Nâng cao giá trị sản xuất vụ đông

07:10, 08/10/2018

Vụ đông năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 13 nghìn ha, trong đó có 3.000ha trên đất hai lúa. Cơ cấu cây trồng tập trung vào các loại cây chủ lực có giá trị và hiệu quả sản xuất cao như: khoai tây, bí xanh, cà chua, khoai lang… Từ thực tế sản xuất vụ đông những năm qua, để hoàn thành mục tiêu về diện tích đã khó nhưng việc nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất còn khó hơn.

Nông dân xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây su hào vụ đông.
Nông dân xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây su hào vụ đông.

Được mùa, chưa được giá

Nhìn lại kết quả vụ đông năm 2017, về diện tích gieo trồng, toàn tỉnh chỉ đạt 83,2% kế hoạch (10.812ha), trong đó diện tích vụ đông trên đất hai lúa là 2.708ha. Giá trị sản lượng cây vụ đông ước đạt 648,9 tỷ đồng, chỉ chiếm 17,1% tổng giá trị trồng trọt. Theo phản ánh của nhiều hộ nông dân tại các vùng đồng màu thì giá bán sản phẩm cây vụ đông chỉ cao thời điểm đầu vụ hoặc sau khi xảy ra thiên tai bão, mưa lớn khiến thị trường khan hàng. Vào chính vụ, giá bán nhiều loại nông sản thấp hơn cùng kỳ năm trước. Do vậy, mặc dù năng suất của hầu hết các loại cây trồng cao hơn hoặc tương đương năm 2016 nhưng giá trị sản xuất không cao hơn. Cụ thể như: khoai tây chỉ cho lợi nhuận 12,2 triệu đồng/ha; lạc 10,2 triệu đồng/ha; su hào 13,2 triệu đồng/ha; ngô 5,1 triệu đồng/ha, đậu tương 6,6 triệu đồng/ha… Sản xuất vụ đông ngày càng gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến thất thường, ngày càng khắc nghiệt với cây trồng. Trong khi đó thu nhập từ sản xuất vụ đông còn thấp hơn các công việc khác nên một bộ phận nông dân không tha thiết khiến việc phát triển sản xuất cây vụ đông gặp nhiều khó khăn. Tại các huyện có truyền thống trồng màu như Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, diện tích sản xuất vụ đông cũng giảm rõ rệt. Ở một số xã của huyện Vụ Bản nơi gần các khu, cụm công nghiệp diện tích sản xuất vụ đông giảm do thiếu hụt lao động khi nhiều lao động trẻ nông thôn chuyển sang làm công nhân tại các doanh nghiệp có thu nhập cao và ổn định hơn. Một nguyên nhân nữa qua những vụ đông gần đây cho thấy, lãnh đạo nhiều địa phương chưa quyết tâm cao, chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt nên có những diện tích lúa mùa thu hoạch sớm nhưng để ruộng trống mà không phát triển được sản xuất vụ đông. Các vùng sản xuất vụ đông mặc dù đã được quy hoạch nhưng không gieo trồng tập trung nên việc tạo nguồn tưới nước cho cây trồng gặp nhiều khó khăn trong khi đây là yếu tố hết sức quan trọng đối với sản xuất vụ đông. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất vụ đông hàng hóa ở một số nơi chưa thực hiện tốt; một số mô hình còn triển khai tùy tiện, không đúng kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặc dù các ngành Nông nghiệp và Công thương đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại nhưng số lượng các doanh nghiệp, HTXDVNN hoặc các tổ hợp tác tham gia liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông còn quá ít. Nông dân chủ yếu vẫn tự lo tiêu thụ sản phẩm nên giá trị, hiệu quả sản xuất cây vụ đông chưa cao…

