Thành Lợi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau màu hàng hóa

07:03, 30/03/2018

Những năm gần đây, xã Thành Lợi (Vụ Bản) đã không chỉ được biết đến là vựa rau màu lớn cung ứng cho thị trường thành phố và các tỉnh lân cận mà còn là địa phương mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản.

Canh tác rau màu ứng dụng công nghệ nhà lưới, tưới tiêu tự động tại xóm B, xã Thành Lợi.
Canh tác rau màu ứng dụng công nghệ nhà lưới, tưới tiêu tự động tại xóm B, xã Thành Lợi.

Là địa bàn giáp ranh Thành phố Nam Định, đất đai màu mỡ, người dân lại có trình độ thâm canh cao, xã Thành Lợi có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp hàng hóa với sản phẩm chính là rau màu các loại, sản xuất quanh năm. Sản lượng đạt hàng nghìn tấn rau mỗi năm. Đặc biệt trong thời gian gần đây, nhiều loại rau xứ lạnh như: Sa Pa (Lào Cai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng)… đã được người dân xã Thành Lợi thuần hóa canh tác đại trà ở địa phương. Điểm quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của xã là đã xây dựng thành công nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: ứng dụng công nghệ nhà lưới trong canh tác rau màu; công nghệ sản xuất, bảo quản giống rau màu các loại và xây dựng thành công vùng canh tác rau màu, cây dược liệu an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GACP-WHO. Trên địa bàn xã, công nghệ trồng rau màu trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động, ươm giống trong kho lạnh được áp dụng đại trà cho các loại rau cải canh, rau gia vị, hành, mùi, húng… Cách làm này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và cung ứng trái vụ cả bốn mùa trong năm mà còn tiết kiệm tối đa công lao động, chăm bón, chi phí thuốc trừ sâu, mang lại lợi nhuận cao vào các thời điểm trái vụ thị trường khan hiếm, đồng thời khắc phục được tình trạng nông sản không tiêu thụ được do thu hoạch đồng loạt vào chính vụ. Tiêu biểu trong sản xuất theo mô hình này là gia đình anh Phạm Văn Quý, xóm B. Đi tiên phong trong việc đầu tư công nghệ sản xuất rau trong nhà lưới với hệ thống tưới nước hiện đại, gia đình anh Quý đã đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng 500m2 nhà lưới và hệ thống vòi phun đa năng để canh tác rau màu. Theo đó, tùy vào thời điểm sinh trưởng của cây màu mà anh chỉnh vòi phun theo các chế độ: Tưới phun mưa dành cho cây trồng mới cấy, tưới nước nhỏ giọt dành cho cây trồng trưởng thành, cây đến thời điểm cho thu hoạch và điều chỉnh độ cao, thấp của ống nước để có thể chủ động điều tiết nước theo nhu cầu của cây trồng. Với hệ thống tưới này anh Quý có thể tiết kiệm nước đến 50% so với cách tưới thông thường; giảm đáng kể công lao động bởi hệ thống hoàn toàn tự động. Bên cạnh đó, khi được nuôi cấy trong nhà lưới, cây trồng khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh hơn nên lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng tiêu tốn rất ít. Đặc biệt khi đầu tư công nghệ này, gia đình anh có thể chủ động về thời vụ, loại rau màu theo xu hướng tiêu dùng của thị trường, nhất là những cây trồng khó tính và gieo cấy trái vụ, lệch vụ để tăng thu nhập. Mặc dù đầu tư lớn nhưng do được trồng cấy trong môi trường đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm, hạn chế sâu bệnh ngoài tự nhiên nên chất lượng rau tốt, bán được giá cao và quay vòng mùa vụ nhanh. Khác với mô hình ứng dụng công nghệ nhà lưới trong canh tác rau màu, tại vùng đất khu vực Bãi Quỹ, người dân xã Thành Lợi đã áp dụng thành công mô hình trồng quất dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO do Tổ chức Y tế thế giới đặt ra. Với lợi thế có vị trí nằm biệt lập như một hòn đảo giữa con sông Đào, Bãi Quỹ có môi trường tự nhiên trong lành, tránh được những tác động môi trường tiêu cực do chất thải từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và những vùng sản xuất nông nghiệp xung quanh nên Cty TNHH Nam Dược, Tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ), đã lựa chọn để triển khai Dự án Thương mại sinh học Biotrade trồng quất dược liệu theo các tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt. Tham gia dự án, người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, thu hái, bảo quản, kiểm định chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó quất dược liệu được trồng theo phương pháp tự nhiên để thu hái quả quanh năm. Người trồng quất phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân hóa học để đảm bảo an toàn nguyên liệu trong bào chế thuốc và thu hái khi quả quất vừa vào mẩy, vỏ sáng bóng, căng mọng nước. Với 2ha quất tại vùng Bãi Quỹ mỗi năm cho thu hoạch khoảng 50-60 tấn quả. Sản phẩm thu hái đến đâu, Cty TNHH Nam Dược thu mua ngay đến đó với giá cả hợp lý nên hiệu quả kinh tế ổn định ở mức cao. Tháng 9-2017, vùng trồng quất này đã được Viện Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) thẩm định đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Do đó, từ 2ha quất trồng thử nghiệm ban đầu đến nay diện tích trồng quất dược liệu đã mở rộng lên 5ha và tổ chức trồng thực nghiệm thêm các loại cây dược liệu như: câu kỳ tử, ích mẫu, hy thiêm, bông mã đề, râu mèo, đỗ tương… tiến tới cung ứng nguồn dược liệu ổn định ra thị trường. Mô hình trồng cây dược liệu này đang được các ngành chức năng của huyện, xã tuyên truyền, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích tại những vùng đất bãi ven sông. Những phương thức canh tác hiệu quả này đã giúp tăng thu nhập đầu người trong xã lên bình quân 25 triệu đồng/năm và giá trị canh tác đạt từ 100-120 triệu đồng/ha.

Những kết quả khả quan này đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất của Đảng ủy, UBND xã cũng như các tổ chức hội đoàn thể và các HTXDVNN là hết sức đúng đắn, hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng khích lệ người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tư duy, bỏ thói quen lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com