Giao Thủy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

07:04, 03/04/2018

Những năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện Giao Thủy có sự chuyển động đúng hướng, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ đó, từng bước góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM theo mục tiêu đề ra.

Huyện Giao Thủy có 16.599ha đất canh tác, trong đó đất trồng lúa 7.491ha, đất trồng rau màu 1.500ha. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đã quy hoạch ổn định các vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung với quy mô từ 30-100 ha/vùng, sản xuất 2 vụ lúa/năm. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, hằng năm, huyện còn hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá các khâu sản xuất. Hiện trên địa bàn huyện có 447 máy làm đất các loại, 83 máy gặt đập liên hợp, 340 máy tuốt lúa, 8 kho bảo quản nông sản… đảm bảo cơ giới hoá 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch. Huyện khuyến khích nông dân “bắt tay” với doanh nghiệp liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, huyện Giao Thủy xây dựng được 24 cánh đồng lớn, đồng thời quy hoạch và xây dựng được 3 vùng liên kết chuỗi giá trị, đó là 3 cánh đồng lớn tại các xã: Giao Tiến, Giao Thịnh và Giao Xuân, tổng diện tích 157ha với trên 1.000 hộ tham gia sử dụng giống lúa thuần chất lượng cao (vụ xuân sử dụng giống lúa BT7; vụ mùa sử dụng giống lúa BC15) và áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN và PTNT) hướng dẫn. 3 chuỗi liên kết được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ các khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, giảm tối đa các chi phí sản xuất đầu vào nên hiệu quả kinh tế tăng thêm trên 9 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Do áp dụng quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên chất lượng thóc, gạo đảm bảo, ngoài việc sử dụng làm thực phẩm cho gia đình, các hộ nông dân có sản lượng dư thừa đã được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 300-500 đồng/kg. Tổng khối lượng thóc các hộ nông dân trong mô hình đã bán cho Tổng Cty Lương thực miền Bắc - Chi nhánh huyện Giao Thủy là 150 tấn. Đây cũng là cơ sở để huyện nhân rộng mô hình với diện tích và số hộ tham gia lớn hơn trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, huyện còn xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa điển hình như: mô hình tích tụ ruộng đất liên kết giữa HTX Tiến Châu với Cty TNHH Toản Xuân sản xuất - tiêu thụ lúa BT7 quy mô 40ha; mô hình tích tụ ruộng đất của Cty TNHH Xây dựng và phát triển thương mại Đức Phát quy mô 11ha tại xã Giao Hà; mô hình liên kết giữa HTX Tường Mai A (Giao Nhân) với các xã Giao Long, Giao Hải… sản xuất - tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao. Trên các cánh đồng màu, huyện Giao Thủy tập trung thực hiện tốt quy hoạch các vùng sản xuất; xây dựng cơ cấu cây trồng để chủ động luân canh, xen canh tăng vụ; đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản... nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Toàn huyện đã hình thành các vùng trồng màu tập trung ở các xã Giao Phong, Giao Yến, Giao Thịnh, Thị trấn Quất Lâm với công thức luân canh các cây: lạc, dưa, ngô, rau các loại; các xã Giao Hà, Hoành Sơn, Giao Nhân trồng gối lứa các loại rau ngắn ngày cho thu nhập từ 150-300 triệu đồng/ha/năm.

Trang trại tổng hợp của ông Mai Xuân Láng, xã Giao Hà mỗi năm doanh thu đạt 2 tỷ đồng, lãi trên 300 triệu đồng.
Trang trại tổng hợp của ông Mai Xuân Láng, xã Giao Hà mỗi năm doanh thu đạt 2 tỷ đồng, lãi trên 300 triệu đồng.

Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (NTTS) của huyện Giao Thủy phát triển mạnh theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Toàn huyện Giao Thủy có trên 200 trang trại chăn nuôi, NTTS và tổng hợp; tổng doanh thu của các trang trại ước đạt 361 tỷ đồng/năm. Hầu hết các trang trại chăn nuôi được hình thành tại vùng quy hoạch của các địa phương. Nhiều trang trại đã mạnh dạn vay vốn đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: công nghệ chuồng kín, máng uống tự động, máng ăn bán tự động; đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời, hợp vệ sinh và tiết kiệm các loại dinh dưỡng cho vật nuôi; áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học bi-ô-ga, sử dụng men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Nhờ môi trường chăn nuôi sạch, chế độ dinh dưỡng đảm bảo và thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn, quản lý dịch bệnh nên hiệu quả sản xuất từ các trang trại cao hơn hẳn chăn nuôi nông hộ. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân đạt gần 14 nghìn tấn/năm; trong đó thịt lợn hơi đạt 11,5 nghìn tấn. NTTS mặn, lợ của huyện phát triển mạnh, tăng nhanh cả về diện tích, sản lượng và chủng loại sản phẩm, tập trung đầu tư nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua, ngao, cá bống bớp, tôm thẻ chân trắng. Huyện đã hình thành 3 vùng nuôi chính tập trung là: vùng nuôi, ương ngao giống, quy mô trên 1.600ha, tập trung trên địa bàn các xã Giao Xuân, Giao Lạc, Giao An, Giao Thiện, Giao Hải, Giao Long và Thị trấn Quất Lâm; vùng nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp quy mô 423ha ở các xã, thị trấn: Giao Thiện, Giao Phong, Bạch Long, Giao Yến, Giao Long, Quất Lâm; vùng nuôi kết hợp (tôm sú, cua rèm...) với hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, quy mô 1.742ha, tập trung trên địa bàn các xã Giao Thiện, Giao An. NTTS nước ngọt huyện có gần 1.141ha; trong đó có 653ha mặt nước hồ, ao trong dân cư; 487,5ha chuyển đổi từ đất trồng lúa hiệu quả thấp sang NTTS. Trong ao dân cư, nhiều hộ nuôi thả các loài cá có chất lượng: trắm cỏ, trôi MriGan, rô phi đơn tính, chim trắng, chép 3 máu... Ở vùng chuyển đổi đã hình thành các trang trại, gia trại phát triển kinh tế tổng hợp VAC tập trung, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, một số hộ doanh thu đạt 75-100 triệu đồng/ha. Toàn huyện phát triển được 90 trang trại, cơ sở sản xuất con giống thủy sản cùng với Trung tâm Giống thuỷ sản của tỉnh sản xuất giống tôm sú, ngao, hàu, tu hài, cua biển, cá bống bớp, cá thủ, cá song… đáp ứng cơ bản nhu cầu nuôi thủy sản của hơn 1.000 hộ trên địa bàn.

Có thể thấy, xuất phát từ quan điểm lấy việc tăng thu nhập của người dân làm tiêu chí quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, huyện Giao Thủy đã tích cực đổi mới bộ giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hoá, nâng cao chất lượng và giá trị, đưa sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản phát triển toàn diện đạt nhiều thành tựu mới. Năm 2017, giá trị sản phẩm trồng trọt và NTTS của huyện Giao Thủy bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ha, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của huyện lên 38,52 triệu đồng/năm. Việc phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM ở Giao Thủy không chỉ tạo ra những mô hình sản xuất hiệu quả, đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân, mà còn phát huy tính tự chủ, sáng tạo của người dân tương xứng với vai trò chủ thể của NTM. Từ đó đã thúc đẩy các xã, thị trấn thực hiện thắng lợi các tiêu chí NTM “khó” như: tổ chức sản xuất, thu nhập… Đồng thời góp phần giúp huyện thực hiện thành công tiêu chí số 6 (sản xuất) trong bộ tiêu chí huyện NTM. Đến nay, 20/20 xã, thị trấn của Giao Thủy đã được công nhận đạt chuẩn NTM; huyện cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM, đang chờ Trung ương thẩm định và công nhận hoàn thành chương trình xây dựng NTM, về đích trước kế hoạch đã đề ra./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com