Kinh phí khuyến công tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất

07:09, 18/09/2018

Năm 2017, UBND tỉnh đã hỗ trợ 4 đợt thực hiện các chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí là 4,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí khuyến công được UBND tỉnh hỗ trợ là động lực quan trọng khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư thiết bị, dây chuyền, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2018 Sở Công thương đã trình UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ kinh phí 2 đợt cho 10 chương trình, dự án khuyến công tổng số 2 tỷ 736 triệu đồng. 

Sản xuất bao bì phức hợp phục vụ ngành thuốc và hóa dược của Cty TNHH Bao bì Quốc Vượng, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).
Sản xuất bao bì phức hợp phục vụ ngành thuốc và hóa dược của Cty TNHH Bao bì Quốc Vượng, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm 2018, Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Công thương, Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức khảo sát nhu cầu, lựa chọn, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đủ điều kiện có nhu cầu đề xuất hỗ trợ kinh phí khuyến công. Các chương trình được hỗ trợ gồm: 6 chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới, 1 chương trình ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất và hỗ trợ 3 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm. Điểm nổi bật của các dự án khuyến công những tháng đầu năm 2018 là các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới được UBND tỉnh hỗ trợ mức tối đa 400 triệu đồng/mô hình: sản xuất bao bì phức hợp phục vụ ngành sản xuất thuốc và hóa dược của Cty TNHH Bao bì Quốc Vượng (Mỹ Lộc); kỹ thuật chế tạo khuôn để sản xuất linh kiện xe máy của Cty TNHH một thành viên CNC Việt Nhật (Nam Trực); kỹ thuật sản xuất bếp khí hóa của Cty CP Đầu tư Lam An, xã Giao Long (Giao Thủy); kỹ thuật sản xuất bao bì nhựa phục vụ ngành may xuất khẩu của Cty TNHH Thanh Ngân (TP Nam Định); kỹ thuật sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ kim loại màu của cơ sở sản xuất Mai Thị Thơm, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) và sản xuất ke môn cửa gỗ của cơ sở sản xuất Ngô Văn Sỹ, xã Hải Xuân (Hải Hậu). Năm 2016, Cty TNHH Thanh Ngân (TP Nam Định) đã đầu tư gần 11 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất bao bì nhựa phục vụ ngành công nghiệp dệt may. Đầu năm 2018, dự án đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động với tổng công suất đạt 1.200 tấn sản phẩm/năm. Với mẫu mã đa dạng, chất lượng bảo đảm phù hợp với yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường xuất khẩu “khó tính”, các sản phẩm của Cty đã được các doanh nghiệp lớn trong tỉnh như Cty CP May Sông Hồng, Cty CP May Nam Định... tín nhiệm và ký hợp đồng dài hạn. Cty hiện tại đã giải quyết việc làm ổn định cho 65 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sau một thời gian tìm hiểu nhu cầu thực tế của thị trường, cơ sở sản xuất Mai Thị Thơm, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) đã mạnh dạn cải tạo nhà xưởng, đầu tư máy cắt khắc CNC hiện đại để chuyển sang sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ kim loại màu... Với mức đầu tư gần 2,5 tỷ đồng, cơ sở đã trang bị máy cắt khắc CNC Jieke-1325 là dòng máy chuyên dùng trên nhiều chất liệu, từ kim loại màu (đồng, nhôm, i-nox) đến gỗ, nhựa và có nhiều tính năng như khắc họa tiết, thiết kế… giúp sản xuất những sản phẩm đòi hỏi tính thẩm mỹ và độ tinh xảo cao như: thiết kế hình ảnh 3D, khắc và cắt lên các chất liệu gỗ, mica, pha lê, thủy tinh, đá. Mỗi năm cơ sở sản xuất được 600m2 sản phẩm, chủ yếu là các loại tranh đồng, phù điêu, họa tiết trang trí... đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Hiện nay, cơ sở tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 250 nghìn đồng/người/ngày. Mô hình ứng dụng máy chạm khắc tự động CNC hiện đại để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ nguyên liệu tre, nứa ghép của Cty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên) được UBND tỉnh hỗ trợ mức 200 triệu đồng. Ngoài các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, trong năm 2018 UBND tỉnh cũng hỗ trợ: Cty TNHH Chế tạo điện cơ AXUZU, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); Xưởng Thiết bị thực phẩm Thế Chiều, xã Liêm Hải (Trực Ninh) 76 triệu đồng để tham gia quảng bá sản phẩm tại Hội chợ triển lãm khu vực duyên hải miền Trung - Bình Định 2018; Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) 60 triệu đồng kinh phí tham gia Hội chợ triển lãm Hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2018 tổ chức tại tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, trong tháng 6-2018 tỉnh ta có 5 sản phẩm gồm: lò đốt rác thải sinh hoạt (Cty TNHH Tân Thiên Phú); quạt cây AXUZU (Cty TNHH Chế tạo động cơ AXUZU); sen vòi nhà tắm (Cty CP Sản xuất và Thương mại Minh Thành Công); nước mắm Ninh Cơ (Cty CP Chế biến hải sản Nam Định) và ống nhựa HDPE Phú Mỹ Tân (Cty TNHH Mai Thanh) được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2018. 

Với mức hỗ trợ được nâng lên, hình thức hỗ trợ đa dạng, nguồn kinh phí khuyến công đã giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất có thêm động lực mạnh dạn đầu tư hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất và tổ chức hội nghị trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới đảm bảo các yếu tố: thiết thực, đảm bảo chất lượng, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt. Ngoài tác dụng kích cầu, động viên các doanh nghiệp, nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh còn là động lực thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN đầu tư thiết bị, dây chuyền, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo thêm việc làm mới và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com