Đảm bảo quỹ đất cho xây dựng hạ tầng bậc học mầm non

08:10, 04/10/2019

Những năm gần đây, nhu cầu trường, lớp của bậc học mầm non gia tăng trong khi nhiều địa phương lại chưa quan tâm đúng mức đến việc dành quỹ đất cho nhu cầu này. Do vậy, các ngành, các địa phương đang tập trung rà soát, tìm biện pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho giáo dục mầm non.

Trường Mầm non Nam Hồng (Nam Trực).
Trường Mầm non Nam Hồng (Nam Trực).

Qua rà soát thực tế cho thấy, tính đến đầu năm 2018 vướng mắc đáng lưu ý nhất trong xây dựng hạ tầng giáo dục, trong đó có khối mầm non, là ngành chức năng chưa quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng trường học. Thậm chí qua quá trình kiểm tra đánh giá tiêu chí trường học theo chương trình xây dựng nông thôn mới phát hiện nhiều xã có quy hoạch, bố trí quỹ đất dành cho giáo dục nhưng lại không trả lời được các câu hỏi: vị trí đó ở bản đồ giải thửa tờ số bao nhiêu, diện tích bố trí trong quy hoạch này đang sử dụng vào mục đích gì, sau này có khả năng chuyển đổi được không. Một số địa phương quy hoạch đất cho phát triển hạ tầng giáo dục hiện nằm trong quỹ đất hai lúa trong khi việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất hai lúa hết sức phức tạp và khó khả thi. Hết quý I năm 2018, quỹ đất dành riêng cho khối mầm non được Sở Giáo dục và Đào tạo xác định còn thiếu hàng chục héc-ta. Theo Đề án quy hoạch giáo dục đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh, so với số trẻ dự kiến sinh ra, với yêu cầu tất cả trẻ em trong các độ tuổi đều đến trường thì đến năm 2030 cần tới hàng trăm héc-ta đất dành cho giáo dục mầm non. Không chỉ thiếu quỹ đất mà để hoàn thiện quy hoạch cơ sở vật chất trường, lớp cho bậc giáo dục mầm non còn đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn lực tài chính. Qua nắm bắt kịp thời những vướng mắc kể trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường tính chủ động đề xuất với chính quyền địa phương quan tâm dành đất cho giáo dục ngay từ khâu lập quy hoạch. Khi di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả ưu tiên để xây dựng trường học; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo các quy định của Nhà nước. Đến nay, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các huyện, thành phố đã hoàn thiện và được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó đã tổng hợp nhu cầu sử dụng đất và dành quỹ đất cho quy hoạch vào mục đích giáo dục mầm non đến năm 2020 với tổng diện tích là 80,95ha. Trong đó, huyện Ý Yên 15,02ha, Trực Ninh 17,24ha, thành phố Nam Định là 6,03ha, Nam Trực 12,90ha, Mỹ Lộc 1,04ha, Xuân Trường 4,21ha, Giao Thủy 4,09ha, Vụ Bản 5,08ha, Nghĩa Hưng 4,02ha, Hải Hậu 11,42ha. Đối với kế hoạch sử dụng đất năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các huyện, thành phố đăng ký nhu cầu sử dụng đất, bao gồm cả quỹ đất phục vụ  nhu cầu xây dựng trường mầm non để Sở tổng hợp, hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất năm 2019 trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, quỹ đất phục vụ nhu cầu giáo dục mầm non đăng ký thực hiện trong năm 2019 là 16,94ha với 38 công trình; cụ thể huyện Ý Yên 4,03ha, Trực Ninh 6,11ha, Nam Trực 2,31ha, Mỹ Lộc 0,20ha, Xuân Trường 0,11ha, Giao Thủy 1,10ha, Vụ Bản 0,10ha, Nghĩa Hưng 2,98ha. Để giải quyết khó khăn về kinh tế ngày 16-7-2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND chỉ đạo các địa phương tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng giảm các điểm trường lẻ, sáp nhập trường mầm non trên cùng địa bàn xã, đảm bảo mỗi xã chỉ có 1 trường mầm non. Năm học 2018-2019, các địa phương đã giảm 5 trường, theo kế hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ giảm 33 trường mầm non công lập. Trên cơ sở rà soát các quy định về trường học, phù hợp với quy hoạch được duyệt, các địa phương đã lồng ghép triển khai trong chương trình xây dựng nông thôn mới; tích cực kêu gọi, vận động xã hội hóa đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non. Giai đoạn 2010-2019, toàn tỉnh đã xây mới 2.394 phòng học mầm non, giúp  trẻ em ở độ tuổi mầm non được thụ hưởng cơ sở hạ tầng giáo dục khang trang, sạch đẹp. 

Thời gian tới, để hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp khối giáo dục mầm non, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường quản lý việc thực hiện quy hoạch, đảm bảo không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng trường học sang mục đích khác. Thực hiện quy định bắt buộc các khu dân cư, khu đô thị cải tạo, xây mới phải quy hoạch, xây dựng đủ trường học theo nhu cầu. Đặc biệt quan tâm đầu tư bổ sung trường mầm non ở khu vực lân cận Khu công nghiệp Bảo Minh do đây là một trong các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh có số lượng lao động trẻ nhập cư làm công nhân, nhu cầu trông giữ trẻ cao. Ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tiếp tục tăng cường trách nhiệm, huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp nói chung và bậc học mầm non nói riêng theo phương thức xã hội hóa./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com