Kiểm soát chặt chẽ đàn vịt thả đồng phòng ngừa dịch cúm gia cầm

08:06, 20/06/2016
Với diện tích đất trồng lúa lớn là điều kiện thuận lợi để nghề nuôi vịt thả đồng (vịt vụ) phát triển nhờ tận dụng thóc rơi vãi sau thu hoạch và nguồn thức ăn sẵn có trong đồng như: cua, ốc, cá... Nuôi bằng cách này giúp vịt nhanh lớn lại tiết kiệm tiền thức ăn, chất lượng thịt vịt ngon, đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, nuôi vịt thả đồng cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Đàn vịt của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, xóm 9, xã Nam Toàn (Nam Trực) luôn được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin và thực hiện phun khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại.
Đàn vịt của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, xóm 9, xã Nam Toàn (Nam Trực) luôn được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin và thực hiện phun khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh bắt đầu bước vào vụ gặt. Đón trước dịp này, nhiều hộ chăn nuôi tăng cường nhập vịt giống làm tổng đàn vịt tăng đột biến. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), hiện toàn tỉnh đã nhập mới 557.300 con vịt, đưa tổng đàn vịt của tỉnh lên trên 2 triệu con. Tại một số cánh đồng lúa đã thu hoạch, vịt được thả trắng các chân ruộng theo từng đàn với số lượng lớn. Anh Nguyễn Văn Kiên, xóm 9, xã Nam Toàn (Nam Trực) có 7 năm kinh nghiệm nuôi vịt thả đồng cho biết: Hằng năm, trong 2 vụ xuân và mùa, khi lúa bắt đầu trỗ bông là gia đình tôi mua vịt giống về nuôi tập trung trong vườn, đến khi bà con trong xã thu hoạch lúa xong, tôi thả đàn vịt ra đồng tìm thức ăn. Vài ngày sau, khi nguồn thức ăn tại chỗ hết, tôi lại lùa đàn vịt đi nơi khác. Hầu hết các hộ chăn nuôi vịt ở các địa phương đều tranh thủ tăng đàn trong mùa gặt bởi lợi nhuận từ nuôi vịt thả đồng mang lại tương đối cao. Theo tính toán của anh Kiên, nếu nuôi nhốt thì mỗi ngày 1 con vịt thịt sẽ tiêu tốn từ 5.000-7.000 đồng tiền thức ăn; nuôi thả đồng, vịt không những lớn nhanh mà đỡ tốn thức ăn, chỉ mất công chăn thả. Mỗi con vịt thả đồng từ 50-60 ngày đạt trọng lượng từ 1,8-2kg. Với giá bán hiện tại từ 35-40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cho lãi từ 30-50 nghìn đồng/con. Được phổ biến kiến thức về đảm bảo an toàn dịch bệnh nên từ nhiều năm nay, mỗi khi nhập đàn về anh Kiên luôn chủ động tiêm phòng đầy đủ cho đàn vịt nhà mình. Mỗi vụ vịt, gia đình anh Kiên nuôi 800 con, lãi 25-30 triệu đồng. Hiệu quả từ chăn nuôi vịt thả đồng đã được khẳng định, bản thân người chăn nuôi cũng đã nâng cao nhận thức về chăn nuôi an toàn tuy nhiên việc nuôi vịt thả đồng cũng tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn về dịch bệnh. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Do phải nhập giống ồ ạt để nuôi vịt vụ nên nhiều khi nguồn gốc vịt giống thường không rõ ràng. Nhiều người nuôi chỉ tận dụng tối đa thức ăn tự nhiên, nếu chăm sóc nuôi dưỡng không tốt, không bổ sung thức ăn thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến đề kháng của vịt. Bên cạnh đó, do chăn thả tự do, không có chuồng trại nên rất khó thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng… do vậy, nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ chất thải của đàn vịt thả đồng tương đối cao. Từ năm 2010 trở lại đây, năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra dịch cúm gia cầm trong đó đỉnh điểm là năm 2012, dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra trên diện rộng ở 68 hộ chăn nuôi thuộc 44 xóm của 27 xã tại 7 huyện với tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 35.175 con (33.100 vịt, 1.256 gà, 819 ngan). Năm 2015, dịch cúm H5N6 (chủng vi-rút cúm lần đầu tiên