Trực Ninh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa

06:10, 12/10/2018

Trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn các ngành công nghiệp, dịch vụ ở huyện Trực Ninh phát triển mạnh, thu hút nhiều lao động nông nghiệp chuyển sang. Do vậy huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp về giống, kỹ thuật, phương thức tổ chức sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của nông sản, thực phẩm, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với đề án tái cơ cấu, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020; kế hoạch chuyển đổi nội bộ đất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; đồng thời quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh, mở rộng quy mô phát triển những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Từ năm 2015 đến nay, các xã, thị trấn đã chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng, làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất và dân sinh. Các Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh, Hải Hậu đầu tư sửa chữa, xây mới các công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện đảm bảo phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai. Cơ cấu giống lúa chuyển biến tích cực, đã lựa chọn được bộ giống cây trồng chủ lực của huyện có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, chống chịu sâu bệnh tốt như: BT7, BT7 kháng bạc lá, BC15, Nếp đặc sản; hình thành các vùng cánh đồng lớn tập trung sản xuất hàng hóa. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình sản xuất rau sạch, ran an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi phát triển theo quy mô trang trại, gia trại đảm bảo an toàn dịch bệnh, áp dụng công nghệ tiên tiến với mô hình tổ chức sản xuất hợp lý như: Cty TNHH Chăn nuôi Phúc Hải, HTX chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái. Đến nay, toàn huyện có 25 trang trại, 431 gia trại; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 23 nghìn tấn/năm. Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP từng bước được áp dụng trong chăn nuôi; huyện có 1 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP. Tại huyện cũng đã hình thành một số vùng nuôi thủy sản tập trung ở các xã, thị trấn: Trực Chính, Cổ Lễ, Trực Đạo, Trực Khang… với các đối tượng nuôi là cá truyền thống, giá trị nuôi bình quân đạt 130 triệu đồng/ha.

Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng.
Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng.

Nổi bật trong kinh tế nông nghiệp của huyện những năm qua là đã tích cực đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở của Trực Ninh quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Điển hình như: Cty TNHH Cường Tân 290ha, Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh 9ha, Cty TNHH Chăn nuôi Phúc Hải 6,7ha. Ngoài ra, còn có hàng chục hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ ruộng đất chủ yếu để sản xuất lúa tập trung. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã thuê đất của các hộ nông dân, đất công của xã, quy hoạch thành vùng sản xuất lớn, tập trung; cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, nhà xưởng, áp dụng công nghệ, cơ giới hóa các khâu sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, Trực Ninh còn tập trung chỉ đạo tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản. Đến nay, trên địa bàn huyện có một số mô hình liên kết theo chuỗi, điển hình là Cty TNHH Minh Dương tổ chức sản xuất 20 mẫu khoai tây tại vùng bãi xã Trực Chính; Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh sản xuất, cung ứng rau sạch ra thị trường; mô hình chăn nuôi lợn áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP của bà Ngô Thị Thắm ở xã Trực Thuận; trang trại Hiền Thục nuôi lợn hữu cơ sử dụng thảo dược ở xã Trực Thái… Đạt được kết quả trên, Huyện ủy, UBND huyện Trực Ninh đã quyết liệt chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX cũ và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế tập thể. Hiện huyện có 31 HTX chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 28 HTX nông nghiệp, 1 HTX sản xuất nấm, 1 HTX chăn nuôi và 1 HTX sản xuất dược liệu. Chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn; kết nối doanh nghiệp với các HTX và nhóm hộ nông dân tập trung ruộng đất, hình thành một số chuỗi liên kết, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Sản xuất nông nghiệp ở Trực Ninh có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tăng cường đầu tư, nâng cấp theo tiêu chuẩn NTM, đời sống của nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện còn chậm, một số nơi việc chuyển đổi còn mang tính tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hệ thống giao thông, thủy lợi một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Chưa hình thành được nhiều HTX chuyên ngành phục vụ sản xuất. Trong thời gian tới, huyện Trực Ninh tổ chức quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Vận động các hộ nông dân không có nhu cầu sử dụng đất trả lại cho  Nhà nước hoặc cho thuê quyền sử dụng đất; tổ chức dồn, đổi ruộng quy gọn thành vùng lớn để quản lý và thu hút doanh nghiệp, cá nhân thuê lại ruộng tổ chức sản xuất. Huy động các nguồn lực hợp pháp; xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi; kết hợp với cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn, giúp đỡ để nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi như Cty TNHH Cường Tân, Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, Cty Toản Xuân… Tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; khuyến khích thành lập các HTX chuyên ngành phục vụ sản xuất và dân sinh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com