Lỏng lẻo quản lý giống cây trồng kinh doanh online?

08:05, 22/05/2020

Một lần ngồi lướt facebook, xem một tài khoản quảng cáo bán giống hoa sen cảnh Nhật Bản với những hình ảnh hết sức bắt mắt, thông tin giới thiệu cách trồng, chăm sóc không quá phức tạp, giá cả phải chăng, chị Vân ở thành phố Nam Định đã bị hấp dẫn và qua trao đổi thông tin ngắn gọn đã đặt mua hàng. Chọn mua gói COMBO nên chị được người bán khuyến mãi phân bón và tài liệu hướng dẫn ươm hạt và chăm sóc để có những chậu sen đẹp. Đúng hẹn, chị nhận được 4 túi nilon đựng hạt sen giống khô, 1 túi phân bón dạng hạt đủ màu được chia nhỏ đựng trong túi nilon và 1 tờ giấy A4 có nội dung hướng dẫn kỹ thuật ươm hạt và chăm sóc sen (copy trên internet và photo). Ngoài ra không có bất kỳ một dấu hiệu gì cho biết nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hóa mà chị vừa mua, kể cả túi phân bón. Mang về thao tác như hướng dẫn, tuy nhiên những hạt sen có lớp vỏ khô cứng không thể nào “gọt nhẹ lớp vỏ ở đầu hạt cho mầm nhú ra” được như quảng cáo chị Vân mang ngâm nước hy vọng vỏ hạt mềm ra. Tuy nhiên sau 3 ngày ngâm nước lã mà hạt sen giống vẫn cứng nguyên, chị đành đổ bỏ cả hạt giống và gói phân bón tặng kèm vào thùng rác?! 

Ngày nay, lên mạng muốn tìm mua cái gì cũng có. Nhiều khi mua sản phẩm không đúng như quảng cáo thì người mua cũng đành ấm ức, coi như đánh mất tiền rồi chặn luôn tài khoản bán hàng đó. Nhưng đối với một số mặt hàng, việc kinh doanh tự do không có trách nhiệm với người mua như vậy thì thiệt hại không chỉ về kinh tế trước mắt mà còn có nguy cơ gây hại cho cộng đồng, chẳng hạn các loại giống cây trồng, vật nuôi kém chất lượng. Báo chí trên cả nước từng phản ánh nhiều vụ việc người nông dân khốn đốn vì mua phải giống cây không rõ nguồn gốc, kém chất lượng bán trôi nổi trên thị trường hoặc bán qua mạng. Ngoài việc thiệt hại trước mắt trong từng vụ sản xuất, việc sử dụng các giống cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng để sản xuất còn tiềm ẩn nguy cơ mang theo mầm bệnh vào địa bàn; đối với cây ăn quả, cây đặc sản nếu sử dụng các giống không đảm bảo chất lượng còn gây nguy cơ làm lai lẫn, thoái hóa chất lượng giống bản địa. 

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) cho biết: Hiện nay, khoảng 85-90% hạt giống rau sản xuất tại Việt Nam là nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Với các giống nằm trong danh mục được phép nhập khẩu vào Việt Nam, các doanh nghiệp không cần xin phép Cục Trồng trọt mà chỉ cần làm các thủ tục về kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng (độ nảy mầm, độ thuần giống, độ sạch), kiểm dịch thực vật, trắc nghiệm đạt tiêu chuẩn mới được công nhận và đưa ra thị trường. Thông tin về tiêu chuẩn chất lượng giống phải được công bố bằng tiếng Việt trên bao bì sản phẩm đảm bảo để người sử dụng biết rõ. Tuy nhiên, trên thực tế khâu “làm các thủ tục về kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng” không phải lúc nào cũng được đảm bảo. Rất nhiều loại hạt giống đựng trong bao bì được in ấn rất bắt mắt nhưng thông tin chỉ bằng chữ Trung Quốc, được đảm bảo chất lượng bằng “cam kết miệng” của người bán. Đại diện Cục Trồng trọt cũng phải thừa nhận việc giống rau, củ, quả được “xách tay” theo đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu vào trong nước thì không thể kiểm soát được chất lượng. Và vì thế có trường hợp các lô hàng nhập lậu còn mang mầm mống sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Thậm chí, một người chuyên kinh doanh hạt giống có uy tín còn cho biết, lợi dụng tình trạng lỏng lẻo trong quản lý, kiểm soát kinh doanh hạt giống cây trồng, để đối phó với tình trạng người trồng tẩy chay giống cây có nguồn gốc Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc về, cắt nhãn mác gốc rồi đóng bao bì nhãn mác bằng tiếng Việt, nội dung chung chung, lập lờ để bán, rất dễ qua mắt đối với người mua qua mạng hoặc không có kinh nghiệm. 

Một nguy cơ nữa đối với việc mua giống cây bán trên mạng là việc người mua dù lựa chọn địa chỉ bán tin cậy, trồng cây đạt kết quả nhưng lại là các sản phẩm giống biến đổi gen (hạt bí ngòi, bắp Mỹ, đậu Hà Lan, thậm chí cà chua, đu đủ, củ cải đường…). Với những hạt giống này những người tự trồng cây tại nhà, tận dụng mái nhà, sân vườn để “sản xuất rau sạch” cho gia đình khá ưa chuộng vì cây khỏe, sức kháng bệnh cao, dễ trồng và cho ra thành quả rất bắt mắt. Tuy nhiên việc sử dụng thường xuyên các sản phẩm này chưa hẳn đã đảm bảo an toàn cho sức khỏe vì những nguy cơ của thực vật biến đổi gen đối với con người, nhất là trẻ em đang tuổi phát triển mà các nhà khoa học đã cảnh báo.

Thực trạng trên cho thấy cơ quan chức năng cần có giải pháp tăng cường quản lý việc kinh doanh giống cây, rau, củ, quả nói chung; kinh doanh mặt hàng này trên mạng nói riêng. Đặc biệt trong xu thế phát triển thương mại điện tử đang được khuyến khích thúc đẩy. Để thực hiện được các mục tiêu an toàn cho cả người mua và ngành sản xuất trồng trọt, không để các nguy cơ về giống ngoại lai chất lượng kém, mang mầm bệnh xâm nhập cũng như có yếu tố nguy hại cho cây trồng bản địa, sức khỏe người dùng thì cùng với các giải pháp của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần thông thái và có trách nhiệm trong khi chọn mua các mặt hàng này, chung tay tố cáo và tẩy chay các địa chỉ bán hàng kém chất lượng, không trung thực, gây hại cho sản xuất kinh doanh trong nước./.

Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com