Mưu sinh ven sông

05:06, 02/06/2017

Chân cầu Đò Quan một ngày giữa tháng 5 nắng như đổ lửa. Hai bên bờ sông Đào xanh mướt những ruộng rau, đỏ thắm những ruộng hoa của bà con nông dân ven nội thành. Giữa mênh mông sông nước, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Nguyễn Văn Dũng, tổ 13, phường Cửa Nam (TP Nam Định). 25 tuổi đời, 12 năm “tuổi nghề”, đến những giấc ngủ của Dũng cũng bập bềnh trên sóng nước. Dấu vết của sông nước “nhuộm” đen bóng sắc da của chàng thanh niên trẻ. Dũng bảo, riêng đoạn sông chảy qua chân cầu Đò Quan này thôi, cũng có vài chục hộ dân bám lấy sông mà sống bằng nghề đánh bắt cá. Lênh đênh mãi cũng quen với  nước sông, cũng nuôi ước ao lên bờ, tìm nghề gì đó ổn định để sinh sống, bớt phần vất vả…

Anh Nguyễn Văn Dũng, tổ 13, phường Cửa Nam (TP Nam Định) với thành quả sau một đêm đánh cá.
Anh Nguyễn Văn Dũng, tổ 13, phường Cửa Nam (TP Nam Định) với thành quả sau một đêm đánh cá.

"Tùy theo con nước nhưng cứ quãng gần 1h sáng, gia đình tôi chuẩn bị đồ nghề bắt đầu một ngày làm việc mới, bất kể mưa hay nắng”, Nguyễn Văn Dũng cho biết. Thế nên, trong câu chuyện đầu sáng, có lẽ Dũng vẫn chưa thoát khỏi cảm giác ngái ngủ. Bởi, “em mới về lúc 4h sáng, đêm qua tổng cộng như vậy em ngủ được khoảng 3 giờ đồng hồ, quen với nhịp sống, giờ giấc đấy rồi, như công nhân đi làm ca thôi chị”. Học xong cấp II là Dũng đã theo bố mẹ xuống thuyền. Đời “thuyền chài” gắn bó với Dũng từ đây. Trước đó, nhà em 3 đời đều gắn với chiếc thuyền nan, dọc ngang mái chèo suốt sông Đào kiếm sống. Khi Dũng xuống thuyền cũng là lúc bố mẹ em đổi từ thuyền nan lên thành thuyền vỏ tôn, có gắn động cơ chạy phành phạch. Cũng đã từng có thời điểm Dũng bỏ nghề thuyền chài, theo đám thanh niên bạn bè đi học cơ khí, làm công nhân ở các khu công nghiệp nhưng rồi cũng lại bỏ. “Làm công nhân thì công việc đỡ vất vả hơn, tuy nhiên, em vẫn thích cái cảm giác được tự do một mình giữa bao la sông nước. Mệt thì nghỉ, ngày hôm sau có thể làm bù. Chính vì thế, em không muốn bỏ cái nghề thuyền chài này” - Dũng cười nói. Tuy nhiên, Dũng cũng thừa nhận, vất vả nhất vẫn là nghề sông nước. Trong nỗi nhọc nhằn kiếm sống hằng đêm với lòng sông, theo Dũng chính là việc chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, với nắng gió, mưa bão. “Trời mưa nắng, bão gió, người ta chạy vào nhà tránh trú, chúng em lại phải lao ra ngoài trời kiếm ăn. Gặp hôm nào trời mưa thì khốn khổ vì có thuyền có mui, có thuyền không mui. Đối với những thuyền không mui, cứ nửa tiếng phải ra tát nước một lần phòng thuyền đầy nước, bị chìm. Chưa kể những ngày nắng nóng vẫn phải “phơi mặt” ra sông kiếm ăn. Trời rét, gió to phải bỏ mui ra khỏi thuyền, cảm giác lạnh thấu da thịt, Dũng chia sẻ. Nghề thuyền chài cũng là nghề thiếu ổn định, hay phải nay đây mai đó. Bố mẹ Dũng thấm thía cảnh bến sông là nhà, cố gắng dành dụm, chắt chiu mua được căn nhà giúp cả nhà sau ngày làm việc vất vả có thể nghỉ ngơi, tiện dụng sinh hoạt. Rồi chạy vạy vay thêm ngân hàng sắm thêm thuyền tạo việc làm cho cả gia đình. Hiện, nhà Dũng có 3 thuyền. Bố mẹ Dũng mỗi người phụ trách một thuyền, Dũng phụ trách 1 thuyền. Riêng thuyền của Dũng được “đầu tư” hơn cả với tổng giá trị khoảng 70 triệu đồng, tốc độ chạy tối đa 20km/h. Trung bình mỗi đêm “ra khơi”, mỗi thuyền của gia đình Dũng thu được 500-700 nghìn đồng. Trừ chi phí tiền dầu, đồ ăn đêm, mỗi thuyền thu về khoảng 300 nghìn đồng. Tôm cá đánh bắt được, thương lái xuống thu mua ngay tại thuyền, không phải đem ra chợ bán. Tuy nhiên có những hôm trời động, đi cả đêm, tốn tiền dầu mà không đánh bắt được gì. Nhưng vẫn cứ đi, vì không đi thì không biết làm gì. Cuối cùng Dũng đúc kết, nghề này cũng không khác đi câu là bao nhiêu, do đó, phải chấp nhận ngày kiếm được, ngày không.

