Gỡ khó trong thu hút đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường

04:05, 22/05/2020

Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, từ nhiều năm nay, tỉnh ta đã tích cực kêu gọi xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên đến nay số địa phương đã thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư cho công tác BVMT, nhất là xử lý rác thải sinh hoạt trên toàn tỉnh còn rất ít.

Dịch vụ thu gom rác thải của xã Quang Trung (Vụ Bản).
Dịch vụ thu gom rác thải của xã Quang Trung (Vụ Bản).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đầu tư cho BVMT vốn dĩ là lĩnh vực rất khó huy động xã hội hóa vì đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm và lợi nhuận không cao. Bên cạnh đó, thực tế thu hút xã hội hóa đầu tư cho công tác BVMT phát sinh nhiều vướng mắc. Tại Nam Trực, do bãi chôn lấp rác của thị trấn Nam Giang quá tải, gây ùn ứ, ô nhiễm môi trường nên từ năm 2018, huyện đã nỗ lực kêu gọi, tạo điều kiện tối đa trong khuôn khổ quy định và đã thu hút được Công ty TNHH một thành viên Môi trường xanh Nam Trực đầu tư dự án xây dựng “Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang” trên diện tích 3,2ha tại thị trấn Nam Giang. Theo quy mô thiết  kế, nhà máy áp dụng công nghệ xử lý rác bằng lò đốt, công suất xử lý rác đạt 180 tấn/ngày; ngoài phần rác thải chỉ có thể đốt bỏ, Công ty tích cực tái sử dụng và tổ chức tái chế rác thải nhựa với công suất 11 nghìn tấn/năm; sản xuất gạch babanh công suất 2,4 triệu viên/năm; sản xuất phân vi sinh công suất 8.000 tấn/năm; sản xuất viên đốt RPF công suất 4.500 tấn/năm. Dù đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, đã đưa nhà máy vào vận hành thử nghiệm, góp phần giúp huyện Nam Trực giải quyết tình trạng rác tồn đọng và dừng việc chôn lấp rác thải của các bãi xử lý tập trung ở 5 xã, thị trấn gồm: Nam Dương, Nam Mỹ, Hồng Quang, Tân Thịnh, Nam Giang nhưng do bất cập trong công tác quy hoạch (vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác không nằm trong quy hoạch vùng huyện, quy hoạch vùng tỉnh) nên đến nay Công ty TNHH một thành viên Môi trường xanh Nam Trực vẫn chưa hoàn tất được thủ tục giao đất. Tại Vụ Bản, để hướng tới mục tiêu đến năm 2025 phải đưa vào vận hành các khu xử lý rác thải tập trung nên từ nhiều năm trước huyện đã chủ động xây dựng quy hoạch với 8 vị trí. Đến nay, huyện đang tập trung rà soát để lựa chọn vị trí, thu hút đầu tư 3 khu xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt, quy mô liên xã nhưng căn cứ vào các quy định liên quan thì tại các vị trí đã quy hoạch không đảm bảo được khoảng cách từ chân công trình đến nhà dân. Có chung khó khăn về bố trí quỹ đất như Vụ Bản nên đến nay huyện Nghĩa Hưng mới chỉ bố trí được 1 địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải công nghệ hiện đại, quy mô liên xã, đảm bảo quy chuẩn về khoảng cách từ chân công trình đến nhà dân. Ngoài ra, việc thu hút xã hội hóa đầu tư công trình BVMT nói chung, công trình xử lý rác thải nói riêng theo chủ trương 100% vốn doanh nghiệp là việc khó khả thi tại Nghĩa Hưng bởi bên cạnh nguồn vốn đầu tư công trình lớn, bất cập trong phí chi trả cho công đoạn thu gom rác tại địa phương còn rất thấp (thậm chí nhiều hộ dân còn không đóng phí thu gom mà lén lút xả rác bừa bãi xung quanh nơi sinh sống)...

Để nâng cao hiệu quả thu hút xã hội hóa đầu tư các công trình BVMT, mà trước mắt là thu hút đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các khu xử lý rác thải tập trung, công nghệ tiên tiến hiện đại liên xã, liên vùng, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương khắc phục các bất cập tồn tại. Trước tiên, bất cập trong hoàn tất các thủ tục giao đất cho Công ty TNHH một thành viên Môi trường xanh Nam Trực đã được UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, tích cực đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc. Đến ngày 12-5-2020, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo, đề xuất và ngày 19-5-2020 đã được UBND tỉnh nhất trí phê duyệt chủ trương điều chỉnh bổ sung quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh đối với vị trí khu xử lý rác thải vùng huyện trên địa bàn huyện Nam Trực. Các động thái tích cực của các cấp chính quyền, ngành chức năng thực sự góp phần hỗ trợ và tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm đầu tư vào lĩnh vực BVMT tại địa phương. UBND tỉnh yêu cầu từ nay đến tháng 12-2020, các huyện phải chủ động rà soát, điều chỉnh, đề xuất vị trí, địa điểm, diện tích dự kiến xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý rác thải tập trung quy mô liên xã (mỗi huyện dự kiến lựa chọn 1-3 địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải tập trung); Cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân nông thôn hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực thi các quy định pháp luật liên quan đến BVMT, trong đó cần tự giác tham gia đóng phí chi trả cho hoạt động  thu gom, xử lý rác thải do mình phát sinh, giúp các đơn vị, doanh nghiệp có đủ nguồn kinh phí duy trì, vận hành, nâng cao hiệu quả, chất lượng thu gom, xử lý rác thải. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc thực hiện quy định bố trí 1% tổng thu ngân sách để chi trả cho sự nghiệp môi trường. Thời gian tới các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó, cần hiện thực hóa các chính sách hiện hành đối với ngành dịch vụ môi trường và tăng cường thực thi Luật BVMT. Các cơ quan quản lý cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm BVMT được công bằng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực môi trường nhằm từng bước tạo dựng thị trường dịch vụ môi trường đầy đủ theo cơ chế thị trường. Trọng tâm là đổi mới cơ chế giá dịch vụ trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, có tính đến khả năng chi trả của người dân tạo sự công bằng trong xã hội, đặc biệt là cơ chế giá dịch vụ môi trường, cơ chế lựa chọn dự án, nhà thầu, minh bạch thông tin và hỗ trợ người thu nhập thấp. Nghiên cứu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giấy phép con và hướng tới hỗ trợ nhà đầu tư thay vì chính sách ưu đãi thuế như hiện nay; công khai minh bạch trong cơ chế giá, thông tin, quy hoạch dịch vụ môi trường./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com