Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân

06:09, 21/09/2018

Hằng năm, tỉnh ta gieo cấy 150 nghìn ha lúa, sản lượng lúa hàng hóa đạt trên 930 nghìn tấn/năm. Mặc dù áp lực đầu ra cho lúa gạo của tỉnh không lớn, nhưng việc liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, hiệu quả lao động của người nông dân, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Dây chuyền chế biến lúa gạo với lò sấy công suất 200 tấn lúa/mẻ của Cty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên).
Dây chuyền chế biến lúa gạo với lò sấy công suất 200 tấn lúa/mẻ của Cty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên).

Trong vụ mùa năm 2011 và vụ xuân năm 2012, Cty CP Lương thực Nam Định liên kết với gần 600 hộ nông dân của huyện Giao Thủy thực hiện mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Trong 2 năm 2014 và năm 2015, trên địa bàn tỉnh có thêm một số mô hình liên kết sản xuất gạo chất lượng cao như: Cty CP Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình với một số HTX của các huyện Ý Yên, Vụ Bản; Tổng Cty Lương thực Miền Bắc với các xã Đồng Sơn (Nam Trực), Mỹ Hà (Mỹ Lộc), Vĩnh Hào (Vụ Bản)… Tuy nhiên những mô hình này không thật sự bền vững, kết thúc chỉ sau 1-2 vụ do năng lực còn yếu về công tác chuẩn bị nhân lực, máy móc chưa tốt, năng lực sấy hạn chế; kế hoạch thu mua chưa sát với thực tế; cơ chế thu mua thiếu linh hoạt. Việc xây dựng, mở rộng các liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do công tác tuyên truyền và nhận thức về vai trò của từng nhà trong “4 nhà” còn hạn chế. Chính quyền một số địa phương và các ngành liên quan chưa quyết liệt vào cuộc tổ chức thực hiện, chưa xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đảm bảo xâu chuỗi, gắn kết “4 nhà”. Các hình thức tổ chức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh còn phát triển chậm. Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia tiêu thụ, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Diện tích canh tác manh mún, trình độ kỹ thuật tư duy làm ăn theo thói quen của nông dân hạn chế cũng là rào cản cho việc mở rộng các liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân… Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo xây dựng một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khá bền vững, nâng cao vai trò và lợi ích của “4 nhà”; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các HTX, hộ nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định, bền vững thông qua các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết theo chuỗi..., vận động nông dân cùng các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tiêu biểu là chuỗi liên kết sản xuất gạo chất lượng cao giữa Cty TNHH Toản Xuân với các HTX và một số hộ nông dân tập trung ở các huyện Nam Trực, Xuân Trường, Ý Yên với quy mô trên 300ha trong mỗi vụ sản xuất. Tất cả các HTX và người dân tham gia chuỗi liên kết đều sử dụng giống lúa chất lượng cao BT7. Hiện Cty đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành lò sấy công suất 200 tấn lúa/mẻ, cùng dây chuyền xay xát gạo công nghệ hiện đại trị giá trên 20 tỷ đồng tại xã Yên Lương (Ý Yên). Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Cty cho biết: Cty cam kết bảo đảm an toàn chất lượng trong các khâu chọn giống, vật tư nông nghiệp và thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, ổn định cuộc sống từ đó gắn bó với cây lúa hơn. Cũng theo ông Toản, tham gia chuỗi liên kết, các HTX, hộ nông dân phải thực hiện đúng quy trình sản xuất của Cty được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm được Cty quản lý, kiểm soát chất lượng và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện Cty đang xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Toản Xuân Nam Định”, được bán rộng rãi trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng tin cậy. Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất lúa giống và sản phẩm cây vụ đông do Cty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh) thực hiện cũng đạt được những thành quả đáng kể. Cty đã thuê gom, tích tụ được 350ha đất 2 lúa, quy hoạch thành các vùng cánh đồng lớn tập trung, cải tạo kênh mương, thủy lợi nội đồng và giao thông theo tiêu chí NTM. Hằng năm, Cty tổ chức liên kết sản xuất khoảng 650ha lúa giống và gần 100ha cây vụ đông hàng hóa chế biến xuất khẩu. Cty xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và ký hợp đồng với các hộ nông dân, ứng trước giống gốc, hóa chất, phân bón, thuốc BVTV, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua 100% sản phẩm. Cty bảo hành thu mua cho các hộ dân tham gia chuỗi với giá tối thiểu bằng giá lúa thương phẩm ngoài đại trà. Nông dân đầu tư công lao động (gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch…); thực hiện quy trình sản xuất theo hướng dẫn của Cty và bán toàn bộ sản phẩm cho Cty. Ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Cty cho biết: Hiệu quả kinh tế của mô hình là mỗi ha liên kết sản xuất lúa giống của Cty cho lợi nhuận từ 50-60 triệu đồng/năm, cao gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa đại trà. Đồng thời mỗi ha tạo thêm từ 600-650 ngày công cho lao động địa phương với giá 100 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài 2 chuỗi liên kết trên còn chuỗi liên kết sản xuất lúa giống với quy mô 20ha giữa Cty CP Giống cây trồng Nam Định với các hộ nông dân của xã Minh Tân (Vụ Bản) thông qua HTXDVNN Minh Tân. Thực tế cho thấy, tham gia chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, nhà nông có điều kiện tiếp cận vốn, các tiến bộ khoa học công nghệ, được cung cấp vật tư nông nghiệp có chất lượng và được bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, yên tâm, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh.

Nhà doanh nghiệp có nơi tiêu thụ giống lúa, phân bón, thuốc BVTV, lại có nguồn nguyên liệu ổn định, chủ động trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước tổ chức liên kết, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và nâng cao vai trò quản lý. Nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến lúa gạo, từng bước đưa nông dân vào tiến trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Các chuỗi liên kết trên là tiền đề để phát triển các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo trong các vụ sau, qua đó nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân, minh chứng cho sự cần thiết phải liên kết giữa “4 nhà” (Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và Nhà nông) trong sản xuất nông nghiệp.

Việc xây dựng thành công các chuỗi giá trị lúa gạo sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, giảm thiệt thòi cho người trồng lúa; người nông dân không “quay lưng” với cây lúa; đảm bảo an ninh lương thực. Và đây vẫn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cần tập trung thực hiện trong tái cơ cấu nông nghiệp. Do vậy, để tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thời gian tới, các cấp chính quyền và các ngành liên quan cần tích cực vào cuộc tổ chức, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc liên kết “4 nhà”. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Tăng cường củng cố các tổ chức hợp tác trong nông nghiệp hiện có, hình thành các HTXNN kiểu mới. Đẩy mạnh thuê gom, tích tụ ruộng đất để phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com