Chăn nuôi gia cầm vượt khó

05:06, 05/06/2020

Theo thống kê, tính đến tháng 1-2020 đàn gia cầm của toàn tỉnh có hơn 6,6 triệu con. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những tháng đầu năm, giá gia cầm thương phẩm giảm xuống mức rất thấp cộng với đầu ra gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến thu nhập của hộ chăn nuôi.

Khi giá gia cầm, nhất là giá gà xuống thấp, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, nhiều chủ trang trại đã tìm nhiều cách để duy trì chăn nuôi. Trang trại gà của anh Trần Văn Rụ ở thôn Báng Già, xã Kim Thái (Vụ Bản) là một trong những trang trại nuôi gà thịt theo mô hình chuồng lạnh đã duy trì ổn định vượt qua giai đoạn khó khăn khi giãn cách xã hội, dù có thời gian giá gà công nghiệp xuống mức chỉ còn 16, 17 nghìn đồng/kg. Trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, giá gà trung bình khoảng 50 nghìn đồng/kg trong điều kiện phải xuất bán ngay khi nuôi được 45 ngày. Anh cho biết, nếu không xuất bán được gà khi nuôi đủ 45 ngày thì phải gánh thêm khoản lỗ vì tiêu hao thức ăn. Ngoài ra, khi gà đủ 100 ngày, dù có nuôi kéo dài thì cũng không thể tăng thêm trọng lượng. Với gần 17 năm nuôi gà thương phẩm, từ nuôi theo hình thức chuồng hở đến hiện tại nuôi gà thịt theo hình thức chuồng lạnh của Công ty Japfa Comfeed theo mô hình an toàn sinh học VietGap, nhiều lần “lao đao” khi gà bị dịch bệnh, “xuống giá” nên anh Rụ có nhiều kinh nghiệm để ổn định chăn nuôi. Trên diện tích 4.000m2, anh Rụ chia làm 4 trại với khoảng 35 nghìn con gà. Khi dịch bệnh diễn ra phức tạp, vào thời điểm tháng 2 và tháng 3, do các khách hàng hạn chế nhập hàng, anh đã chủ động giãn lứa xuống còn 23 nghìn con và tăng dần vào cuối tháng 4. Với lượng khách hàng lâu năm cùng với chủ động tìm kiếm thị trường lẻ, dù có tháng giá gà giảm sâu, có đơn vị ngưng hẳn việc nhập hàng do công nhân, học sinh nghỉ học, nghỉ làm nhưng trang trại của anh vẫn duy trì, hạn chế thua lỗ và có điều kiện tái đàn ngay sau khi hết giãn cách xã hội.

Trang trại gà của anh Trần Văn Rụ ở thôn Báng Già, xã Kim Thái (Vụ Bản).
Trang trại gà của anh Trần Văn Rụ ở thôn Báng Già, xã Kim Thái (Vụ Bản).

Gia đình anh Trần Tiến Duật ở xóm La Đồng, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) cũng vừa vượt qua giai đoạn khó khăn trong chăn nuôi gà do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với mô hình nuôi gà Ri lai thả vườn, trên diện tích gần 1.000m2, mỗi lứa anh thường nuôi khoảng 3.000 con. Vì được lai giống thuần chủng nên gà Ri lai có đặc điểm thân cao, chân dài, trọng lượng đạt 2,2-2,5kg đối với gà trống và 1,5-2kg đối với gà mái. Đây cũng là giống gà có thời gian sinh trưởng trung bình khoảng 4 tháng nên mỗi năm anh Duật có thể quay vòng được 2-3 lứa. Vì chất lượng thịt thơm ngon nên gà Ri lai chọi được thị trường ưa chuộng, giá luôn ổn định từ 80 đến 85 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng rất nhiều do các nhà hàng, quán ăn, đám cưới… không tập trung đông người nên có lúc giá gà Ri giảm xuống chỉ con 50-52 nghìn đồng/kg mà vẫn khó bán. Hơn nữa, việc đàn gà đến thời gian trưởng thành không được xuất chuồng đã gây áp lực lớn đến chi phí chăn nuôi. Anh Duật đành phải đem ra các chợ bán lẻ và bán buôn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.  “Chưa năm nào tôi nuôi gà bán với giá rẻ như năm nay. Trước đây, gà đến lứa bán, chỉ cần gọi điện cho thương lái là họ đến tận nhà mua hết. Năm nay, thời gian xuất gà đúng vào dịp giãn cách xã hội nên không chỉ lo lỗ, tôi còn lo không có người mua. Tuy nhiên, do đã chủ động giãn đàn ngay khi có dịch COVID-19 nên dù phải tăng chi phí cho thời gian nuôi và vất vả hơn trong tìm thị trường nên cũng đỡ thiệt hại phần nào” anh Duật cho biết. Thông thường, mỗi tháng gia đình anh xuất khoảng 2,5 tấn gà thịt, riêng tháng 4-2020, anh chỉ xuất được 1 tấn gà. Từ tháng 5-2020, do thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh để tái đàn nên đến thời điểm này, trong chuồng của anh đã có hơn 2.000 con gà chuẩn bị đến ngày xuất chuồng. Với giá gà đang lên cao, anh hy vọng sẽ có thu nhập để bù đắp lại thiệt hại từ thời gian trước.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng đang chịu tác động khá rõ rệt do sản xuất, chăn nuôi đình trệ, giá thành giảm mạnh đã khiến người chăn nuôi chịu nhiều thua lỗ. Tuy nhiên, với diễn biến khả quan về dịch COVID-19 ở trong nước hiện nay, cùng với sự chủ động trong phát triển chăn nuôi, các trang trại nuôi gà ở trong tỉnh đã yên tâm tái đàn mở rộng sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các địa phương, huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở để cấu trúc lại ngành chăn nuôi. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi; hình thành các chuỗi liên kết khép kín trong sản xuất nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra nhằm giảm chi phí các khâu trung gian, tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, tạo thị trường đầu ra ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững. Phấn đấu năm 2020, thịt gia cầm đạt sản lượng 28 nghìn tấn. /.

Bài và ảnh: Hồng Minh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com