Từ chân cầu Đò Quan xuôi xuống khoảng vài ba cây số, theo ước tính của Dũng cũng có gần 40 hộ dân đang bám sông Đào mưu sinh. Mỗi đêm “dong khơi” của họ kéo dài khoảng 8-9 cây số, khi xuôi về Chợ Chùa (Nam Trực) khi ngược lên cầu Tân Đệ (Thái Bình). Sản phẩm của ngư dân sau mỗi đêm đánh bắt là các loại cá chép, cá vược, cá dói, cá ngạnh, cá trích, cá mương, tôm, tép, cua… Với giá bán cá chép to khoảng 100 nghìn đồng/kg, cá dói, cá mương có giá 25-30 nghìn đồng/kg; cá ngạnh từ 5-7 lạng trở lên có giá 250 nghìn đồng/kg; tôm, tép sông được bán với giá 150 nghìn đồng/kg…, sông nước đang góp phần nuôi sống nhiều gia đình thuyền chài chăm chỉ. “Mấy năm trước khi nước sông còn trong lành, thỉnh thoảng trên đoạn sông này, em đánh bắt được những con cá lăng to 4-5kg. Với giá bán 500 nghìn đồng/kg, cá lăng là sản vật “trời cho” với ngư dân chúng em. Trước đây mỗi năm, em đánh bắt được cả chục con nhưng mấy năm nay, hiếm lắm chúng em mới gặp mà cũng chỉ đánh được những con nhỏ” - Dũng cho biết thêm. Mùa nước lũ tháng 7, tháng 8 là thời điểm dễ làm ăn nhất của dân thuyền chài ven sông. Khi đó thời tiết thuận hòa, cá tôm về nhiều vô kể. Còn tháng 2, tháng 3 được gọi là mùa nước trong. Đây là thời điểm rất khó đánh bắt. Chưa kể, thời tiết còn biến động thất thường. Thời điểm này, một số hộ gia đình phải chuyển lên bờ buôn bán nhỏ hoặc chuyển sang trồng rau kiếm thêm thu nhập. Đợi nước lũ, họ lại xuống thuyền tiếp tục bám lòng sông kiếm kế sinh nhai. Dẫu vất vả là thế nhưng nhiều người trong số họ không bỏ nghề mà vẫn tìm cách bám trụ với sông nước. Có lẽ bởi vì “cảm giác được tự do giữa sông nước, cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên thường rất khoan khoái, dễ chịu. Mặc dù đi làm đêm hôm rất vất vả, nhưng khi được những cơn gió mát lành từ lòng sông thổi lên, phả lên mặt, cảm giác hết cả mệt nhọc” - Dũng chia sẻ. Và có lẽ những người làm nghề thuyền chài đánh cá ven sông khác cũng có cảm xúc giống như Dũng. Vì vậy, bên cạnh việc mưu sinh, họ có những lý do để gắn bó lâu dài với nghề.

Rời lòng thuyền tôn chòng chành của Nguyễn Văn Dũng, tôi bước lên bờ khi ánh mặt trời đã chói sáng gay gắt. Mẻ cá đêm qua của gia đình Dũng đã được bán gần hết. Trong ngăn chứa ở đầu mũi thuyền chỉ còn lại vài con cá chép sông vàng óng thi nhau đạp nước chờ được giá sẽ bán sau. Gần trưa, những bến thuyền “tự phát” ven sông Đào thỉnh thoảng lại có những chiếc thuyền tôn bẻ lái tiến vào thả neo chuẩn bị cho những chuyến đi sắp tới. Trên thuyền, vài ngư dân sắc da đen bóng, cánh tay khỏe mạnh ngồi yên lặng đầu mũi thuyền tỉ mẩn gỡ lưới ra phơi. Mặt sông yên tĩnh, thanh bình, nhịp sống chậm rãi cứ thế trôi đi. Để đến đêm, những bến thuyền nho nhỏ này vang động tiếng máy chạy, tiếng quăng lưới của một bác thuyền chài nào đó. Mặt sông loang loáng ánh đèn, rì rầm tiếng người gọi nhau. Và cứ như thế, những ngư dân tiếp tục cuộc hành trình mưu sinh tự do thênh thang của mình./.

Bài và ảnh: Hoa Huân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com