Vụ lúa xuân thắng lợi (kỳ 1)

07:07, 02/07/2020

Mặc dù đầu vụ gặp rất nhiều khó khăn song vụ lúa xuân 2020 vẫn được đánh giá thắng lợi toàn diện với năng suất bình quân tăng nhẹ so với vụ xuân trước. Bám sát diễn biến thời tiết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm cơ cấu mùa vụ, tuân thủ chặt chẽ khung thời vụ là những bài học kinh nghiệm từ vụ lúa xuân thành công vừa qua.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra tình hình sâu bệnh phát sinh trên lúa tại địa bàn huyện Nam Trực để chỉ đạo biện pháp phòng trừ hiệu quả (Ảnh chụp cuối tháng 5-2020).
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra tình hình sâu bệnh phát sinh trên lúa tại địa bàn huyện Nam Trực để chỉ đạo biện pháp phòng trừ hiệu quả (Ảnh chụp cuối tháng 5-2020).

Nỗ lực vượt qua khó khăn để bảo đảm sản xuất

Sản xuất nông nghiệp mỗi vụ mỗi khó khăn mới do biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và phức tạp. Có lẽ chưa vụ xuân nào lại gặp nhiều khó khăn như vụ xuân năm 2020 do thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường phá vỡ mọi quy luật thường thấy. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), đầu vụ lượng nước trên hệ thống các sông thiếu hụt từ 20-50% so với bình quân hàng năm, lưu lượng dòng chảy đổ về các hồ chứa chỉ đạt 61% so dung tích thiết kế; trong khi đó mực nước triều dâng cao hơn từ 60-70cm so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến mặn xâm nhập rất sâu, gây khó khăn cho việc lấy nước đổ ải, làm đất phục vụ gieo cấy lúa xuân. Kết quả quan trắc cho thấy, đến ngày 20-1-2020 mặn đã xâm nhập vào các triền sông sâu 20-35km. Cụ thể, trên triền sông Hồng, mặn đã lên qua cống số 7 (gần ngã 3 sông Hồng và sông Ninh Cơ và là cống xa biển nhất của hệ thống thủy nông Xuân Thủy) với độ mặn đo được là 3,75 phần nghìn, vượt ngưỡng cho phép lấy vào trong đồng là 2,75 phần nghìn; đã có thời điểm mặn xâm nhập qua Mom Rô vào triền sông Ninh Cơ. Trên triền sông Ninh Cơ, mặn lên đến cống Trệ (cách biển 29km) với độ mặn lớn nhất đo được tới 3 phần nghìn, vượt ngưỡng cho phép lấy vào đồng 2 phần nghìn. Ở triền sông Đáy, mặn lên tới cống Tam Tòa (cách biển 35km) với độ mặn lớn nhất đo được là 2 phần nghìn, vượt ngưỡng cho phép lấy vào trong đồng là 1 phần nghìn. Mặn xâm nhập sâu nên số cống trên các sông có thể mở lấy nước và số giờ mở cống lấy nước bình quân rất thấp, có cống chỉ tranh thủ mở lấy nước được từ 15-30 phút; hơn nữa thời điểm có thể mở lấy nước được hầu hết là thời điểm mực nước triều còn thấp, do đó hiệu quả lấy nước không cao, các đơn vị, địa phương phải tổ chức bơm, tát mới lấy được nước vào ruộng. Theo báo cáo của các công ty thủy nông của tỉnh thì tổng diện tích gặp khó khăn về nước tưới ước khoảng 23.980ha; trong đó khó khăn nhất là khoảng 14 nghìn ha thuộc địa bàn phục vụ của 2 Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy và Nghĩa Hưng… Trước những khó khăn trên, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành hữu quan, các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, chủ động khắc phục khó khăn để bảo đảm gieo cấy toàn bộ diện tích lúa xuân trong khung thời vụ đã xây dựng. Ngày 23-1-2020 (tức 28 tháng Chạp), Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp về kiểm tra, chỉ đạo công tác lấy nước, đổ ải làm đất phục vụ gieo cấy lúa xuân tại tỉnh ta. Bộ trưởng yêu cầu, bằng mọi biện pháp kết hợp dùng động lực và tự chảy, tăng cường các trạm bơm dã chiến để bơm tát và tận dụng các đợt triều cường để điều tiết, bơm nước vào ruộng, hệ thống kênh mương, sông chìm phối hợp đồng thời tập trung làm đất nhanh để vừa giữ nước vừa bảo đảm đất được ngấu ngả giúp thâm canh lúa xuân được tốt hơn; chủ động tích nước ở tất cả kênh mương, ao hồ và những nơi cho phép bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy và tưới dưỡng cho lúa mới cấy giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt. UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra đôn đốc các địa phương, các công ty thủy nông của tỉnh tích cực lấy nước phục vụ sản xuất; chỉ đạo Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố và các công ty thủy nông của tỉnh tập trung huy động 100% lực lượng, phương tiện máy bơm tổ chức bơm nước tạo nguồn để các xã, thị trấn và các HTX nông nghiệp có nước đổ ải làm đất. Các trạm bơm tại các huyện phía bắc tỉnh thuộc Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà tổ chức bơm tưới từ ngày 12-1; các huyện phía nam tỉnh bám sát diễn biến từng con nước, từng đợt xả nước của các hồ thủy điện trên các tuyến sông để mở các cửa cống lấy nước vào đồng đổ ải, làm dầm phục vụ gieo cấy lúa xuân bảo đảm trong khung thời vụ tốt nhất. Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Lường trước những khó khăn trong sản xuất vụ xuân năm 2020, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 2-10-2019 chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông và phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng. Trong đó yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành các công trình trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp trước ngày 15-1-2020, đảm bảo thông nước từ công trình đầu mối đến mặt ruộng. Sở NN và PTNT đã thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc và trực tiếp chỉ đạo các công ty thủy nông tập trung các biện pháp lấy nước phục vụ sản xuất; đôn đốc các công ty thủy nông các huyện tập trung xây dựng chi tiết kế hoạch và chủ động triển khai các biện pháp lấy nước vào các kỳ triều cường, nhất là thời điểm cuối tháng 12-2019 và đầu tháng 1-2020 để nâng mực nước trong tất cả tuyến sông nội đồng, tiến hành thau chua, rửa mặn và cấp nước cho đồng ruộng; phối hợp với các HTX nông nghiệp chuẩn bị máy bơm dã chiến bơm nước tạo nguồn và sử dụng nước tiết kiệm. Yêu cầu chủ động bám sát lịch xả nước của các hồ chứa để lấy nước đảm bảo lấy đủ nước để làm đất và đáp ứng yêu cầu gieo cấy lúa xuân theo đúng kế hoạch. Đồng chí Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở NN và PTNT, tranh thủ triều cường công ty đã tiến hành 2 đợt lấy nước, đợt 1 từ ngày 23-12-2019 đến 1-1-2020 và đợt 2 từ ngày 8 đến 18-1-2020 để thay tháo nước trong hệ thống kênh mương, thau chua, rửa mặn. Nhợ̀ tích cực, chủ động của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các công ty thủy nông nên qua 2 đợt lấy nước tập trung, toàn tỉnh đã lấy đủ nước phục vụ gieo cấy vụ xuân trong khung thời vụ đã xây dựng.

