Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy nội địa

03:06, 03/06/2017
Tỉnh ta nằm ở hạ lưu của các sông lớn, giáp Biển Đông, có mạng lưới giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phong phú, thuận tiện cho giao lưu hàng hóa. Sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Hồng là các tuyến giao thông thuỷ đi ra các tỉnh phía Bắc, tạo ưu thế khai thác giao thông ĐTNĐ. Đây là loại hình vận tải có khả năng chuyên chở an toàn, khối lượng hàng hoá vận chuyển lớn, hàng siêu trường, siêu trọng trong khi giá cước chỉ bằng 20-25% các loại hình vận tải khác. 
 
Để thực hiện định hướng phát triển vận tải, tạo sức bật giao thông ĐTNĐ, những năm gần đây tỉnh đã chú trọng thu hút nguồn vốn, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy. Trong năm 2015, tỉnh đã đưa vào khai thác cụm công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang, là cụm công trình đường thủy lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ được đầu tư từ Dự án WB6. Từ khi đưa vào sử dụng công trình đã góp phần thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông ĐTNĐ khu vực đồng bằng sông Hồng và kết nối giao thông ĐTNĐ khu vực với cả nước thông qua hình thức vận tải pha sông biển. Các tàu pha sông biển có trọng tải 1.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ (Nam Định) và cảng Ninh Phúc (Ninh Bình). Tỉnh đã quan tâm đầu tư các bến bãi, khu neo đậu tàu thuyền, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1 khu neo đậu, tránh trú bão kết hợp với bến cá cửa Ninh Cơ (Hải Hậu); khu neo đậu tránh trú bão cửa Ninh Cơ (Nghĩa Hưng) đã đưa vào sử dụng âu số 1. Năm 2016 đã khởi công xây dựng giai đoạn 1 khu neo đậu, tránh trú bão kết hợp bến cá Hà Lạn (Giao Thủy), hiện đang được thi công tích cực các hạng mục đắp đất và lát cấu kiện 6 kè K1 đến K6 và kè gầm bến; đã đúc xong trụ neo các kè K2, 3, 4; đóng xong 3 cọc thử kè K2, 3, 4; nạo vét luồng cà âu neo đậu; đã thi công song đê sông Sò và hoàn tất đắp đê quây; bổ sung xử lý được 946m chân khay; thi công xong bãi đúc cấu kiện; thi công xong phần trát nhà văn phòng, lắp đặt cửa tầng 1, đường điện nước ngầm. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và phương tiện các bến phà và bến khách ngang sông; và một số tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý cũng được quan tâm cải tạo nâng cấp. Duy trì khai thác tốt các sông địa phương như: Sắt, Châu Thành, Rõng, Quýt, Vô Tình, Cồn Giữa, Cồn Năm, Cồn Nhất, Mả, Ninh Mỹ theo hiện trạng... Theo đồng chí Đinh Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Nhiều năm qua, do thiếu vốn nên tổng mức đầu tư vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của mạng lưới ĐTNĐ, chưa đảm bảo hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông thủy để đảm đương khối lượng vận tải lớn, chiếm thị phần quan trọng trong thị trường vận tải hàng hóa. Trên các tuyến ĐTNĐ vẫn còn nhiều cầu vượt sông có tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp làm giới hạn quy mô các phương tiện vận tải thủy có thể hoạt động. Mặt khác, số lượng cảng, bến thuỷ trên địa bàn tỉnh hiện nay còn quá thiếu so với khả năng kết nối giữa giao thông đường thủy, đường bộ. 
Vận tải hàng hóa trên sông Đào (TP Nam Định).
Vận tải hàng hóa trên sông Đào (TP Nam Định).
Tuy nhiên, so với các hình thái giao thông khác thì đầu tư hạ tầng đường thủy tiết kiệm vốn hơn rất nhiều. Vì vậy tỉnh luôn nhất quán quan điểm: Việc đầu tư phát triển ĐTNĐ là việc làm đúng đắn trong công cuộc kiến thiết hạ tầng GTVT góp phần duy trì nhịp độ phát triển năng lực vận tải và mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội; giá thành vận tải giảm mạnh góp phần tăng sức cạnh tranh cho các loại hàng hóa. Nhằm phát huy thế mạnh của ĐTNĐ, tỉnh tập trung tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cảng, bến thuỷ, bến phà theo quy định. Từ nay đến năm 2020, ngoài nguồn vốn ngân sách, tỉnh sẽ tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế kết hợp các chương trình kế hoạch nạo vét, tiêu thoát lũ của ngành Nông nghiệp, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển hạ tầng ĐTNĐ. Đồng thời, đầu tư một số bến cảng quan trọng, cho đấu thầu khai thác, kinh phí thu được sử dụng cho phát triển mới và bảo trì. Đặc biệt, để phát triển mạnh dịch vụ vận tải trên hạ tầng giao thông đường thủy đã quy hoạch đồng bộ, tỉnh tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đóng tàu vận chuyển hàng có trọng tải lớn; tăng cường mối liên kết giữa các loại hình vận tải khác với vận tải ĐTNĐ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, đối tượng tham gia kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải; phát triển vận tải công-ten-nơ, đa phương thức ĐTNĐ và ven biển. Phát triển kinh tế, tạo nguồn hàng cho vận tải ĐTNĐ, khuyến khích đầu tư trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa có khối lượng lớn, hàng công-ten-nơ tại các cảng thủy nội địa; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao nhận kho vận và xã hội hóa hoạt động dịch vụ logistics. Định hướng phát triển giao thông vận tải ĐTNĐ đến năm 2020 của tỉnh là tận dụng tốt nhất điều kiện tự nhiên, đồng thời đầu tư tập trung có kế hoạch để phát triển tối đa lợi thế của ĐTNĐ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo định hướng trên, ĐTNĐ sẽ được phát triển đồng bộ về luồng tuyến, cảng bến, thiết bị bốc xếp, phương tiện vận tải và năng lực quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý và an toàn. Đầu tư kết cấu hạ tầng ĐTNĐ được gắn kết với mạng lưới giao thông khác như đường bộ, đường sắt tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt. 
 
Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng mới 3 cảng sông, gồm: cảng Nam Định trên sông Hồng thuộc địa phận xã Điền Xá (Nam Trực) thay thế cảng cũ trong Thành phố Nam Định, quy mô cảng sông tổng hợp, đáp ứng cho cỡ tàu 1.000 tấn ra vào, đến năm 2030 đạt công suất 800 nghìn tấn/năm; cảng bốc xếp hàng hóa tổng hợp trên sông Hồng thuộc địa phận Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); cảng hàng hóa Rạng Đông thuộc địa phận xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) phục vụ KCN Dệt may Rạng Đông và Khu kinh tế Ninh Cơ (từ nay đến năm 2020 phục vụ xây dựng và bốc xếp hàng hóa của KCN, sau năm 2020 nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng cho cỡ tàu trên 1.000 tấn ra vào). Nâng cấp một số bến thủy đủ điều kiện lên cảng để phục vụ nhu cầu trung chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng quy mô đến năm 2020 và sau năm 2030 đáp ứng cho cỡ tàu phù hợp với cấp ĐTNĐ quy hoạch. Dự kiến xây dựng 3 cảng chuyên dùng gồm: Cảng nhà máy nhiệt điện ở bờ trái sông Ninh Cơ thuộc địa phận xã Hải Ninh và Hải Châu (Hải Hậu), quy mô đến năm 2020 đáp ứng cho tàu có tải trọng đến 1.000 tấn ra vào, sau năm 2020 nâng cấp cho cỡ tàu trên 1.000 tấn; 3 cảng xăng dầu trên sông Đào tại các xã, phường: Tân Thành (Vụ Bản), Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Năng Tĩnh (TP Nam Định) quy mô đến năm 2020 duy trì hoạt động, sau năm 2020 điều chỉnh theo quy hoạch xây dựng Thành phố Nam Định đã được phê duyệt. Trong các tuyến ĐTNĐ do địa phương quản lý, tỉnh sẽ cải tạo, nâng cấp một số tuyến địa phương đạt cấp IV-III ĐTNĐ cho các tàu có trọng tải từ 50-100 tấn đi lại, gồm: 11km tuyến sông Chanh, từ xã Đại An (Vụ Bản) đến xã Yên Phúc (Ý Yên), bảo đảm sau năm 2020 đạt tiêu chuẩn ĐTNĐ cấp IV. Cải tạo, nâng cấp 11km sông Mỹ Đô từ xã Yên Tân đến xã Yên Phương (Ý Yên), bảo đảm sau năm 2020 đạt tiêu chuẩn ĐTNĐ cấp III. Cải tạo, nâng cấp 26,5km sông Múc từ xã Hải Trung đến xã Hải Châu (Hải Hậu) bảo đảm đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn ĐTNĐ cấp III. Cải tạo, nâng cấp 22,7km sông Sò từ Thị trấn Ngô Đồng đến cửa Hà Lạn (qua địa bàn các huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường và huyện Hải Hậu bảo đảm quy hoạch đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn ĐTNĐ cấp III. 
 
Tại các tuyến sông nhỏ, duy trì khai thác 10 tuyến theo hiện trạng, nạo vét, chỉnh trị luồng lạch đảm bảo cho tàu có trọng tải đến 50 tấn hoạt động, bao gồm các sông: Sắt, Châu Thành, Rõng, Quýt, Vô Tình, Cồn Giữa, Cồn Năm, Cồn Nhất, Mả, Ninh Mỹ. Các sông khác, duy trì cấp sông hiện tại, cải tạo cho các phương tiện chở hàng có trọng tải đến 10 tấn. Trong hệ thống các bến, cụm bến thuỷ nội địa đủ điều kiện theo quy định, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa tại những vị trí đảm bảo về quỹ đất, hành lang an toàn công trình cầu, cống, hành lang đê điều và bảo vệ môi trường phục vụ nhu cầu tập kết, bốc xếp, trung chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com