Từng bước phát triển máy bán hàng tự động

08:10, 10/10/2018

Là một hợp phần thuộc Đề án tăng cường tiện ích hiện đại hóa công cộng, gần đây máy bán hàng tự động được lắp đặt, đưa vào sử dụng tại một số địa điểm công cộng trên địa bàn Thành phố Nam Định và bước đầu phát huy hiệu quả đem lại sự tiện lợi cho khách hàng. 

Người dân mua nước giải khát tại máy bán hàng tự động khu vực hồ Vị Xuyên (TP Nam Định).  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Người dân mua nước giải khát tại máy bán hàng tự động khu vực hồ Vị Xuyên (TP Nam Định). 

Máy bán hàng tự động do Cty CP Đầu tư Thương mại VVM (Hà Nội) lắp đặt. Hiện nay, được sự đồng ý của UBND Thành phố Nam Định, Cty đã lắp đặt 20 máy bán hàng tự động, chủ yếu tại khu vực các bệnh viện, trường học, công viên... Máy bán hàng tự động đã tạo thêm một phương thức tiêu dùng văn minh, hiện đại cho người dân đô thị. Hiện đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng loại máy có ưu thế, diện tích chiếm chỗ nhỏ, chỉ khoảng 0,75m2, sử dụng nguồn điện 220V và giao dịch bằng loại tiền giấy. Mỗi máy có thể chứa từ 250-300 sản phẩm. Các sản phẩm được bán chủ yếu là nước uống đóng chai (nước ngọt các loại, nước lọc, nước khoáng) với giá từ 5-10 nghìn đồng/sản phẩm. Để mua hàng, người mua đưa tiền mệnh giá được niêm yết cho mỗi sản phẩm vào máy và lựa chọn số hiệu sản phẩm muốn mua. Với máy bán hàng tự động, việc mua bán có thể diễn ra bất cứ thời gian nào trong ngày, tiện lợi cho người mua nên có tác dụng kích thích tiêu dùng. Ngoài ra, do không cần nhân viên bán hàng nên tiết kiệm chi phí đáng kể cho nhà đầu tư. Hằng ngày, đơn vị quản lý máy sẽ cử nhân viên đến kiểm tra hệ thống, điều tiết sản phẩm để đảm bảo máy bán hàng không gặp sự cố khi giao dịch. Sau một thời gian đưa vào hoạt động, mô hình này được người dân đánh giá khá thiết thực và hiệu quả, nhất là tại các điểm ở bệnh viện, trường học, trung tâm thể thao, văn hóa. Người cần có thể mua hàng bất cứ lúc nào trong mọi điều kiện thời tiết, tùy chọn sản phẩm theo yêu cầu với giá đúng, không sợ bị “chặt chém” (nhất là ở bệnh viện, công viên, vào các dịp cao điểm đông khách). Chị Phạm Thị Mai (Xuân Trường) đang đi chăm người ốm Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được mua hàng trên máy bán hàng tự động, quả thật rất tiện ích và dễ dàng, chỉ cần đưa tiền vào máy, nhấn nút chọn sản phẩm thì sẽ nhận được sản phẩm mình muốn mua. Mô hình này rất tiện ích, hợp lý bởi trước đây để mua được chai nước uống đúng giá thì chúng tôi phải đi xa khỏi khu vực bệnh viện, còn mua ngay tại căng tin hoặc ra quầy tạp hóa, quán cóc vỉa hè gần bệnh viện vừa phải chịu giá thì cao, lại rất dễ bị “bắt nạt”, nhất là vào những lúc vội vã hay lúc đêm hôm”. Tại khu vực hồ Vỵ Xuyên, có 3 chiếc máy bán hàng tự động thường hoạt động hết công suất, nhất là vào các ngày cuối tuần, chứng tỏ mô hình này rất phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện nay. Ông Trần Minh Sơn, người dân sinh sống tại phường Nguyễn Du cảm thấy thích thú với “cửa hàng đặc biệt” này, ông cho biết: “Trước đây tôi chỉ thấy trong các bộ phim của nước ngoài chiếu trên ti vi, thấy có máy bán hàng tự động, nhưng nay máy bán hàng đã có tại Thành phố Nam Định. Đúng là xã hội ngày càng văn minh, hiện đại”. Việc đưa máy bán hàng tự động vào hoạt động góp phần tạo nên hình ảnh văn minh, hiện đại của đời sống đô thị.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mô hình máy bán hàng tự động có ưu điểm cho cả người tiêu dùng và đơn vị tổ chức dịch vụ bởi tính tiện ích. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích bước đầu, máy bán hàng tự động còn có một số hạn chế như máy khá “kén” tiền, không nhận tiền bị nhăn, cong vênh, không trả lại tiền thừa (nếu khách không có tờ tiền đúng mệnh giá của sản phẩm); số lượng mặt hàng chỉ duy nhất có nước uống đóng chai nên chưa thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Không ít khách hàng đã than phiền bởi việc gặp sự cố máy “nuốt tiền” mà không cho ra sản phẩm, tại các điểm nhu cầu sử dụng cao, máy bị sự cố không được xử lý kịp thời… Để tránh những rắc rối trong việc giao dịch thương mại qua máy bán hàng tự động, khách hàng cần đọc kỹ hướng dẫn cách sử dụng trước khi thao tác; có nhu cầu mua hàng cần phải chuẩn bị tiền lẻ để phù hợp với việc thanh toán; liên hệ ngay với số điện thoại tư vấn khách hàng để được hỗ trợ khi giao dịch không thành công. Đồng thời có ý thức, có hành vi văn hóa khi mua hàng, giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ thiết bị khi sử dụng dịch vụ.

Để phát triển dịch vụ máy bán hàng tự động, cơ quan tổ chức dịch vụ cần nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa được cung cấp, đa dạng hóa mặt hàng, hướng tới bổ sung cơ cấu sản phẩm hàng đa dạng hơn; bố trí bộ phận giải quyết kịp thời những vướng mắc của khách hàng trong quá trình giao dịch với máy bán hàng. Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý loại hình dịch vụ mới này cả về điều kiện kinh doanh và chất lượng hàng hóa, tránh việc cung ứng hàng giả, hàng nhái, hàng hết hạn sử dụng; quản lý điều kiện bảo quản hàng hóa theo quy định của pháp luật để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com