Những điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi

04:10, 04/10/2019

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế luôn được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong các hoạt động của Hội, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo của tỉnh. Từ phong trào thi đua của Hội, hàng năm có hàng trăm hộ phụ nữ vươn lên thoát nghèo và ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ vượt khó vươn lên, phát huy nội lực làm giàu chính đáng.

Chị Nguyễn Thị Hiền (bên trái), xóm 5, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh kiểm tra sự sinh trưởng của nấm linh chi.
Chị Nguyễn Thị Hiền (bên trái), xóm 5, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh kiểm tra sự sinh trưởng của nấm linh chi.

Chị Nguyễn Thị Lộc ở xóm 2, xã Nam Vân (thành phố Nam Định) bén duyên với nghề làm bánh cuốn đến nay đã 15 năm. Khi mới lập gia đình, con còn nhỏ lại không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống rất khó khăn. Từ 1,5 triệu đồng được vay vốn từ dự án quỹ tín dụng Việt - Bỉ, chị bắt tay vào làm bánh theo phương pháp thủ công, chủ yếu bán cho người dân trong xóm. Với đôi tay khéo léo, bánh làm ra đến đâu hết đến đấy và nhiều người trên thành phố đã biết tiếng tìm đến đặt mua. Trước nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng, chị đi một số tỉnh bạn học hỏi kinh nghiệm, phương pháp làm bánh bằng máy, về đầu tư mua máy xay bột, máy xay mộc nhĩ, máy tráng bánh. Theo chị Hiền, để làm ra mẻ bánh ngon, ngoài khâu chọn gạo và nguyên liệu chuẩn còn phải trải qua rất nhiều công đoạn. Gạo được ngâm khoảng 24 tiếng cho mềm, đãi thật sạch, để ráo nước rồi cho vào máy xay, điều chỉnh lượng nước phù hợp để dòng bột sánh mịn, không quá đặc hoặc quá loãng. Mộc nhĩ ngâm nở đều, rửa thật sạch, xay nhỏ, xào với dầu ăn trong khoảng 45 phút cho tới khi dầu trong vắt như nước mưa, mộc nhĩ đạt độ săn, giòn, thơm. Từ khi làm bằng máy, năng suất cao hơn, bánh mỏng đều, mềm mướt, khâu vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo hơn do bánh được hấp chín trong nhiệt độ cao. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất bánh cuốn của chị sử dụng 3 tạ gạo, vào mùa hè lên tới 5 tạ gạo, làm ra từ 1-1,5 tấn bánh cuốn. Ngoài thị trường trong tỉnh, bánh còn được bán rộng rãi ở Hà Nội, chủ yếu trong các doanh nghiệp, trường học, đơn vị bộ đội với những đơn hàng lớn vài trăm tạ. Doanh thu của cơ sở đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm; đồng thời chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động nữ trong xã với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Ở xóm 5, xã Trực Thái (Trực Ninh), chị Nguyễn Thị Hiền lại khởi nghiệp và thành công với nghề trồng nấm. Năm 2007, sau khi chồng chị học nghề trồng nấm ở Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng, trên diện tích 200m2, vợ chồng chị dựng tạm những lán trại thô sơ, trồng các loại nấm mỡ, sò, linh chi, mộc nhĩ. Năm 2012, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, ruộng nhà chị được tập trung thành một thửa về sát nhà, anh chị đầu tư vượt lên, xây dựng nhà xưởng trên tổng diện tích hơn 1.000m2. Ngoài nguồn mùn cưa cao su, bồ đề mua từ các tỉnh miền Trung, do gia đình có thêm dịch vụ máy gặt thuê, trong quá trình đi làm, chị tận dụng thu gom rơm rạ tại các ruộng trong và ngoài xã về ủ làm nguyên liệu; đồng thời đầu tư một số máy móc phục vụ cho việc sản xuất nấm như: máy băm rơm, trộn mùn, đập bịch, đảo ủ nguyên liệu và hệ thống tưới mát trên mái, tạo nhiệt độ thích hợp… Tùy theo từng loại nấm, trong nguyên liệu trồng còn được bổ sung thêm cám ngô, cám gạo, phân lân để tăng chất dinh dưỡng cho nấm phát triển. Với kinh nghiệm 12 năm làm nghề, sản lượng nấm sản xuất ra luôn ổn định với chất lượng cao, trung bình mỗi năm khoảng 10 tấn nấm mỡ, 40 tấn nấm sò, 3 tấn mộc nhĩ, 8 tạ nấm linh chi, chủ yếu bán đi thị trường các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội. Cơ sở trồng nấm của gia đình chị tạo việc làm cho 10-15 lao động với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn chuyển giao nguyên liệu, vật tư, giống, kỹ thuật cho các hộ dân trong và ngoài xã với 3 tấn nấm giống mỗi năm.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều phụ nữ được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh biểu dương, tôn vinh trong “Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2019” vừa qua. Những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi đã có tác dụng cổ vũ chị em vươn lên khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh. Cùng với sự nỗ lực của hội viên, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: nhận ủy thác các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng cho hội viên phụ nữ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các phong trào thi đua “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác”

giúp cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khởi sự doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp; chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; phối hợp với ngành chức năng thành lập các mô hình hợp tác xã, tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế… Đến 31-5-2019, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do Hội trực tiếp quản lý, điều hành là 2.235 tỷ 353 triệu đồng, hỗ trợ 166.758 hộ vay (tăng so với cuối năm 2018 là 164,348 tỷ đồng). Trong 6 tháng đầu năm đã tư vấn, hỗ trợ và đăng ký thành lập mới Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thiềm Trang, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) và Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa, cây cảnh xã Điền Xá (Nam Trực); tập trung hỗ trợ các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, tập huấn kỹ năng quản lý điều hành cho Ban quản trị, Ban giám đốc của 8 hợp tác xã, 14 tổ liên kết và 1 tổ hợp tác do Hội hỗ trợ thành lập thời gian qua. Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh còn phối hợp, liên kết với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tổ chức dạy nghề cho 2.153 lao động, có 1.157 phụ nữ có việc làm sau đào tạo./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com