Các ngân hàng chủ động kịch bản phục hồi sau đại dịch COVID-19

07:06, 05/06/2020

Dịch bệnh COVID-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Các hoạt động kinh tế vì thế cũng bắt đầu phục hồi, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh nhờ đó cũng đã có tín hiệu khởi sắc hơn. Nhiều ngân hàng đã chuẩn bị sẵn kịch bản kinh doanh hậu dịch COVID-19, vừa tiếp sức doanh nghiệp, vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh và chờ đợi khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Giao dịch tại trụ sở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Nam Định.
Giao dịch tại trụ sở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Nam Định.

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, hiện tại, mặt bằng lãi suất đã được các tổ chức tín dụng triển khai bám sát theo chỉ đạo giảm lãi suất của NHNN Việt Nam. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng (VNĐ) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) giảm 0,5%/năm (từ 6%/năm xuống mức 5,5%/năm). Lãi suất huy động VNĐ tối đa là 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,25-4,75%/năm đối với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,3-6,8%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; 6,6-7,4%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư. Lãi suất cho vay VNĐ phổ biến ở mức khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; lãi suất cho vay USD phổ biến từ 3-6%/năm. Nhờ vậy, tính đến hết tháng 5-2020, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 72.155 tỷ đồng, tăng 6.312 tỷ đồng (9,6%) so với đầu năm. Điều này cho thấy, nhu cầu vốn của doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, nền kinh tế nước ta đang dần trở lại trạng thái bình thường sau dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh rủi ro từ dịch trên toàn cầu vẫn đang chực chờ, sức cầu trong nước và thế giới còn yếu, xuất khẩu tăng chậm, doanh nghiệp sẽ rất thận trọng vay vốn, ngân hàng cũng thận trọng giải ngân. Điều này khiến tín dụng khó bật tăng, dù lãi suất đã giảm thêm do phải phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu vốn và cả sức khỏe của doanh nghiệp. Có thể nhận thấy điều này qua tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 5-2020 chỉ đạt 63.966 tỷ đồng, giảm 321 tỷ đồng (0,5%) so với đầu năm.

Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Bắc Nam Định đã tập trung chỉ đạo các chi nhánh loại II, phòng giao dịch trực thuộc và toàn thể cán bộ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn hoạt động, đồng thời có các giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19; chủ động các phương án phục hồi kinh doanh sau dịch với nhiều kịch bản khác nhau. Đến 30-4-2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 11.013 tỷ đồng; tăng 768 tỷ đồng (bằng 7,5%) so với đầu năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tăng trưởng tín dụng của Chi nhánh vẫn chưa thực sự khởi sắc. Tổng dư nợ đến 21-5-2020 đạt 7.141 tỷ đồng, giảm 268 tỷ đồng (bằng 3,6%) so với đầu năm, giảm 32 tỷ đồng so với đầu quý. Trong đó, cho vay ngắn hạn đạt 4.996 tỷ đồng, giảm 264,2 tỷ đồng (bằng 5,1%) so với đầu năm; cho vay trung, dài hạn đạt 2.145 tỷ đồng, giảm 4,2 tỷ đồng so với đầu năm. Đến ngày 22-5-2020, Chi nhánh đã áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho 649 khách hàng, với dư nợ là 700 tỷ 822 triệu đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 21 khách hàng với số dư là 19 tỷ 710 triệu đồng. Đối với các khoản giải ngân từ 1-4-2020, đã có 158 khách hàng vay mới được hưởng lãi suất ưu đãi với dư nợ là 165 tỷ 433 triệu đồng. Ngoài ra, Chi nhánh chủ động tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, giảm lãi suất tối đa 0,5%/năm đối với các dư nợ hiện hữu cho 470 khách hàng với số tiền là 515 tỷ 679 triệu đồng. Thời gian tới, để hỗ trợ khách hàng nhiều hơn trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, Agribank Bắc Nam Định sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách của NHNN, Agribank Việt Nam đến với khách hàng, chủ động rà soát tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của khách hàng vay vốn, kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ khách hàng. Chủ động bố trí vốn với lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có nhu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện vay theo quy định các lĩnh vực ưu tiên; lĩnh vực xuất, nhập khẩu, sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tiếp nhận phản ánh vướng mắc từ khách hàng qua hệ thống đường dây nóng tại Chi nhánh. Kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn đến các cấp chính quyền và Trụ sở chính. Tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc hỗ trợ đối với khách hàng đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật và Agribank Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp để khách hàng phản ánh, khiếu nại về việc không thực hiện các quy định hỗ trợ đối với khách hàng đủ điều kiện, cũng như lợi dụng chính sách, thực hiện không đúng quy định nhằm che giấu nợ xấu, làm thiệt hại tài chính.

Thời gian tới, các ngân hàng trên địa bàn cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư các lĩnh vực thiết yếu như điện, nước sinh hoạt, nước công nghiệp, sản xuất vật tư y tế, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… đảm bảo rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng để khách hàng nhanh chóng phục hồi sau dịch. Tập trung thận trọng cho vay mới, đảm bảo thanh khoản tốt, kiểm soát rủi ro nợ xấu. Bên cạnh đó, để “kích cầu” tín dụng, ngân hàng tập trung giải ngân mạnh vào các doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt các lĩnh vực như: du lịch, thương mại, dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu… Sau đó, phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để từng bước mở rộng phân khúc khách hàng, kịp thời cung ứng vốn. Để tạo sức bật tốt hơn sau dịch, bản thân các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp cần nghiên cứu cẩn trọng xu hướng phục hồi thị trường sau dịch bệnh để có thể khai thác tối đa cơ hội, nhất là mảng vận tải, bán lẻ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ và phù hợp với thị hiếu mới của khách hàng nhằm tăng năng suất lao động, giảm thiểu chi phí và đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn. Tuy vậy, hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch không phải chỉ trông cậy vào vốn ngân hàng.  Theo các chuyên gia kinh tế, để kích hoạt nền kinh tế phục hồi trở lại, cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để tạo vốn mồi. Ngoài ra, các gói hỗ trợ thuế, an sinh… theo chỉ đạo của Chính phủ phải nhanh chóng đi vào cuộc sống. Khi nền kinh tế vận động trở lại, nhu cầu tín dụng phục hồi, các ngân hàng đồng loạt vào cuộc tiếp sức sẽ tạo sức bật mạnh mẽ hơn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com