Hiệu quả kinh tế từ cây mướp hương

05:06, 05/06/2020

Một ngày cuối tháng 5, trong cái nắng oi ả của mùa hè, chúng tôi đến thăm các nhà vườn trồng mướp hiệu quả ở xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc). Nhiều năm nay, người dân trong xã đã chọn mướp hương là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình.

Bà Nguyễn Thị Vân, thôn 10, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) chăm sóc giàn mướp.
Bà Nguyễn Thị Vân, thôn 10, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) chăm sóc giàn mướp.

Gia đình bà Nguyễn Thị Vân, thôn 10, người đã có vài chục năm trồng mướp. Ban đầu bà Vân trồng mướp với mục đích phục vụ nhu cầu thực phẩm cho gia đình. Những vụ mướp đầu được mùa, ăn không xuể, bà Vân mang ra các chợ quanh vùng bán. “Mướp hương rất được thị trường ưa chuộng, nhiều người hỏi mua nên tôi quyết định mở rộng diện tích cây trồng”. Bà Vân cũng là một trong những người trồng mướp theo hướng chuyên canh đầu tiên ở xã Mỹ Trung. Gắn bó với cây mướp đã lâu, theo bà Vân, mướp là cây trồng “dễ tính”, ít sâu bệnh và quan trọng nhất là “hợp chất đất”, thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Hàng năm, để đón mùa mướp mới, bà Vân phải chuẩn bị từ việc bắc giàn cho đến xới đất, chọn giống. Để có được một giàn mướp chắc chắn, “gánh đỡ” những gốc mướp qua nhiều mùa vụ, bà đổ bê tông các cọc, đồng thời chọn mua từng gốc luồng, tre già để bắc giàn. Tháng 11, khi những cây mướp chỉ còn trơ lại cuộng trắng, bà Vân tìm kiếm những quả gần gốc đã dự tính từ trước để lấy hạt làm giống. Tháng 12 là thời điểm xuống giống, cứ cách ba mươi phân, bà đào một hốc nhỏ đặt hạt giống. Khi cây mầm được 1 tháng, bà chuẩn bị công đoạn “bắt tay mướp” cho cây leo giàn. Khi cây bắt đầu bám giàn cũng là lúc xuất hiện nhiều sâu bệnh hại. Hàng ngày bà ra vườn kiểm tra sâu bệnh trên từng gốc mướp để có hướng xử lý kịp thời. Đối với những gốc trồng cách xa ao, một tuần bà tưới nước 3 lần để giữ độ ẩm cho cây mướp, sau 2 tháng giàn mướp của bà Vân cho thu hoạch. Mặc dù có thể tận thu tới khoảng tháng 11 nhưng về cuối vụ, cây thưa quả, chất lượng quả cũng kém. Bà Vân bảo: “Trồng mướp lâu năm, tôi còn nhận thấy, giữa mùa đông và mùa hè cây mướp cũng cho chất lượng quả khác nhau. Mùa đông mướp ít quả hơn, ruột mướp cũng đặc hơn so với mùa hè”. Sau mỗi đợt thu hoạch mướp, bà tỉa lá già, cắt bớt các dây khô, kích thích cây phát triển. Cứ như vậy, giàn mướp tự “tái sinh” ra hoa rồi kết quả chờ lứa mới. Với nhiều năm kinh nghiệm trồng mướp hương, đến nay bà Vân đã có thể tự nhân giống, tự trồng, đổ mối bán sản phẩm theo một quy trình khép kín. Người dân nơi đây tận dụng mọi diện tích trống để trồng mướp. Mướp được các hộ gia đình trồng dày đặc ở ven ao trong vườn nhà, ngoài ruộng, bờ tường, các dong ngõ… Tuy nhiên, đa phần các hộ gia đình thường trồng mướp ở trên ao, lợi dụng sự mát mẻ của nước để cây dễ sinh trưởng, phát triển. Họ thường bắc giàn quanh mép ao, chiều rộng quãng 3m, chừa khoảng giữa ao lấy khí cho cá thở, kết hợp mô hình VAC, cá dưới nước, mướp, cây ăn quả, vật nuôi trên bờ, mang lại giá trị kinh tế khá cao. Ngoài ra, chủ các nhà vườn còn trồng xen canh mướp với các loại rau như: bí xanh, dưa leo, mướp đắng, rau muống, rau thơm… để tăng thu nhập. 

Chiều chiều, khi ánh nắng hè đã bớt gay gắt bà Vân lại ra vườn cắt mướp. Đầu vụ khi cây còn ít quả, 2 ngày/lần bà mới có thể thu hoạch. Với 4 sào mướp, mỗi ngày bà Vân cắt được từ 50-70kg quả. Với giá bán 20 nghìn đồng/kg đầu mùa và 5.000 đồng/kg khi vào chính vụ, bà Vân ước tính thu về trên dưới 250 nghìn đồng/ngày. Khác với một số gia đình trong thôn, thường tự đem mướp đi bán buôn ở chợ đêm đầu mối Phạm Ngũ Lão, thành phố Nam Định để được giá, bà Vân thường bán cho thương lái ngay tại vườn. Theo tính toán của bà, sau lứa đầu tiên thì cứ cách 2 tháng, vườn mướp lại cho thu hoạch một lần, năng suất bình quân đầu sào đạt 2 tấn, lãi ròng trên 15 triệu đồng/sào/vụ. Ở xóm 10, xóm 11, xã Mỹ Trung bây giờ hầu như nhà nào cũng trồng mướp. Nhà trồng ít cũng khoảng 2, 3 sào, nhà nhiều 6, 7 sào, thậm chí vài mẫu. Tiêu biểu như gia đình anh Điện Tiếp, ông Nhàn, anh Khái, anh Hoan trồng từ 2-3 mẫu… Sau nhiều năm trồng mướp, đến nay nhiều hộ dân trong xã đã xây dựng được nhà mới khang trang với các trang thiết bị phục vụ đầy đủ sinh hoạt, đời sống.

Do hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác nên không chỉ ở Mỹ Trung mà nhiều vùng khác như Hải Hậu, Ý Yên, Giao Thủy, Nam Trực, nhiều hộ gia đình đã chuyển từ các cây màu kém hiệu quả sang trồng mướp. Diện tích cây trồng này theo đó đang dần mở rộng, mang về “quả ngọt” cho các hộ nông dân./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com