Trực Ninh phát triển nuôi thủy sản vùng ven sông

07:10, 03/10/2019

Nhằm khai thác tiềm năng vùng đất bãi ven sông, những năm qua huyện Trực Ninh đã tập trung tranh thủ các nguồn lực đầu tư tu bổ, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đê điều, giao thông, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lưu thông thuận lợi giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển nuôi thủy sản mang lại giá trị thu nhập từ 120-150 triệu đồng/ha/năm.

Xã Trực Chính là một trong các xã duyên giang của huyện Trực Ninh. Những năm gần đây được chính quyền xã tạo điều kiện, khuyến khích chuyển đổi và khai thác diện tích đất bãi bồi ven sông để nuôi thủy sản, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đấu thầu, đầu tư nuôi các loại cá truyền thống mang lại giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần so với cấy lúa. Đồng chí Mai Văn Dương, phó Ban Nông nghiệp xã Trực Chính cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010, trong quy hoạch phát triển sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh, xã đã đưa toàn bộ vùng đất bãi ngoài đê bối vào diện chuyển đổi sang nuôi thủy sản với tổng diện tích hơn 17ha. Hiện nay đang có trên 20 hộ gia đình đấu thầu để phát triển nuôi thủy sản theo mô hình trang trại, gia trại. Chúng tôi có mặt tại khu đầm cá của gia đình anh Lê Hồng Quân ở thôn Dịch Diệp là một trong những hộ có diện tích nuôi lớn nhất vùng. Anh Quân cho biết: Từ năm 2015, anh nhận thầu 1,6ha đầm bãi của xã để nuôi các loại cá trắm, trôi, mè thương phẩm. Anh đã đầu tư hàng tỷ đồng cải tạo đầm nuôi, xây cống ngầm chủ động điều tiết nguồn nước trong đầm luôn cân bằng với mực nước sông, hạn chế những tác động tiêu cực do chênh lệch nguồn nước. Anh chọn mua giống cá tại các trung tâm giống thủy sản của các tỉnh Hòa Bình, Thái Bình, Ninh Bình để thả “xen canh, gối vụ”, đảm bảo mật độ hợp lý, thức ăn kết hợp cho cá ăn cỏ và cám công nghiệp. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch từ 20-25 tấn cá các loại cung cấp cho thị trường, doanh thu đạt từ 1,2-1,3 tỷ đồng; trừ chi phí gia đình anh thu lãi ròng 100-120 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tận dụng kết hợp nuôi trên 1.000 con vịt thịt. Từ đầu năm đến nay cũng mang lại cho gia đình anh nguồn thu trên 60 triệu đồng... Không chỉ ở xã Trực Chính mà ở hầu hết các xã ven sông như: Trực Hùng, Trực Cường, Trực Mỹ, Phương Định, Liêm Hải... nhiều hộ dân đã tận dụng và phát huy lợi thế vùng đầm bãi ven sông có nguồn nước luôn đảm bảo để phát triển nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, vùng bãi có đất phù sa được bồi đắp bổ sung hàng năm có chất đất tốt, hàm lượng dinh dưỡng trong đất cao, là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển chăn nuôi thủy cầm, trồng các loại cỏ làm thức ăn cho cá và phục vụ chăn nuôi gia súc. Để thúc đẩy nghề nuôi thủy sản tại các vùng ven sông phát triển, huyện Trực Ninh đã đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao, đường giao thông đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của người dân. Hàng năm, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục Thủy sản, Chi cục Trồng trọt và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức tập huấn phổ biến, bổ sung, cập nhật kỹ thuật cho nông dân về cải tạo ao đầm, chọn lựa con giống, cách phòng bệnh cho cá, nhất là ở những thời điểm chuyển mùa; hướng dẫn thời điểm xuống giống, kỹ năng quan trắc nguồn nước mặt để kiểm soát tốt môi trường nuôi, có biện pháp xử lý kịp thời hiệu quả khi phát sinh tình huống; đảm bảo mật độ nuôi thả, lượng thức ăn và thời gian cho ăn phù hợp, hạn chế thất thoát làm giảm nguồn thu, kinh nghiệm thu hoạch “đánh tỉa, thả bù” để hạn chế thiệt hại khi xảy ra thiên tai. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân tạo điều kiện hỗ trợ các gia đình hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, mua thức ăn, con giống và các thiết bị hỗ trợ chăm sóc đàn cá. Tổng sản lượng thủy sản của toàn huyện từ đầu năm đến nay ước đạt 5.890 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 4.022 tấn. Tại các vùng nuôi thủy sản ven sông của huyện đã hình thành được một số trang trại, gia trại quy mô, đạt giá trị thu nhập cao và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương như hộ ông: Mai Văn Chiến, Mai Văn Nghiêm, xã Trực Chính; Hà Văn Xuất, Hà Văn Trọng, Đỗ Văn Hà, xã Trực Khang; Nguyễn Văn Trãi, Vũ Văn Đàm, Nguyễn Văn Trịnh, xã Phương Định; Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Văn Bằng, xã Trực Hùng... Thời gian gần đây, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư đưa vào nuôi một số giống cá đặc sản có hiệu quả kinh tế cao như: trắm đen, lăng và diêu hồng; tập trung chuyển đổi phát triển mô hình tổng hợp “trên cây, dưới cá” kết hợp chăn nuôi thủy cầm nhằm tăng thu nhập. Bên cạnh đó, huyện Trực Ninh và các xã đang tích cực tiếp cận để kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào các vùng chuyển đổi, trong đó có vùng nuôi thủy sản ven sông, theo chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng theo hướng phát triển an toàn, bền vững.

Tuy nhiên, qua trao đổi các hộ nuôi thủy sản tại vùng ven sông ở Trực Ninh đều có chung trăn trở về khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn bởi đây là lĩnh vực đầu tư cần nhiều vốn trong khi tiềm ẩn nhiều rủi ro phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên nên các ngân hàng đều “ngại”. Anh Lê Hồng Quân, thôn Dịch Diệp cho biết: Để đảm bảo lượng cám cho 7.000 con cá trắm ăn 2 bữa mỗi ngày, riêng tiền mua 10 bao cám công nghiệp là 3,5 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. Bởi vậy, anh phải thế chấp 3 “sổ đỏ” mới vay được gần 1 tỷ đồng làm vốn. Nhưng không phải hộ nào cũng có nhiều tài sản để tín chấp vay vốn?! Thiếu vốn đầu tư cộng với những khó khăn về dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nên nhiều hộ không dám mở rộng quy mô sản xuất mà chỉ nuôi cầm chừng, hoặc nuôi cá theo kiểu “được ăn lỗ chịu”(!). 

Để nghề nuôi thủy sản nói chung, nhất là tại các xã ven sông nói riêng, phát triển vững chắc, thời gian tới Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trực Ninh sẽ phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thường xuyên tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cũng như giới thiệu, cung cấp nguồn cá giống chất lượng cho các hộ nuôi thả. Huyện chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động tích tụ ruộng đất chuyển đổi để nuôi thủy sản đảm bảo phát triển đúng định hướng, quy hoạch, hạn chế tình trạng đầu tư tự phát, tràn lan, nhỏ lẻ phá vỡ quy hoạch tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đảm bảo môi trường; chú trọng phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các cấp, các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, giải quyết vướng mắc về cơ chế chính sách và hỗ trợ các điều kiện để người dân yên tâm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình và xã hội./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com