Trực Chính phát triển kinh tế nông thôn bền vững

08:04, 03/04/2018

Nằm bên dòng sông Ninh Cơ, giáp với Thị trấn Cổ Lễ - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện -  những năm qua, xã Trực Chính (Trực Ninh) đã tận dụng và phát huy tối đa lợi thế “cận thị, cận giang” và tiềm năng đất đai, lao động để phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Ngoài sản xuất nông nghiệp, xã Trực Chính còn phát triển đa dạng ngành nghề như dệt, may công nghiệp, cơ khí, mộc dân dụng… Ước tính giá trị thu nhập từ sản xuất thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ bình quân mỗi năm của xã đạt trên 50 tỷ đồng.

Sản xuất khăn ăn, khăn mặt, khăn phục vụ thi đấu thể thao tại cơ sở sản xuất Trường Giang, xóm An Bình, xã Trực Chính.
Sản xuất khăn ăn, khăn mặt, khăn phục vụ thi đấu thể thao tại cơ sở sản xuất Trường Giang, xóm An Bình, xã Trực Chính.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội với những chủ trương, chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm và nguồn nội lực của địa phương. Một trong những “đột phá” được Đảng ủy, UBND xã chọn lựa lãnh đạo, chỉ đạo là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương. Với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ chỗ sản xuất 2 vụ trong năm, nay Trực Chính tăng lên 3 vụ và phát triển các loại cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, quy hoạch thành vùng chuyên canh tập trung. Hiện, xã Trực Chính có vùng nuôi trồng thủy sản rộng gần 70ha. Nhờ chuyển dịch hợp lý cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã thường đạt từ 50 tỷ đồng/năm. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã Trực Chính còn tập trung các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN. Trên địa bàn xã, ngoài làng nghề dệt truyền thống Dịch Diệp đã được UBND tỉnh công nhận năm 2012 còn phát triển mạnh các nghề mới như: may công nghiệp, cơ khí, chế biến gỗ. Để thúc đẩy làng nghề phát triển, xã đã đầu tư cải thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực làng nghề nói riêng và trên toàn địa bàn xã đảm bảo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá và sản xuất, như: nâng cấp, mở rộng đường giao thông, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước thải cho khu vực làng nghề, quy hoạch vùng sản xuất tập trung rộng gần 1,5ha để mở rộng phát triển sản xuất CN-TTCN. UBND xã phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay; dành quỹ đất để các hộ mở rộng sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Mặc dù bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế nhưng nghề dệt truyền thống của xã vẫn duy trì và phát triển ổn định. Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp từ xã đến huyện, tỉnh, các hộ làm nghề đã từng bước đổi mới công nghệ sản xuất, đầu tư máy dệt cải tiến sử dụng điện, thay thế khung dệt cũ khổ hẹp sang khung khổ rộng với tốc độ dệt nhanh, tăng năng suất từ 6kg lên 20kg sợi/ngày/máy, bảo đảm chất lượng sản phẩm đều, đẹp. Với máy dệt cải tiến có gắn mô tơ chạy bằng điện có thể dệt được các loại vải có khổ rộng đến 1m và không hạn chế độ dài. Nhờ đó, mỗi ngày một khung dệt cải tiến có thể sản xuất được từ 600-700 sản phẩm khăn các loại với đa dạng mẫu mã như: khăn trơn, khăn cải hoa, khăn kẻ ô... Theo thống kê của UBND xã, toàn xã hiện có trên 500 khung dệt của 4 HTX dệt gồm: Vạn Diệp, Bình Định, Hoàng Anh và Đức Ân với trên 300 thành viên, hàng trăm hộ làm nghề, thu hút khoảng 600 lao động trực tiếp. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các loại khăn mặt, khăn tắm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Ngoài các HTX dệt truyền thống, xã Trực Chính còn có cơ sở sản xuất Trường Giang của anh Mai Văn Giang, xóm An Bình đã đầu tư trên 3 tỷ đồng trang bị 10 máy dệt kiếm tự động (khổ rộng tối đa 2,3m; năng suất từ 8 tạ đến 1 tấn sản phẩm/máy/tháng), lắp đặt riêng 1 trạm biến áp 250kVA để sản xuất các loại khăn ăn, khăn mặt, khăn phục vụ thi đấu thể thao cho các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội. Cơ sở hiện có 10 lao động trực tiếp và 15 hộ nhận gia công sản phẩm tại nhà với mức lương bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Nghề dệt truyền thống ở Trực Chính tạo việc làm cho gần 600 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 70-100 nghìn đồng/ngày. Cùng với việc phát triển nghề dệt truyền thống, trên địa bàn xã đã hình thành 5 cơ sở may công nghiệp nhận gia công các sản phẩm: quần áo thể thao xuất khẩu, áo mưa, khăn các loại, màn tuyn…, mỗi cơ sở thu hút từ 20-25 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Tiêu biểu là cơ sở may của các ông: Đinh Văn Tuấn, xóm An Ninh; Đinh Văn Doãn, Mai Văn Giang, xóm An Bình. Phát huy lợi thế có vùng đất bãi rộng, xã Trực Chính còn phát triển mạnh nghề sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen. Cty CP Gạch ngói Nam Ninh đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất gạch bằng công nghệ lò tuy-nen với công suất tối đa gần 20 triệu viên/năm, ở thôn An Lãng. Các sản phẩm của nhà máy bao gồm: gạch thông tâm lỗ to, gạch thông tâm lỗ nhỏ và gạch đặc, đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, bảo đảm bền, đẹp theo thời gian được thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng… tín nhiệm, tiêu thụ tốt. Nhà máy đi vào hoạt động đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động trong xã với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. 

Ngành nghề phát triển, đời sống của người dân Trực Chính đã được cải thiện, nâng cao; các công trình phúc lợi, phục vụ sản xuất được đầu tư cải tạo, xây dựng đồng bộ; số hộ khá, giàu tăng nhanh. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2018 và những năm tiếp theo, xã Trực Chính xác định tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm xây dựng NTM bền vững./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com