Nghề trống "3 trong 1" ở Tống Xá

05:06, 02/06/2017

Nhắc đến thôn Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên), ai cũng nghĩ đến làng nghề đúc đồng truyền thống có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước với lịch sử hình thành và phát triển mấy trăm năm. Nhưng ít ai biết rằng nơi đây còn có một dòng họ Nguyễn Văn chuyên làm trống da trâu. Và theo người làm nghề, thợ làm trống là thợ “3 trong 1”…

Cơ sở sản xuất trống da của ông Nguyễn Văn Thiện, thôn Tống Xá, xã Yên Xá mỗi tháng sản xuất được từ 500-700 trống da các loại.
Cơ sở sản xuất trống da của ông Nguyễn Văn Thiện, thôn Tống Xá, xã Yên Xá mỗi tháng sản xuất được từ 500-700 trống da các loại.

Các cụ cao niên trong nghề Nguyễn Văn Mọc, Nguyễn Văn Thiện cho biết: Nghề làm trống da trâu do hai cụ tổ nghề (cũng là tổ họ) Nguyễn Văn Cường (tự Phúc Cường) và Nguyễn Văn Nhân (tự Thanh Nhàn). Hai cụ vốn là người xã Yên Thắng sau chuyển về Tống Xá “an cư lạc nghiệp”, dạy và truyền nghề cho con cháu. Đến nay, nghề làm trống họ Nguyễn Văn làng Tống Xá đã trải qua 14 đời với gần 300 năm. Nằm trong vùng trũng xưa kia “chiêm khê mùa thối” nên nghề làm trống đã trở thành kế sinh nhai chính nuôi dưỡng hàng chục thế hệ người họ Nguyễn Văn, làng Tống Xá. Để tưởng nhớ ông tổ nghề trống cũng như tổ họ, người dân đã xây dựng từ đường để thờ cúng, lấy ngày 10-3 âm lịch là ngày giỗ tổ. Nguyên liệu chính để làm trống gồm 3 loại: gỗ (để làm tang), da trâu (để bưng mặt trống) và tre (để làm đinh cố định da vào tang và xoắn đai). Gỗ làm tang trống phải là loại gỗ mít già, dễ xẻ, lại không co ngót vì thời tiết và thời gian sử dụng. Các loại gỗ khác cũng làm được tang trống nhưng thường bị co ngót khiến mặt trống bị chùng, ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Da trâu phải già, được nạo sạch mặt, sau đó căng, phơi rồi sấy trước khi cắt tạo hình mặt trống, làm kỹ như vậy mặt trống mới dai, không mục, mủn. Còn tre thì được dùng để làm đai trống và đinh. Đai trống thường được chẻ từ tre tươi, gồm 4 sợi “áo” (nhỏ) và 1 sợi “cốt” (to) xoắn lại thành dây vừa có tác dụng cố định các mảnh tang trống vừa trang trí. Trống ở Tống Xá được làm theo đơn đặt hàng của khách với đa dạng chủng loại như: trống con, trống ếch (làm đồ chơi cho trẻ); trống chèo, trống ban (phục vụ biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: hát chèo, hát văn); trống đình, trống chùa, trống lễ (dùng trong các lễ hội; hoạt động tôn giáo); trống đại... với đường kính mặt trống từ 10-12cm đến 2,25m; cao từ 12cm đến 2,7-3m. Sở dĩ người Tống Xá gọi nghề làm trống là nghề “3 trong 1” vì cả 3 công đoạn của nghề đều quan trọng, cần có sự kiên trì tuyệt đối. Bất cứ sự lơ là trong một công đoạn nào đều sẽ dẫn đến sự không như ý đối với chất lượng tiếng trống. Công đoạn xử lý gỗ, làm tang trống yêu cầu những kỹ thuật cao nhất của nghề thợ mộc như: xẻ, bào, khoan, làm nhẵn... Gỗ làm tang trống phải được xẻ thành từng miếng theo đúng kích thước quy định, được bào nhẵn, xếp khít với nhau thành hình trụ phình giữa, hóp hai đầu. Giữa các thanh tang không có bất cứ một chất kết dính nào nhưng khi bưng xong mặt, néo đai, thân trống khít chặt không chút khe hở, đảm bảo cho âm thanh khi đánh lên trầm hùng, vang vọng mới đạt yêu cầu. Công đoạn xử lý da và bưng trống là đặc trưng của nghề làm trống. Da làm trống phải là da trâu vừa mổ xong, còn tươi, lấy về bào nạo hết lớp màng bên trong. Công đoạn này thường do những thợ cả lành nghề đảm nhiệm bởi là khâu “bào lấy tiếng”, quyết định chất lượng âm thanh của trống. Tùy vào kinh nghiệm, bí quyết riêng và yêu cầu về âm thanh của từng loại trống mà người “bào lấy tiếng” quyết định bào dày hay mỏng. Và nhất thiết là da trâu làm mặt trống phải được bào thật đều, không bị chỗ dày, chỗ mỏng. Da quá dầy âm thanh sẽ bịch bịch, không trong vang. Da quá mỏng mặt trống nhanh thủng, trống không được bền. Da bào xong phải được căng thật phẳng, phơi 1-2 nắng cho khô, vì da tươi nên khi phơi nhất thiết phải tránh gặp nước mưa, nếu không sẽ bị thối và bục. Công đoạn căng da làm mặt trống cũng rất cầu kỳ và đòi hỏi phải cực kỳ cẩn thận. Trước hết phải dùng dây thừng cố định da và tang, sau đó dùng chày hoặc tay nện (thậm chí cả chân dận nếu là trống to) để dàn cho da “chảy” (căng) đều trên mặt trống; sau cùng mới dùng khoan để khoan mồi và vào đinh (đinh làm bằng tre đực, vót nhọn đầu). Trống đã bưng mặt và làm nhẵn, vào đai tùy theo yêu cầu của khách hàng còn phải trải qua công đoạn cuối cùng là trang trí. Nếu trống đồ chơi cho trẻ thường thì chỉ trang trí bằng dầu bóng hoặc phun PU là được, còn trống chùa thường được sơn đỏ, vẽ các loại hoa văn: mây án, rồng phượng... Nói chung, kỹ thuật mỗi công đoạn đều là tương đối, được rút ra từ kinh nghiệm làm nghề, không có một con số cụ thể nào. Để có được tiếng trống như ý phụ thuộc vào trình độ tay nghề và đôi tai thẩm âm của người làm, vì mỗi loại có yêu cầu về âm thanh khác nhau, như độ vang, rền và độ đanh. Ví dụ nếu trống trường âm thanh phải vang, rền; trống chèo lại đòi hỏi âm thanh trầm lắng hơn... Mỗi loại âm thanh của trống được tạo ra từ thao tác chính xác đến tuyệt đối của người thợ trong việc xử lý nguyên liệu, từ khâu chế tác, xếp tang (khung gỗ), đến chọn và xử lý da trâu, căng da, đóng đinh.

Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của máy móc, các công đoạn xẻ gỗ, chà nhẵn tang trống đã giúp người làm nghề bớt nhọc nhằn hơn. Nguyên liệu cũng được cung ứng ngay tại địa phương. Theo ông Mọc, trên 50 năm làm nghề thì hiện nay ở thôn Tống Xá vẫn còn 25-30 hộ làm trống, trong đó “chí thiết” với nghề thì vẫn còn hộ các ông: Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Văn Hiểu, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Lập... Theo ước tính của UBND xã Yên Xá, thu nhập của lao động làm trống tuy không cao như nghề đúc đồng nhưng cũng đạt từ 300-400 nghìn đồng/người/ngày, gấp nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp và cao hơn nhiều nghề khác. Vì thế, mặc dù bị cạnh tranh gay gắt, số hộ làm nghề ít hơn so với trước nhưng ở Tống Xá vẫn còn nhiều thế hệ; từ những người đã ở tuổi “xưa nay hiếm” đến trung niên khỏe mạnh và thanh niên trai tráng vẫn chí thú với nghề. Với lịch sử hình thành và phát triển gần 300 năm, trống da Tống Xá mang tâm huyết, tài hoa và kinh nghiệm người thợ được đúc kết, trao truyền từ đời này sang đời khác đã có thương hiệu trên thị trường, phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng trong huyện, trong tỉnh và cả nước./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com