũ cán bộ; tỷ lệ doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục còn cao... Bên cạnh đó, kết quả rà soát, thống kê của Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy trong năm 2019 vẫn còn các sở, ngành, đơn vị có quan hệ mật thiết trong giải quyết các thủ tục liên quan đến CPTG của doanh nghiệp còn chưa hoàn thành nhiệm vụ cải thiện, nâng cao chất lượng chỉ tiêu cơ sở của chỉ số CPTG. Cụ thể là Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh.

Ðể cải thiện điểm chỉ số CPTG, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực thi nghiêm các biện pháp nhằm giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, bao gồm: tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn các hoạt động thanh kiểm tra không cần thiết, chồng chéo gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Ngày 10-7-2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 545/UBND-VP8 yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương cắt giảm tối đa các hoạt động thanh tra, kiểm tra gây phiền phức cho doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh yêu cầu trước khi quyết định thanh tra, kiểm tra phải tiến hành khảo sát, thu thập thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ thực hiện việc thanh tra trong trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền giao hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, cụ thể. Ðối với các cuộc thanh tra theo kế hoạch đang được triển khai có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cần khẩn trương rà soát về phạm vi, thời hạn, đối tượng, nội dung, thời kỳ thanh tra để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh (nếu cần thiết); đồng thời tập trung chỉ đạo để sớm kết thúc thanh tra trực tiếp tại đơn vị; các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp cần khẩn trương ban hành kết luận; tham mưu đề xuất hướng xử lý kết quả thanh tra theo quy định của pháp luật. Riêng công tác cải cách hành chính, tỉnh yêu cầu tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin “một cửa điện tử” của tỉnh; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; thường xuyên cập nhật, công khai đầy đủ thông tin trên Cổng, Trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn; Từng bước phát triển đô thị thông minh với mục tiêu chính là hướng tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Ngoài quan tâm cắt giảm, thay thế, loại bỏ các thủ tục rườm rà cần đặc biệt quan tâm kiểm soát các vấn đề tồn tại trong quá trình thực thi pháp luật của các cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính với nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường công khai minh bạch giá, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 9-9-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Ðặc biệt, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền thực tế năng lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng của tỉnh tại địa chỉ dichvucong.namdinh.gov.vn. Cổng Cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được kết nối với Cổng Cung cấp dịch vụ công quốc gia và đã có 203 thủ tục hành chính của tỉnh thuộc 5 lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, bưu chính, đường bộ, xúc tiến thương mại được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ðến nay, 100% các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính công trên Cổng Cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Từ đó, người dân, doanh nghiệp nắm bắt và tích cực tham gia sử dụng dịch vụ hành chính qua mạng, giảm bớt cơ hội gây nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức khi trực tiếp sử dụng dịch vụ hành chính công tại trụ sở cơ quan Nhà nước./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com