xuất hiện tại Nam Định) xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi ở xã Hiển Khánh (Vụ Bản) và Trực Phú (Trực Ninh). Trước tình hình dịch bệnh trên gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi-rút gây bệnh cúm xuất hiện thêm nhiều nhánh, chủng mới, ngành Chăn nuôi và Thú y, người chăn nuôi trong tỉnh cần phải tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, nhất là trong mùa vịt thả đồng. Trong vụ vịt xuân năm nay, các hộ chăn nuôi ở Hải Hậu đã nhập thêm 40 nghìn con vịt. Đồng chí Nguyễn Kim Mạnh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Công tác giám sát, kiểm soát đàn vịt trong thời điểm này là hết sức quan trọng. Do vậy, các xã, thị trấn đã phối hợp tốt với ngành chức năng kiểm soát nguồn gốc vịt giống và công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vịt nên nguy cơ xuất hiện dịch trên địa bàn huyện được hạn chế đến mức thấp nhất. Ngoài ra, để công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả cao, các cấp, ngành trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ nuôi tiêm đầy đủ vắc-xin cho đàn gia cầm của mình; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y; tuyên truyền về tình hình dịch cúm; nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên đàn vật nuôi và lây lan sang người... Nhờ được tuyên truyền thường xuyên nên nhiều hộ chăn nuôi đã ý thức được mức độ nguy hiểm và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngót chục năm nuôi vịt thả đồng, ông Nguyễn Văn Trung, xóm 14, xã Hải Quang (Hải Hậu) cho biết: Nghề nuôi vịt nhiều rủi ro nhưng bù lại nếu chăm sóc chu đáo, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi và tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ thì hiệu quả kinh tế khá cao. Ông nuôi vịt quanh năm, bình thường nuôi 400 con vịt đẻ, tuy nhiên vào vụ gặt thì ông tăng đàn lên trên 2.000 con. Ông Trung chia sẻ: Tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vệ sinh phòng dịch. Tôi thường lấy giống từ các trại giống có uy tín và khai báo đầy đủ với thú y xã khi nhập đàn về. Tôi rất chú trọng vệ sinh môi trường chăn nuôi; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn vịt, bổ sung các loại vitamin nhất là vitamin C, khoáng chất khi thời tiết nắng nóng. Đặc biệt tôi luôn chủ động tiêm đầy đủ các loại vắc-xin như: dịch tả, H5N1… nên đàn vịt nhà tôi thường rất khoẻ, chưa năm nào bị mắc bệnh. Thực tế cho thấy nhiều năm nay huyện Hải Hậu chưa để xảy ra dịch cúm gia cầm. 
 
Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn không để dịch cúm gia cầm phát sinh, lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương cũng như sức khỏe nhân dân, các địa phương, các ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo chính quyền các xã đôn đốc trưởng thôn, xóm, mạng lưới thú y xã giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận từng hộ chăn nuôi. Kiểm tra, rà soát nắm chắc tình hình chăn nuôi, tổng đàn gia cầm, tình hình dịch bệnh, nhất là những đàn vịt thịt trên địa bàn; vận động các tổ chức đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia cầm, nhất là các hộ nuôi vịt, phải chủ động mua vắc-xin cúm A H5N1 chủng Re-6, vắc-xin cúm A H5N6 Navet Fluvac để tiêm cho đàn gia cầm. Trong khâu nhập con giống về nuôi, các hộ cần chọn mua những con vịt giống có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Các hộ chăn nuôi vịt thả đồng nên có chuồng trại che nắng, che mưa cho vịt ngoài khu đồng, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi. Phải tự giác khai báo ngay cho cơ quan thú y khi gia cầm có hiện tượng ốm chết hàng loạt; không sử dụng sản phẩm gia cầm mắc bệnh; không vứt xác gia cầm chết ra môi trường./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com