Bên cạnh những khó khăn trong lấy nước đổ ải, làm đất gieo cấy đầu vụ, vụ xuân năm nay thời tiết ấm nên một số đối tượng sâu, bệnh, dịch hại nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên cây trồng, vật nuôi, nhất là bệnh lùn sọc đen, sâu keo mùa thu trên lúa, ngô, rau màu; giá các loại vật tư nông nghiệp có xu hướng tăng, thị trường nông sản không ổn định ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của nông dân và hiệu quả sản xuất. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) cho biết: Vụ xuân năm nay, các đối tượng sâu bệnh xuất hiện với mật độ cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là rầy lứa 3 (chủ yếu rầy nâu) nở rộ với mật độ rất cao, diện phân bố rộng hơn so với cùng kỳ năm trước; mật độ phổ biến 1.000-2.000 con/m2, cá biệt có nơi trên 7.000 con/m2. Mật độ rầy trên lúa xuân ở các huyện phía nam tỉnh cao hơn các huyện phía bắc tỉnh. Toàn tỉnh có 18.514ha lúa bị nhiễm rầy nâu, trong đó có 1.800ha bị nhiễm nặng, 11.102ha bị nhiễm trung bình… UBND tỉnh đã thành lập đoàn do đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đi kiểm tra thực tế tình hình sâu, bệnh hại lúa để có những chỉ đạo kịp thời sát thực tế. Sở NN và PTNT có công văn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, thời điểm phun trừ, sử dụng các loại thuốc trừ sâu cho từng đối tượng. Đặc biệt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hải Hậu, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật I Trung ương xây dựng mô hình trình diễn phun thuốc Clever 300WG, 150SC phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ trên lúa xuân tại xã Hải Hưng (Hải Hậu). Những kết quả từ mô hình đã giúp người nông dân, cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật có thêm phương pháp, sự̣a chọn mới để tổ chức phun trừ, phòng sâu cuốn lá nhỏ tích cực, hiệu quả hơn ở những vụ xuân tới.

Những khó khăn do thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường và tình hình sâu bệnh đã được Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân từng bước thận trọng khắc phục, vượt qua, bảo đảm gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Do vậy, toàn tỉnh đã giành vụ lúa xuân thắng lợi./.

(còn nữa)
Bài và ảnh
: Văn Đại

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com