Để nâng cao hiệu quả kinh tế của vụ đông

Thực tiễn sản xuất vụ đông nhiều năm qua cho thấy, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị sản xuất cây vụ đông. Và để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông đạt hiệu quả, một mặt cần thúc đẩy xây dựng các chuỗi liên kết giá trị, mặt khác cần đánh giá đúng nhu cầu thị trường cũng như khả năng sản xuất của người dân từ đó có định hướng tổ chức sản xuất thích hợp. Để phát triển sản xuất cây vụ đông năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có điều kiện và kinh nghiệm làm vụ đông trên đất 2 lúa chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa gắn với vụ đông; lựa chọn, quy hoạch những chân ruộng vàn và vàn cao, thuận lợi tưới tiêu để cấy lúa mùa sớm, mùa trung sớm và trồng cây vụ đông. Khi xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông, các địa phương phải xác định rõ loại cây trồng, thị trường, phương thức tiêu thụ, vùng trồng đảm bảo chủ động tưới, tiêu, hạn chế thấp nhất rủi ro. Tập trung hướng dẫn kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Mỗi huyện, thành phố xây dựng 2-3 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản, theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT, các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý theo từng chân đất. Trên đất chuyên màu thực hiện sản xuất đa dạng các cây rau đậu ngắn ngày, quay vòng 2-3 lứa/vụ đông; tập trung sản xuất các cây rau, củ, quả truyền thống như: cà chua, dưa chuột, dưa hấu và các loại cây ăn lá để tiêu thụ nội địa. Trên đất lúa - màu tập trung sản xuất khoai tây giống Đức, Hà Lan. Trên ruộng 2 lúa, tập trung sản xuất các loại cây trồng phục vụ chế biến - xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và có hiệu quả kinh tế cao như: bí xanh, cà chua, dưa chuột, cải dầu, ngô nếp, ngô ngọt. Các xã có điều kiện và kinh nghiệm sản xuất giống khoai tây cần chủ động sản xuất giống chất lượng cao từ nguồn giống sạch bệnh trong vụ đông xuân 2017-2018 để đủ giống cho những vụ sau. Về thời vụ sản xuất, đối với ngô lai phải được gieo thẳng (nếu trồng trên đất bãi) và vào bầu (nếu trên đất 2 lúa) trước ngày 25-9; ngô nếp và ngô ngọt trồng trên đất lúa - màu, đất màu gieo trồng trước ngày 10-10; khoai lang trồng trên đất tận dụng, đất 2 lúa gieo trồng trước 5-10; khoai tây trên đất màu, đất 2 lúa gieo trồng từ ngày 20-10 đến ngày 20-11; bí xanh vào bầu trước ngày 25-9 và trồng trước ngày 10-10; cà chua trồng trên đất 2 lúa, đất màu gieo hạt trước ngày 20-9 và trồng trước ngày 10-10; các loại cây rau đậu khác gieo trồng từ tháng 9… Lựa chọn, sử dụng các giống rau, củ quả có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Với cây ngô, giống ngô lai tập trung vào các giống: LVN9, C919, PC999, PAC339, LVN4; ngô nếp: nếp lù, MX6, HN88, HN68, AG500; giống ngô ngọt: Sugar 75, Super Sweet, Arizona, Godael 93 (Thái Lan)... Cây khoai tây sử dụng các giống Đức, Hà Lan, Atlantic. Đậu tương sử dụng các giống ngắn ngày như DT84, ĐT12, ĐT122, DVN9. Bí sử dụng các giống bí xanh đá (lai số 1, lai số 2, Thành Nông 1, Thành Nông 2), bí sặt (AG99, HN999, PD999, QNP336). Cà chua tập trung vào các giống cà chua chế biến Savior, TN005, TN006, TN 267, Tre Việt số 1, Summed 06 và cà chua quả nhót Thúy Hồng. Còn dưa chuột sử dụng những giống dưa bao tử Marinda, Mirabelle (Hà Lan) và các giống dưa to Popular 999, VL112, HMT356, VL103, TV108…

Hiện nay đang là thời vụ thích hợp để gieo trồng các cây vụ đông ưa nhiệt. Các địa phương đang tập trung kiểm tra, rà soát và lựa chọn các xứ đồng có khả năng thu hoạch trước, có điều kiện tưới, tiêu chủ động để lập kế hoạch sản xuất cây vụ đông. Chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để sớm nhập đủ giống cây trồng vụ đông. Tổ chức công tác tập huấn kỹ thuật sản xuất vụ đông và gieo trồng đúng thời vụ. Đến hết ngày 3-10-2018, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng được 3.000ha cây vụ đông, chủ yếu là ngô, rau màu và vào bầu cây bí xanh; tập trung ở các huyện: Vụ Bản 500ha, Ý Yên 450ha, Nghĩa Hưng 440ha, Hải Hậu 400ha, Giao Thủy 300ha… Sở NN và PTNT giao cho Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các địa phương hướng dẫn và tổ chức triển khai tốt các nhiệm vụ bảo vệ sản xuất vụ mùa và sản xuất vụ đông. Mỗi đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp xây dựng ít nhất một mô hình sản xuất cây vụ đông sớm với mô hình trồng bí xanh hoặc cà chua, dưa chuột (trên luống) kết hợp trồng rau cần, cải xoong… ở dưới rãnh trên những diện tích bỏ hoang vụ mùa 2018 với quy mô tối thiểu 1.000 m2/mô hình từ đó đánh giá, nhân ra diện rộng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com