Hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi sản xuất ở Yên Hưng

08:05, 21/05/2020

Những năm gần đây, xã Yên Hưng (Ý Yên) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng xây dựng những mô hình sản xuất mới theo hướng sản suất nông sản hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo nguồn lực thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Với việc trồng các cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như: ổi lê, bưởi da xanh, bưởi Diễn gia đình anh Vũ Tuấn Thịnh có nguồn thu nhập ổn định.
Với việc trồng các cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như: ổi lê, bưởi da xanh, bưởi Diễn gia đình anh Vũ Tuấn Thịnh có nguồn thu nhập ổn định.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, xã Yên Hưng đã xây dựng kế hoạch và triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư nâng cấp hệ thống kênh, mương nội đồng, đẩy mạnh xúc tiến thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Xã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện và các doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và nuôi thủy sản cho nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Hiện trên địa bàn xã Yên Hưng đã xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới. Điển hình là mô hình trồng ổi lê Đài Loan, bưởi da xanh, bưởi Diễn của anh Vũ Tuấn Thịnh ở xóm 6, thôn Lam Sơn. Cuối năm 2014, anh Thịnh đầu tư trên 100 triệu đồng thuê máy móc cải tạo toàn bộ diện tích đất ruộng trũng, tổ chức đắp ụ, tạo dòng thoát nước, xây dựng hệ thống tưới, tiêu nước để tạo thành vùng trồng bưởi da xanh, bưởi Diễn và ổi lê Đài Loan. Sau khi anh quyết định chọn loại cây trồng, anh tham khảo các nguồn cung cấp giống và quyết định chọn giống cây tại Trung tâm Giống cây trồng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nên chất lượng cây giống bảo đảm khỏe, ít sâu bệnh; đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Sau 3 năm trồng, chăm sóc ổi lê, bưởi da xanh, bưởi Diễn, đến năm 2019 anh đã bắt đầu được thu hoạch lứa quả đầu tiên. Anh Thịnh cho biết: Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và trồng cho thấy đây là những giống cây trồng phù hợp với đồng đất của địa phương. Ổi lê Đài Loan, bưởi da xanh, bưởi Diễn phát triển khá tốt, ít sâu bệnh, năng suất khá, được thị trường ưa chuộng và cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần cấy lúa. Nhờ đó chỉ sau 1 lứa quả đầu, anh đã cơ bản hoàn vốn đầu tư ban đầu. Cuối năm 2019, anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng ổi, bưởi lên trên 2,2ha. Hiện nay, với trên 500 gốc ổi lê, mỗi ngày anh Thịnh thu trên dưới 1 tạ quả xuất bán cho các thương lái trong và ngoài huyện. Với giá bán, thị trường ổn định  bình quân mỗi năm doanh thu của ảnh từ ổi lê đạt trên 200 triệu đồng. Anh Thịnh cho biết: “Ổi, bưởi là những cây trồng sống khỏe, ít bị sâu bệnh nên không phải sử dụng thuốc trừ sâu. Để chủ động phòng trừ sâu, ngăn ngừa côn trùng phá hoại, tôi thường sử dụng các loại thuốc sinh học phun phòng; bọc túi ni lông ngay khi ổi, bưởi kết quả đến khi thu hoạch nên mẫu mã sản phẩm đẹp, bảo đảm chất lượng an toàn, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và cộng đồng”. Hiện, anh đang tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm ổi lê, bưởi do anh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức phát triển sản xuất theo quy mô lớn và bền vững, xây dựng thương hiệu sản phẩm để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm... Một mô hình hiệu quả kinh tế cao tiêu biểu khác là nuôi cá trắm và cá chép lai 3 máu của anh Nguyễn Đình Dưỡng, thôn Thanh Vân với quy mô 3,3ha. Trước đây, tận dụng khu đầm ven đê, anh Dưỡng phát triển nuôi gà, vịt và thả cá. Tuy nhiên do làm ăn tự phát, ít kiến thức, kinh nghiệm nên thu nhập thấp, không ổn định. Năm 2017 được Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện và Viện Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN và PTNT) và Phòng NN và PTNT huyện hỗ trợ, anh Dưỡng đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng của Ngân hàng NN và PTNT huyện Ý Yên đầu tư cải tạo thành 2 ao ươm nuôi cá bột, 2 ao nuôi cá giống và 2 ao nuôi cá thương phẩm với giống cá trắm đen và cá chép. Hệ thống sản xuất được quy hoạch theo một quy trình khép kín từ khâu sản xuất con giống đến cá thương phẩm nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ cá. Ngoài ra, anh còn đầu tư hệ thống tuần hoàn nước giúp làm sạch nước và đảm bảo môi trường sống an toàn cho cá phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh. Nhờ áp dụng phương pháp nuôi khoa học cùng công nghệ hiện đại, cá trắm, chép sạch bệnh và phát triển nhanh. Mỗi năm anh Dưỡng xuất bán 14 tấn cá trắm, chép thịt và trên 2 tấn cá giống, trừ chi phí lãi khoảng 350 triệu đồng. Hiện, anh Dưỡng đang là thành viên của Hợp tác xã chăn nuôi thủy sản Yên Hưng, tích cực hỗ trợ các thành viên khác trong việc phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mô hình chuyên canh cá thương phẩm và sản xuất cá giống của anh Dưỡng được Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) đánh giá là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác tốt lợi thế của vùng trũng với mức chi phí đầu tư phù hợp với khả năng của người dân. Đây là mô hình phù hợp với chủ trương, quy hoạch chuyển đổi vùng ruộng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản cho giá trị thu nhập cao của địa phương. Ngoài 2 mô hình kể trên, hiện nay mô hình trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản ở xã Yên Hưng cũng đang tiếp tục được cấp ủy, chính quyền nhân rộng vì cho hiệu quả kinh tế bình quân 300-400 triệu đồng/ha/năm. Đây là thành quả lớn trong thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả ở Yên Hưng. Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hưng cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng NTM, UBND xã đã quy hoạch chi tiết từng cánh đồng chuyển đổi gắn với quy hoạch sản xuất trong từng khu vực, xứ đồng; xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách cụ thể, trong đó từng chân đất được khuyến cáo thực hiện các mô hình phù hợp cả về điều kiện canh tác và tập trung vào các cây trồng có đầu ra ổn định, được thị trường ưa chuộng. Xã cũng quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho một số nông sản, thủy sản đang có ưu thế phát triển ở địa phương, giúp người dân từng bước nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất bền vững hơn. 

Việc chuyển đổi sản xuất hiệu quả đang mở hướng phát triển sản xuất nông nghiệp mới để xã Yên Hưng tạo lập và từng bước hình thành vùng nông nghiệp tập trung, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM nâng cao của địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com