Phát triển công nghiệp chế biến ở Giao Thủy cần "cú hích" mạnh

07:06, 16/06/2016
Tiềm năng thiên nhiên cho phát triển kinh tế biển của huyện Giao Thuỷ khá phong phú với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều; sản lượng lương thực hằng năm đạt gần 90 nghìn tấn; sản lượng thủy, hải sản khai thác năm 2015 đạt 39 nghìn tấn và hàng trăm tấn rau quả; muối… Đó là những cơ sở để huyện Giao Thủy xác định trong giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung các biện pháp đồng bộ để kích cầu và thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến thành ngành công nghiệp trọng điểm, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện. 
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở Hải Mạnh, xã Hoành Sơn.
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở Hải Mạnh, xã Hoành Sơn.
Công nghiệp chế biến của huyện Giao Thủy đa dạng ở các lĩnh vực chính như: chế biến thủy, hải sản; sản xuất thức ăn chăn nuôi; chế biến rau quả; sản xuất và chế biến muối; chế biến gỗ… Cùng với việc đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt, nghề chế biến hải sản của huyện đang được duy trì và phát triển trong các hộ dân, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô, sứa mặn, sứa ăn liền tập trung ở các xã Giao Châu, Giao Yến, Giao Hải, Giao Thiện... với các quy mô doanh nghiệp, tổ hợp và hộ gia đình. Một số sản phẩm đã đăng ký bản quyền thương hiệu như nước mắm Giao Châu, các sản phẩm của Cty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương… Nằm ở cuối huyện Giao Thủy, xã Bạch Long độc canh diêm nghiệp với diện tích đồng muối rộng trên 230ha. Trong giai đoạn 2010-2015 ngoài phát triển công nghiệp sản xuất và chế biến muối ngày càng sâu, xã Bạch Long đã hình thành và phát triển thêm một số ngành nghề sản xuất con giống và chế biến thủy sản, may công nghiệp. Trên địa bàn xã có 5 Cty chế biến muối, mỗi Cty tạo việc làm cho 15-20 lao động thường xuyên với các sản phẩm chính là các loại muối, bột canh i-ốt, muối công nghiệp… Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm đã đầu tư trên 15 tỷ đồng xây dựng một xưởng chế biến muối rộng trên 1.000m 2 gồm 2 dây chuyền sản xuất muối tinh công suất 22 nghìn tấn/năm (4 tấn/giờ) và chế biến muối tinh sấy công suất 10 nghìn tấn/năm (3 tấn/giờ). Các dây chuyền chế biến muối của doanh nghiệp đã sản xuất ổn định với sản lượng xấp xỉ gần 1.000 tấn sản phẩm (muối tinh, muối sạch, muối sấy, muối i-ốt) mỗi năm cung cấp cho thị trường các tỉnh và thành phố lớn như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương... Sản phẩm muối sạch của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014. Bên cạnh các thế mạnh về chế biến muối, chế biến thủy, hải sản, từ năm 2014 đến nay huyện Giao Thủy còn phát triển mạnh sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi và chế biến gỗ. Hai dây chuyền sản xuất bột cá (làm nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi) của Cty CP Thủy hải sản Biển Đông có tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng, công suất 3.000 tấn bột cá/năm. Để đảm bảo phục vụ sản xuất, Cty đã đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ như: trạm biến áp công suất 100kVA, hệ thống lò hơi công suất 3.000 tấn hơi/giờ; cải tạo hệ thống cầu cảng dài 20m (để tàu thuyền tải trọng đến 20 tấn có thể cập cảng); 1 cần cẩu công suất nâng 6 tấn. Với quy trình sản xuất khép kín, tự động từ khâu cấp nguyên liệu, sấy - nghiền (ở nhiệt độ từ 150-180 độ C), sàng (lọc các tạp chất như: sắt, đá, xương…), bột cá thành phẩm được làm nguội tự nhiên bằng hệ thống quạt hút hơi nóng rồi mới đóng bao. Mỗi ca sản xuất (8 tiếng) sử dụng 20 tấn cá nguyên liệu, sản xuất được từ 5-5,5 tấn bột cá. Tổng giá trị sản xuất thủy sản 5 năm (2010-2015) của huyện đạt khoảng 784 tỷ đồng (trong đó: nuôi trồng đạt hơn 523 tỷ đồng, khai thác đạt gần 235 tỷ đồng), tăng 1,75 lần so với giai đoạn trước. Hiện trên địa bàn huyện có 43 cơ sở sản xuất giống thủy sản, tập trung vào các đối tượng nuôi: tôm sú, ngao, hàu, tu hài, cua biển, cá bống bớp… Với hệ thống sản xuất con giống đa loài, Giao Thủy trở thành địa phương sản xuất con giống thủy, hải sản mạnh nhất tỉnh, riêng giống ngao lớn nhất miền Bắc, không chỉ giúp huyện chủ động nguồn giống, đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi tại địa phương mà còn cung ứng giống cho các hộ trong và ngoài tỉnh. Trong đó, các sản phẩm “Ngao Giao Thủy”, “Chả cá Hùng Vương” đã đạt giải thưởng “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam” năm 2014; sản phẩm “Nước mắm cao đạm Sa Châu” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp giấy chứng nhận bản quyền ngon nổi tiếng, được tiêu thụ trong cả nước… Trong lĩnh vực chế biến gỗ, ngoài 3 doanh nghiệp sản xuất lớn với quy mô hàng trăm lao động, trên địa bàn huyện Giao Thủy có nhiều địa phương đã phát triển mạnh nghề mộc mỹ nghệ, dân dụng như: Thị trấn Ngô Đồng, Thị trấn Quất Lâm và các xã: Giao Tiến, Hoành Sơn… 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn nhất đối với ngành công nghiệp chế biến của Giao Thủy là nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, phân bố rải rác, công nghệ sản xuất còn hạn chế nên khối lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Để hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến thành ngành chủ lực, mũi nhọn, huyện Giao Thủy chủ trương từ nay đến năm 2020 phát huy thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ để phát triển mạnh các lĩnh vực: chế biến lương thực - thủy sản; chế biến gỗ; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục, tăng cường thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào các CCN tập trung để có điều kiện mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thu hút lao động; trong đó phải thu hút được nhà đầu tư lớn có thể đóng vai trò đầu tàu, có sức lan tỏa và tác động xã hội  rộng để kích thích phát triển nhiều ngành và lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ liên quan. Tập trung phát triển mạnh các lĩnh vực của công nghiệp chế biến như: chế biến thủy sản, nông sản; chế biến muối; tiếp tục khuyến khích, phát triển thêm lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. Phát triển ngành công nghiệp chế biến của huyện theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2016-2020 đạt 25%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 13%; phát triển sản xuất CN-TTCN trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm 24,8% cơ cấu kinh tế toàn huyện vào năm 2020./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com