Xuân Trường tập trung phát triển công nghiệp địa phương

08:06, 21/06/2016

6 tháng đầu năm 2016, tình hình phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện Xuân Trường tiếp tục đạt kết quả khả quan: giá trị sản xuất CN-TTCN (giá hiện hành) ước đạt 2.370 tỷ đồng, đạt 51,4% kế hoạch năm và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành công nghiệp trọng điểm, chủ lực như: cơ khí, dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm; đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy; chế biến gỗ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… tăng trưởng khá.

Sản xuất máy nông nghiệp tại Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên.
Sản xuất máy nông nghiệp tại Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên.

Để đạt được kết quả trên, huyện Xuân Trường đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển sản xuất CN-TTCN là: phát triển công nghiệp cơ khí; đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, khuyến khích phát triển các nghề: mây, tre đan, đồ sơn mài gia dụng, dệt may, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng. Các xã chưa có nghề chủ động đưa các nghề mới phù hợp với khả năng, thế mạnh phát triển về địa phương. Phòng Công thương huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ Quỹ khuyến công quốc gia kết hợp với nguồn vốn từ Đề án 1956 tập trung đào tạo các nghề: may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, sản xuất mây, tre đan... theo nhu cầu của người lao động để vừa tiết kiệm thời gian, vừa liên tục bổ túc kỹ thuật mới cho công nhân. Trên địa bàn huyện Xuân Trường đã được UBND tỉnh quyết định thành lập 4 CCN tập trung với tổng diện tích trên 52ha, trong đó riêng Thị trấn Xuân Trường có 2 CCN; còn lại là các CCN ở các xã: Xuân Tiến; Xuân Bắc. Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hoạt động của các CCN tập trung trên địa bàn huyện, Trung tâm Phát triển CCN huyện Xuân Trường đã phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát thực trạng cơ sở hạ tầng các CCN; xây dựng kế hoạch, lộ trình tham mưu với UBND huyện quản lý quy hoạch chi tiết CCN đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức huy động, tiếp nhận, sử dụng các nguồn vốn đầu tư để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết CCN đã được phê duyệt; lập dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung cho các CCN. Đến nay, các CCN của huyện Xuân Trường đã thu hút được 53 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với đa dạng ngành nghề. Ngoài ra trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, huyện Xuân Trường còn quy hoạch và phát triển được hệ thống 14 điểm công nghiệp nông thôn với tổng diện tích 112ha. Cũng trong năm 2015, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương để huyện Xuân Trường lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư vào Khu sản xuất công nghiệp - thương mại - dịch vụ chân cầu Lạc Quần với tổng diện tích gần 52ha. Với hệ thống các CCN, điểm công nghiệp và nhiều làng nghề truyền thống cùng với sự tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, thủ tục hành chính và hỗ trợ đào tạo nghề, sản xuất CN-TTCN của huyện những tháng đầu năm đã đạt nhiều kết quả tích cực. Công nghiệp cơ khí - chế tạo máy và phụ tùng ở các CCN Xuân Tiến và các làng nghề Xuân Tiến, Xuân Kiên vẫn được duy trì ổn định. Công nghiệp đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy có sự phục hồi và phát triển mạnh với các dự án đóng tàu cá xa bờ theo Nghị định 67. Đến nay các doanh nghiệp đóng tàu này đã hoàn thành hàng chục hợp đồng đóng mới tàu cá vỏ thép bàn giao cho ngư dân và hoàn thành nhiều hợp đồng đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải thủy, tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động. Công nghiệp dệt may - da giầy ngoài các doanh nghiệp đã sản xuất ổn định trong các CCN như: Cty CP May Sông Hồng, Cty CP May Nam Định… trong năm 2016, huyện Xuân Trường đã thu hút thêm được 1 dự án đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp tại xã Xuân Trung với tổng mức đầu tư trên 328,3 tỷ đồng (tương đương với 15 triệu USD).

Để phát triển sản xuất CN-TTCN bền vững, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện theo hướng CNH-HĐH trong năm 2016 và các năm tiếp theo, huyện Xuân Trường chỉ đạo các ngành chức năng tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy CN-TTCN trên địa bàn huyện. Trong đó, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, phát triển lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, từng bước hình thành các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, quy trình công nghệ tiên tiến trong các làng nghề cũng như ngoài làng nghề, ban hành các cơ chế chính sách để thu hút khuyến khích đầu tư vào địa phương, trong đó hỗ trợ một phần cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, dạy nghề, du nhập nghề mới bằng nguồn ngân sách của huyện; sử dụng hiệu quả quỹ khuyến công, khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề sản xuất, cải tiến công nghệ mới; tạo điều kiện, ưu tiên giao đất và miễn thuế đất cho các doanh nghiệp về đầu tư sản xuất tại các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện.  Giao Phòng Công thương tích cực hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn địa điểm, ngành nghề, vùng nguyên liệu, thị trường… xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trên cơ sở đăng ký của các xã, thị trấn, Phòng Công thương phối hợp với Trung tâm Khuyến công quốc gia Khu vực I (Bộ Công thương), Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), Trung tâm Dạy nghề huyện hỗ trợ dạy nghề, truyền nghề, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất làng nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các làng nghề quảng bá hình ảnh, tiêu thụ sản phẩm góp phần ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở sản xuất trong các làng nghề thủ tục thuê, chuyển nhượng mặt bằng, biện pháp bảo vệ môi trường. Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện và các Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH… tham mưu với UBND huyện ban hành cơ chế chính sách tài chính hỗ trợ các xã, thị trấn về xây dựng làng nghề, phát triển nghề mới theo quy định của Nhà nước, tạo điều kiện về nguồn vốn cho các cơ sở, hộ gia đình trong các làng nghề được vay để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với những giải pháp và cơ chế đồng bộ trên, huyện Xuân Trường phấn đấu đạt mục tiêu: đến năm 2020 nâng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN, xây dựng chiếm 58% cơ cấu kinh tế của huyện; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN bình quân 16%/năm; giá trị sản xuất bình quân đạt 4.052 tỷ đồng/năm, đến năm 2020 đạt 5.060 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010). Giá trị hàng hoá xuất khẩu quy đổi đến năm 2020 đạt 37,2 triệu USD. Thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn hằng năm vượt 5% trở lên so với dự toán tỉnh giao./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com