Giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững (kỳ 1)

03:05, 31/05/2017

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh có những bước phát triển đáng kể, tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng bộc lộ rất nhiều tồn tại, thiếu tính bền vững. Ðể ngành chăn nuôi tạo được sự đột phá, phát triển bền vững cần phải có giải pháp dài hơi, đưa chăn nuôi trở thành mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Trang trại chăn nuôi lợn của anh Phạm Văn Long, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh).
Trang trại chăn nuôi lợn của anh Phạm Văn Long,
Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh).

I - Những bất cập của ngành chăn nuôi hiện nay

Nhìn vào thực trạng ngành chăn nuôi của tỉnh, có thể thấy khó khăn lớn nhất hiện nay đó là người chăn nuôi đang lệ thuộc rất nhiều từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến đầu ra sản phẩm, giá cả thị trường. Nhu cầu con giống cho phát triển chăn nuôi của tỉnh hiện nay là rất lớn, hằng năm cần khoảng 2 triệu con giống lợn thịt; 36 nghìn con lợn bố mẹ; trên 13 triệu con gà và 1,2 triệu con vịt, 23 nghìn con trâu, bò thương phẩm. Với năng lực sản xuất giống của tỉnh, mỗi năm các đơn vị sản xuất đáp ứng đủ yêu cầu về giống lợn thương phẩm, tuy nhiên chất lượng con giống còn thấp. Trong khi đó, về giống gia cầm, hằng năm, Cty CP Gà giống Châu Thành cung cấp 200 nghìn con gà giống bố mẹ (tương ứng 10% nhu cầu) và 3,5 triệu con giống thương phẩm (đáp ứng trên 20% nhu cầu). Như vậy, lượng giống gia cầm còn lại, giống trâu, bò và các giống vật nuôi khác phụ thuộc hoàn toàn vào các cơ sở sản xuất giống của Trung ương và các tỉnh ngoài. Do vậy, người chăn nuôi phải chịu thêm chi phí vận chuyển, hơn nữa việc quản lý chất lượng con giống và dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Với đàn gia súc, gia cầm như hiện nay, lượng thức ăn công nghiệp toàn tỉnh cần từ 20-30 nghìn tấn/tháng. Trong khi trên địa bàn tỉnh hiện có một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi đang hoạt động là Cty CP Vina HTC với sản lượng 10 nghìn tấn/năm (100% nguyên liệu sản xuất của nhà máy đều nhập khẩu và mua từ tỉnh ngoài) nên hằng năm, tỉnh vẫn phải nhập lượng thức ăn rất lớn. Không chỉ vậy, người chăn nuôi hiện nay chủ yếu chăn nuôi theo hình thức tự phát việc tiêu thụ qua thương lái nên phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Cách làm này đang bộc lộ nhiều yếu kém trong nền kinh tế thị trường với nhiều “bài học xương máu” từng xảy ra cho người chăn nuôi. Mới nhất là từ cuối năm 2016 đến nay, giá thịt lợn liên tục giảm, có thời điểm “chạm đáy” xuống dưới 20 nghìn đồng/kg đã khiến nhiều hộ chăn nuôi lao đao. Gia đình anh Phạm Văn Long là một trong những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn nhất tại Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh), đỉnh điểm lên đến khoảng 200 con thịt và 50 con nái. Anh có hai hệ thống chuồng trại khép kín trang bị hệ thống dàn lạnh, hút gió, đồng thời có xử lý chất thải bằng hầm biogas. Ðầu tư quy mô là thế, nhưng khi hỏi về “đầu ra”, anh Long cho biết, gia đình anh cũng chủ yếu bán qua các thương lái tự do và không hoàn toàn quyết định được giá bán. Do đó, nếu giá thị trường ổn định thì có lãi, còn giá xuống thấp cũng đành chịu. Việc tự tìm kiếm hợp tác với các doanh nghiệp dường như quá khó đối với mô hình chăn nuôi nông hộ. Anh Long cho biết: Với giá lợn đang thấp “kỷ lục” như hiện nay thì ai nuôi lợn cũng bị lỗ. Người nuôi ít lỗ ít, nuôi nhiều như anh Long thì lỗ “đậm”, thậm chí thương lái còn không mua. Bên cạnh đó, chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán trong nông hộ đang chiếm tỷ lệ cao là cản trở không nhỏ để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Chăn nuôi trang trại được xác định là giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đến nay bộ phận sản xuất này phát triển chậm, quy mô nhỏ, công nghệ thiếu đồng bộ, trình độ quản lý thấp. Ðất đai và vốn là những điều kiện không thể thiếu được để phát triển sản xuất, tuy nhiên đất dành cho chăn nuôi hiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong đất dùng cho sản xuất nông nghiệp. Người chăn nuôi chủ yếu là nông dân, có thu nhập và tích luỹ kinh tế ở mức thấp. Ðể đầu tư xây dựng trang trại, tối thiểu cần trên 300 triệu đồng, nhưng việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn, số hộ được vay không nhiều, số lượng vay ít, thời gian vay ngắn (mỗi hộ thường chỉ vay được 30-50 triệu đồng). Chính quy mô, phương thức chăn nuôi lạc hậu đó dẫn đến một khó khăn nữa là vấn đề dịch bệnh. Ðồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) cho biết: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng chúng ta vẫn chưa chủ động kiểm soát được các loại dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi. Trong 5 năm từ 2011-2016, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 79 hộ chăn nuôi thuộc 7 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy với tổng số gia cầm bị tiêu hủy trên 47 nghìn con. Dịch lở mồm long móng ở trâu, bò xảy ra tại 69 hộ chăn nuôi của 8 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Giao Thủy, Trực Ninh, Nam Trực, Xuân Trường với tổng số gia súc mắc bệnh là 413 con, gia súc tiêu hủy là 92 con. Dịch lợn tai xanh xảy ra tại 3.464 hộ chăn nuôi thuộc 4 huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu, Ý Yên với tổng số lợn bị tiêu hủy là 10.306 con, trọng lượng tiêu hủy gần 200 tấn. Ðiều này đã gây tâm lý bất ổn cho người chăn nuôi và người tiêu dùng thực phẩm, ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển ngành chăn nuôi.

