Thêm nhiều chính sách linh hoạt hỗ trợ ngư dân vươn khơi

07:04, 03/04/2018

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã phát huy hiệu quả thúc đẩy phát triển thủy sản kịp thời theo hướng CNH-HĐH. Nghị định đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo ngư dân bởi tạo nguồn lực cho họ đẩy mạnh hoạt động khai thác hải sản xa bờ, nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Mặt khác sự hiện diện của ngư dân trên các vùng biển của Tổ quốc góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.

Tuy nhiên bên cạnh những hiệu quả tích cực từ thực hiện Nghị định 67 thì cũng còn nhiều bất cập phát sinh. Trong khi lực lượng khai thác xa bờ của tỉnh đã tăng nhanh chóng về số lượng cũng như công suất máy nhưng số lượng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão còn hạn chế. Tại các cảng cá, mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền trong và ngoài tỉnh vào cảng đổ hàng và tiếp nhiên liệu. Không những thế, nhiều cảng cá còn là nơi tránh trú bão cho tàu cá của ngư dân. Chính số lượng đông tàu, thuyền neo đậu nên những tàu công suất lớn khi ra vào cảng rất khó khăn việc tìm vị trí để neo đậu. Chưa kể đến tình trạng các cảng cá nằm ở vị trí cửa sông, tình trạng bồi lấp diễn ra thường xuyên, việc nạo vét không đáp ứng được yêu cầu khiến hạ tầng âu neo đậu ở các cảng cá xuống cấp nhanh. Bởi vậy nên nhiều khi tàu không thể vào được tận nơi, phải đậu cách cảng 3-4km chờ thủy triều lên mới vào neo đậu được. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 do chính sách còn thiếu đồng bộ, ngư dân khó tiếp cận với nguồn vốn. Có những ngư dân muốn vay vốn không chỉ phải thế chấp con tàu mà còn phải thế chấp cả nhà cửa, đất đai. Trong khi nghề đánh bắt xa bờ tiểm ẩn rủi ro cao nên điều đó khiến ngư dân rất e ngại vay vốn hỗ trợ đóng mới hoặc hoán cải tàu cá. Việc bảo hiểm cho tàu cá, bảo hiểm cho chuyến đi biển, bảo hiểm thuyền viên đối với ngư dân rất quan trọng nhưng trong quá trình thực hiện Nghị định 67, chính sách bảo hiểm không được xem xét đúng mức để bảo vệ lợi ích chính đáng cho ngư dân vay vốn. 

Ngư dân khai thác thủy, hải sản xa bờ về cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Ngư dân khai thác thủy, hải sản xa bờ về cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Để khắc phục những hạn chế của Nghị định 67, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, để ngư dân yên tâm, vững vàng vươn khơi xa bám biển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác nhằm phát triển kinh tế thủy sản. Nghị định 17 có hiệu lực thi hành từ ngày 25-3-2018. Theo đó, Nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng các dự án Trung ương quản lý các hạng mục hạ tầng đầu mối vùng nuôi thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống tập trung, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trung tâm giống thủy sản; đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu: cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn trên toàn quốc. Nghị định cũng bổ sung quy định cơ chế xử lý rủi ro trong chính sách tín dụng. Theo đó, cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện, chủ tàu mới vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao tại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ. Chính sách cho vay vốn lưu động cũng được sửa đổi. Hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu đóng mới và sở hữu khai thác hải sản xa bờ, hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên. Với tàu cá công suất từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị tàu đóng mới, nhưng không vượt quá mức hỗ trợ tối đa 6,7 tỷ đồng/tàu. Tàu công suất 1.000CV trở lên được hỗ trợ 35% giá trị con tàu, nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu. Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ hằng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên làm việc trên tàu và hỗ trợ hằng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm mọi rủi ro, không bao gồm bảo hiểm ngư lưới cụ)…

Với những chính sách bổ sung đó, ngư dân có thể chủ động tự quyết định vay tiền ở đâu, đóng tàu như thế nào. Chính vì vậy sẽ thuận lợi hơn cho cả cơ quan quản lý, ngân hàng và ngư dân. Ngư dân có thêm động lực để yên tâm vươn khơi bám biển, làm giàu chính đáng, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngành kinh tế biển đã được các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh tích cực triển khai với mục tiêu tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương từng bước phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, tăng khả năng vươn khơi. Cùng với việc tạo điều kiện để ngư dân phát triển kinh tế biển, các cơ quan chức năng cũng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc cho ngư dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân trong hoạt động sản xuất trên biển./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com