Thành phố Nam Định chủ động phương án ứng phó với thiên tai

08:06, 04/06/2020

Thành phố Nam Định có 13,78km đê cấp I (sông Hồng và sông Đào); cao trình mặt đê, mái đê ở nhiều vị trí chưa đủ so với thiết kế. Cụ thể, ở vị trí K166-K167,3 (thuộc xã Nam Phong gần cống Ngô Xá) và tại điểm K4,26-K5043 (thuộc phường Trần Quang Khải); có 8km kè (kè Vạn Hà, kè Phù Long, kè sông Đào, kè Tam Phủ); trong đó nhiều đoạn mái kè, chân kè đã bị sạt lở; 4 cống qua đê (cống Kênh Gia, cống Trạm bơm Kênh Gia, cống Ngô Xá, cống Vạn Diệp); 6km bối (thuộc xã Nam Phong và Nam Vân) với dân số trên 1.000 khẩu; có 592 hộ với 1.671 khẩu cần phải di chuyển khi có bão, lụt xảy ra.

Cán bộ Phòng Kinh tế thành phố Nam Định kiểm đếm vật tư phòng chống thiên tai.
Cán bộ Phòng Kinh tế thành phố Nam Định kiểm đếm vật tư phòng chống thiên tai.

Năm 2020 với dự báo thiên tai diễn biến bất thường, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Để công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) đạt mục tiêu giữ vững an toàn tuyến đê, bảo vệ các công trình công cộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố Nam Định đã tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều trước mùa bão, lũ; xác định các trọng điểm xung yếu để có phương án bảo vệ. Thành phố đã  chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án di dời 592 hộ với 1.671 nhân khẩu thuộc địa bàn 10 phường ở nhà thuộc sở hữu Nhà nước nguy hiểm cần phải di chuyển khi có bão lụt xảy ra. Trong đó, tự di chuyển có 16 hộ với 50 nhân khẩu; còn lại 576  hộ với 1.621 nhân khẩu phải di chuyển theo phương án chung đã được thống nhất hiệp y với phường, xã và Phòng Quản lý Đô thị, Công ty CP Công trình đô thị. UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty CP Công trình đô thị Nam Định thực hiện các đợt cắt tỉa, đốn hạ cây xanh đường phố đã già cỗi, nguy hiểm; nạo vét các tuyến mương, cống, khơi thông dòng chảy đảm bảo thoát nước kịp thời; duy tu bảo dưỡng và sửa chữa các máy bơm tại hai Trạm bơm Quán Chuột và Kênh Gia đáp ứng yêu cầu thoát nước đô thị. Chủ động kiểm tra, sửa chữa, chằng buộc hệ thống điện trang trí và chiếu sáng công cộng khi bão đổ bộ vào thành phố, xử lý kịp thời các sự cố xảy ra đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân. Thành phố Nam Định có 3 tuyến đê chính là tả Đào, hữu Đào và hữu Hồng với chiều dài 13,78km; hơn 3,3km đê bối tả Đào và 4 cống (gồm cống Ngô Xá, cống Vạn Diệp, Cống tiêu tự chảy Kênh Gia và cống trạm bơm Kênh Gia). Từ tình hình thực trạng các tuyến đê, bối, kè, cống trên địa bàn, Ban chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Nam Định xây dựng phương án hộ đê theo 3 tuyến chính gồm: Tuyến đê hữu Hồng và tả Đào, xã Nam Phong (đê hữu Hồng từ Km164+756 đến Km167+294; đê tả Đào từ Km0 đến Km2+375); tuyến đê tả Đào thuộc phường Cửa Nam và xã Nam Vân (từ Km2+375 đến Km4+351); tuyến đê hữu Hồng (từ Km163+610 đến Km164+756) thuộc phường Lộc Hạ và đê hữu Đào (từ Km0 đến Km5+043) thuộc các phường: Trần Tế Xương, Vị Xuyên, Vị Hoàng, Phan Đình Phùng, Ngô Quyền, Năng Tĩnh, Trần Quang Khải. Phương án hộ đê được xây dựng cho toàn tuyến, từng phân tuyến và yêu cầu bảo vệ trọng điểm, di dân vùng bối xảy ra theo tinh thần “phòng là chính”, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”. Ban Chỉ huy  PCTT và TKCN thành phố đã phân công cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị phụ trách đảm bảo an toàn tuyến đê và các trọng điểm. Tại tuyến đê hữu Hồng và tả Đào, xã Nam Phong chuẩn bị sẵn sàng lực lượng xung kích 70 người tuần tra và 36 người tại chỗ; vật tư dự trữ gồm hơn 1.975m3 đá hộc, 65 rọ sắt, 400 bao tải, 65 phai chắn sóng. Sở chỉ huy của tuyến này đặt tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nam Phong; khi có tình huống xảy ra di chuyển ra điếm Óng Bò để kịp thời chỉ đạo thực hiện các phương án hộ đê. Tuyến đê hữu Hồng và đê hữu Đào huy động lực lượng tại chỗ gồm lực lượng tuần tra 24 người, lực lượng hộ đê là 60 người. Về vật tư (tre cây, phên nứa, bao tải, máy phát điện) do UBND xã, phường ký với các đại lý; đá hộc, rọ thép, cánh phai huy động tại xã Nam Phong; các loại vật tư như: cuốc, xẻng, đèn pin, đuốc được chuẩn bị và huy động ở các hộ dân khi có tình huống xảy ra và có thể ứng phó kịp thời. Sở chỉ huy đặt tại trụ sở UBND phường Cửa Nam, khi có lũ bão thì di chuyển ra điếm Đò Quan. Tuyến còn lại chuẩn bị lực lượng tuần tra, canh gác 24 người; lực lượng xung kích 460 người (phường Trần Tế Xương 60 người; phường Lộc Hạ 70 người, phường Trần Quang Khải 70 người, phường Phan Đình Phùng 60 người, phường Ngô Quyền 60 người, phường Vị Hoàng 70 người, phường Vị Xuyên 70 người). Vật tư dự trữ gồm: 16 chiếc nhà bạt các loại và 800 chiếc phao tập trung tại Phòng Kinh tế thành phố; 1 xe tải, 2 xe nâng đặt tại Công ty CP Công trình Đô thị; 1 máy phát điện đặt tại Hạt Quản lý đê thành phố; tre cây, phên nứa, bao tải do UBND phường, xã ký với các đại lý; các loại vật tư như cuốc, xẻng, máy phát điện, đèn pin, đuốc được chuẩn bị và huy động ở các hộ dân khi có tình huống xảy ra và có thể ứng phó kịp thời. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố yêu cầu UBND các phường, xã; các cơ quan, doanh nghiệp phải xây dựng phương án cho các trọng điểm PCTT và phương án phòng, chống siêu bão của riêng đơn vị mình. Riêng những phường, xã có đê phải xây dựng phương án hộ đê tại chỗ và tổ chức tập huấn cho lực lượng xung kích hộ đê; đặc biệt lưu ý các vị trí trọng điểm là đê Óng Bò và đê bối xã Nam Phong. Các phường, xã tiếp tục thống kê nhà ở thuộc diện nguy hiểm thuộc sở hữu tư nhân và các công trình có nguy cơ mất an toàn khi xảy ra mưa bão như: trụ sở, trường học, trạm y tế, cây xanh, biển báo, nhà ở tập thể... để chủ động phối hợp với Phòng Quản lý đô thị xây dựng phương án di dân; bố trí phương tiện di chuyển, địa điểm tránh trú an toàn cho các hộ dân khi có bão lũ xảy ra. Tất cả các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chế độ trực ban trong mùa bão, lũ, nhất là công tác tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố, hư hỏng về đê điều, công trình thủy lợi ngay từ giờ đầu; đảm bảo chế độ thông tin tổng hợp thường xuyên, liên tục, nhất là trong tình huống có bão, lũ. Củng cố hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo thông tin kịp thời tình hình bão lụt đến tận người dân để chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Với sự nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp PCTT và TKCN của các cấp, các ngành và sự phối hợp chủ động của người dân, Thành phố Nam Định quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống bão lũ trong mùa mưa bão năm 2020./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com