Nguyên nhân của những khó khăn, bất cập trong phát triển chăn nuôi được ngành NN và PTNT chỉ ra cụ thể. Ðó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong tỉnh đối với chăn nuôi trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Hầu như việc phát triển chăn nuôi là do người dân tự tìm hiểu, đầu tư. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác chỉ đạo phát triển chăn nuôi, công tác tiêm phòng chỉ đạo chưa quyết liệt, có nơi còn buông lỏng do vậy tỷ lệ tiêm phòng nhiều năm qua luôn ở mức thấp, đây cũng là nguyên nhân chính làm dịch bệnh liên tục xảy ra. Việc thông tin, tuyên truyền về thị trường chăn nuôi chưa được chú trọng và có hiệu quả như các ngành hàng nông sản khác; đội ngũ cán bộ còn thiếu, chưa được đào tạo nghiệp vụ quản lý, nhất là ở cấp huyện và cấp xã. Thậm chí hiện nay ở một số Phòng NN và PTNT huyện còn chưa có cán bộ kỹ thuật chuyên ngành để tham mưu cho chính quyền về công tác quản lý Nhà nước và chỉ đạo phát triển chăn nuôi như ở Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng. Bên cạnh đó, đầu tư cho phát triển chăn nuôi còn ở mức khiêm tốn, đóng góp hằng năm cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh cơ bản là do nguồn lực của người chăn nuôi; chưa có cơ chế chính sách khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi trang trại, do vậy mặc dù đã có mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao nhưng chưa nhân rộng ra ở những địa phương có điều kiện. Sản xuất chăn nuôi nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung luôn gặp rủi ro cao do yếu tố dịch bệnh, thị trường, thiên tai bão lũ, do vậy các ngân hàng (cũng là những doanh nghiệp) thường “ngại cho vay” và các doanh nghiệp thì không muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Xã Hoàng Nam là một trong những địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất của huyện Nghĩa Hưng. Tuy nhiên theo đồng chí Trần Duy Nhiệm, Chủ tịch UBND xã cho biết, hầu hết các trang trại, gia trại trên địa bàn xã phát triển chưa theo quy hoạch. Không chỉ riêng với xã Hoàng Nam, theo số liệu thống kê từ quy hoạch nông thôn mới của các xã, thị trấn có trên 2.500ha đất quy hoạch dành cho chăn nuôi, tuy nhiên hầu hết các khu quy hoạch này chưa được sử dụng. Các hộ nông dân vẫn đang dùng đất thổ cư để sản xuất là chủ yếu, vì vậy chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá phổ biến, gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh, quản lý môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giá nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi cao; giá sản phẩm chăn nuôi biến động lớn; trình độ quản lý và trình độ thâm canh chăn nuôi của các chủ hộ chăn nuôi còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ quản lý kinh tế nên việc điều hành, tổ chức sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Mặt khác, do thiếu vốn nên đầu tư công nghệ chăn nuôi chưa đồng bộ, vì vậy năng suất thấp, giá thành cao đã làm giảm hiệu quả sản xuất của các hộ chăn nuôi, khiến nền chăn nuôi của tỉnh thiếu bền vững…

(còn nữa)
Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com