Dự án "Ngân hàng bò" tạo sinh kế cho người nghèo

06:10, 05/10/2018

Sau gần 1 năm thực hiện triển khai dự án “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam hỗ trợ các hộ nghèo tại huyện Hải Hậu đã đem lại hiệu quả kinh tế, mang tới niềm hy vọng cho các hộ dân nghèo ở địa phương về cơ hội lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Anh Nguyễn Văn Nghị, xã Hải Thanh (Hải Hậu) đang chăm sóc bò và bê con từ dự án “Ngân hàng bò”.
Anh Nguyễn Văn Nghị, xã Hải Thanh (Hải Hậu) đang chăm sóc bò và bê con từ dự án “Ngân hàng bò”.

Dự án “Ngân hàng bò” được triển khai thực hiện từ tháng 11-2017. Xã Hải Thanh và Hải Toàn (Hải Hậu) là hai đơn vị được Hội CTĐ tỉnh triển khai dự án “Ngân hàng bò” tặng 60 hộ nghèo trên địa bàn. Với mục tiêu hỗ trợ những hộ nghèo (theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều) không có phương tiện sinh sống hoặc không có nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên thiếu lương thực, ưu tiên hơn cho hộ gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ là chủ hộ, hộ có người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, hộ có người già ốm đau, gia đình chính sách… Ban quản lý dự án “Ngân hàng bò” tỉnh phối hợp với Hội CTĐ Hải Hậu tuyển chọn 60 con bò cái khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng để cấp cho 60 hộ nghèo, mỗi con bò trị giá từ 14-16 triệu đồng. Ban quản lý dự án và cộng đồng dân cư tổ chức lựa chọn bình xét từ các hộ nghèo ở địa phương. Sau khi được cấp bò, các hộ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò theo chương trình của dự án. Cùng với đó, cộng đồng dân cư đã thành lập các tổ nhằm giám sát việc thực hiện của các hộ gia đình theo đúng quy định, kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. Trước khi bò giống được cấp cho các hộ dân, đã được kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng và bấm tai để theo dõi. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cũng phải đảm bảo các điều kiện về chuồng trại chăn nuôi bò, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, chăn thả bò đúng nơi quy định… Hội CTĐ các xã thường xuyên liên hệ với những gia đình được nhận bò giống để nắm rõ tình trạng của từng con bò, phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan để kịp thời báo cáo, giải đáp những thắc mắc của người chăn nuôi về chương trình dự án nhằm sớm có biện pháp khắc phục… Sau gần 1 năm được nhận bò giống, đến nay 60 con bò đều được các gia đình chăm sóc chu đáo. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Nghị ở xóm Hoan Huỳnh, xã Hải Thanh là hộ gia đình nghèo, có 2 con nhỏ thường xuyên bị ốm đau bệnh tật; thu nhập chủ yếu của hai vợ chồng anh chị dựa vào mấy sào ruộng, bản thân vợ anh bị bệnh không thể lao động nặng nhọc nên cuộc sống của 2 vợ chồng rất khó khăn. Được trao bò giống sinh sản, anh Nghị rất vui mừng vì đã có nguồn lực để phát triển kinh tế. Khi được nhận bò về nuôi, gia đình anh tích cực tìm hiểu về quy trình chăm sóc, cũng như cách nuôi bò sao cho phát triển tốt nhất và được cán bộ thú y của xã chăm sóc, hướng dẫn tận tình nên bò của gia đình anh phát triển tốt. Đến nay bò đã sinh được 1 con bê con. Đây cũng là động lực để gia đình anh tiếp tục phát triển chăn nuôi. Cũng giống như gia đình anh Nghị, gia đình ông Vũ Văn Miên ở xóm 7 là hộ nghèo của xã Hải Thanh. Hai vợ chồng ông thường xuyên ốm đau, không có con cái để nương tựa, thu nhập chủ yếu dựa vào 2 sào ruộng. Khi nhận được bò giống, ông bà đã rất phấn khởi. Chia sẻ với chúng tôi, ông Miên vui mừng cho biết: Gia đình tôi cảm ơn các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế. Nếu phải tự lực, có lẽ cả đời vợ chồng tôi sẽ không mua được con bò. Giờ đây, con bò là tài sản có giá trị nhất trong nhà nên vợ chồng tôi bảo nhau cùng chăm sóc thật tốt để có vốn yên tâm an dưỡng tuổi già… Hay trường hợp gia đình ông Trần Văn Chiến xóm 12, xã Hải Toàn là hộ gia đình cận nghèo có bò giống sinh sản sớm nhất. Vào tháng 3-2018, bò giống đã sinh 1 con bê được gia đình chăm sóc cẩn thận. Gia đình ông đã có thêm động lực để chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Dự án “Ngân hàng bò” là một mô hình rất đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực do dự án mang lại mà còn ở cách tư duy và phát triển dự án. Ở mô hình “Ngân hàng bò”, mỗi hộ gia đình nghèo được tặng 1 con bò giống. Sau khi bò giống đẻ lứa đầu, hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con từ 6 đến 12 tháng tuổi sẽ chuyển giao bê con cho Hội CTĐ để Hội tiếp tục chuyển cho hộ nghèo khác. Từ lứa thứ hai trở đi, hộ sở hữu bò giống mới được giữ lại để phát triển, nhân giống, mở rộng chăn nuôi: Theo quy trình, số lượng bò giống gia tăng vì vậy sẽ ngày càng có nhiều gia đình nghèo khác được trợ giúp. Đồng chí Lê Quang Tiến, Chủ tịch Hội CTĐ huyện cho biết: Dự án có ý nghĩa thiết thực với hộ nghèo, tạo sinh kế, hỗ trợ họ phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời lan tỏa phong trào ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, phát huy tinh thần “Tương thân tương ái” trong cộng đồng để người dân địa phương có cơ hội thoát nghèo bền vững…

Có thể nói, dự án “Ngân hàng bò” được triển khai thực hiện có hiệu quả, không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng với tinh thần “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, tạo sinh kế ổn định cho người nghèo. Hy vọng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều bò giống sinh sản được trao cho các hộ nghèo để dự án “Ngân hàng bò” ngày càng lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com