Hải Sơn đi lên từ sinh vật cảnh

06:06, 18/06/2016
Phong trào Sinh vật cảnh (SVC) ở xã Hải Sơn (Hải Hậu) thời gian qua được duy trì, phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, xây dựng NTM. Doanh thu từ hoa, cây cảnh của xã mỗi năm đạt từ 8-10 tỷ đồng, trở thành đơn vị dẫn đầu phong trào SVC của huyện.
 
Toàn xã hiện có hơn 1.000/2.800 hộ gia đình trồng hoa, cây cảnh; có 5 làng nghề được UBND huyện công nhận làng nghề SVC là: Năm Sơn, Đông Thành, Trần Phú, Hưng Thịnh và Nam Bình. Thực hiện Chỉ thị 01-CT/HU ngày 28-12-2010 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Hải Hậu về phát triển SVC thành một ngành kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn thị trường SVC khó khăn để tìm hướng đi lên, phong trào SVC xã tập trung theo các hướng: trồng hoa và cây cảnh nghệ thuật, trọng tâm là chuyển cây phôi sang cây hoàn thiện để bán. Tổng diện tích trồng hoa cây cảnh của xã hiện tại là 66,5ha, trong đó ngoài diện tích chủ yếu là trồng sanh, toàn xã có gần 40 gia đình trồng địa lan, mỗi vườn từ 50-60 chậu; khoảng 20 hộ trồng quất cảnh; gần chục hộ trồng hoa cúc, trồng đào… Phong trào sinh vật cảnh ở xã Hải Sơn ngày càng phát triển, luôn đứng đầu huyện cả về số lượng và chất lượng cây cảnh. Trong sự phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã Hải Sơn có sự đóng góp không nhỏ của Hội SVC xã. Từ năm 1995, Hội SVC xã đã được thành lập, là nơi các hội viên học hỏi, trao đổi kỹ thuật kinh nghiệm tỉa cây, uốn thế và hỗ trợ nhau trong việc chuyển đổi, mua bán cây cảnh. Đến nay, Hội SVC xã có 11 chi hội ở 11 xóm với 334 hội viên. Hội SVC xã đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên nâng cao tay nghề, tạo ra những tác phẩm có giá trị cao và phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh ra toàn xã. Từ năm 2014 Hội SVC xã đã thành lập CLB cây cảnh nghệ thuật bon-sai với 43 hội viên. Các hội viên CLB đã tích cực triển khai việc trồng, phát triển cây bon sai, đưa các tác phẩm tham dự các triển lãm, trưng bày SVC trong và ngoài tỉnh để quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra sản phẩm. Các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật dưới bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của những người dân trong xã tham dự các cuộc trưng bày, triển lãm như Festival SVC Ninh Bình, trưng bày SVC chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX năm 2015, Festival SVC Thủ đô Hà Nội lần thứ I năm 2016... đã tạo ấn tượng và được khách hàng mua khá nhiều. Công tác đào tạo nghề, truyền nghề được Hội SVC quan tâm. Cả 5 làng nghề SVC đều duy trì các tổ nghề gồm những người có tay nghề cao làm dịch vụ cắt tỉa, uốn cây cảnh và tổ chức truyền nghề cho các hội viên. Năm 2015, Hội SVC xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở lớp dạy nghề chăm sóc, cắt, uốn cây cảnh cho trên 50 hội viên, giúp họ nâng cao tay nghề, thay đổi nếp nghĩ, tìm cách làm mới phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Hội viên Hội SVC xã Hải Sơn trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh.
Hội viên Hội SVC xã Hải Sơn trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh.
Ông Nguyễn Văn Thơ, Chủ tịch Hội SVC xã Hải Sơn cho biết: Nhờ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND xã và sự hưởng ứng của nhân dân, hiện nay phong trào SVC xã tiếp tục được duy trì phát triển. Năm 2015, tổng doanh thu từ mua bán SVC của xã đạt gần 8 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán địa lan là 300 triệu đồng, doanh thu từ bán quất cảnh 400 triệu đồng. Nhiều xóm có doanh thu cao như làng nghề Đông Thành đạt 2,8 tỷ đồng, làng nghề Hưng Thịnh đạt 900 triệu đồng, làng nghề Năm Sơn đạt 1 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu bán hoa, cây cảnh của xã đạt gần 3 tỷ đồng. Nhiều gia đình nhờ trồng hoa, cây cảnh có cuộc sống khá giả, sung túc, lo cho con cái học hành. Anh Trần Văn Trung ở làng nghề Đông Thành từng bôn ba làm ăn xa để kiếm sống. Sau một lần về quê, thấy thị trường cây cảnh nhiều tiềm năng, anh đã dồn tâm sức cho nghề chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh, lập trang web giới thiệu sản phẩm để tiêu thụ. Thời cây cảnh có giá, mỗi năm anh thu về khoảng 3-4 tỷ đồng. Hiện anh sở hữu hơn 7ha cây cảnh với hàng nghìn cây cảnh hoàn thiện, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động. Đến với cây cảnh ban đầu như một thú vui thư giãn sau những giờ lao động vất vả, đến nay anh Vũ Văn Tuynh ở làng nghề Năm Sơn sở hữu hàng nghìn cây cảnh có giá trị, mỗi năm có doanh thu khoảng 700 triệu đồng từ bán cây cảnh. Gia đình anh Đỗ Văn Trung và chị Vũ Thị Hương ở làng nghề Đông Thành hiện sở hữu gần 1ha với hàng nghìn cây cảnh ký đá với doanh thu mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng; ông Nguyễn Tuấn Phong ở xóm 4 doanh thu trên 100 triệu đồng… Một số hộ gia đình nhanh nhạy vừa phát triển cây cảnh nghệ thuật kết hợp với trồng lan, trồng quất, trồng hoa cũng cho thu nhập cao. Ông Đỗ Quốc Việt ở làng nghề Trần Phú nguyên là cán bộ Phòng GD và ĐT huyện Hải Hậu. Sau khi nghỉ hưu, ông có điều kiện phát triển mạnh việc chăm sóc cây cảnh và trồng lan. Hiện ông có 4 vườn cây cảnh, tổng diện tích trên 1ha với trên 100 chậu cây hoàn thiện và trên 100 chậu địa lan với các giống lan quý như hoàng vũ, thanh ngọc, đại hoàng… Chỉ tính riêng doanh thu bán địa lan vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm của ông Việt thu về khoảng 200 triệu đồng, giúp ông có cuộc sống sung túc. Các ông Trần Văn Biểu, Hoàng Văn Lương ở làng nghề Năm Sơn đầu tư trồng quất, ông Nguyễn Văn Chung ở xóm 3 trồng cây ăn quả, ông Nguyễn Văn Tuận ở xóm 2 đầu tư trồng hoa cúc từ nhiều năm nay cũng có thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa…
 
Thời gian tới, Hội SVC xã Hải Sơn tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bổ sung những hội viên mới tích cực, nhiệt tình. Hội sẽ thành lập CLB nghệ nhân SVC và CLB địa lan xã, thu hút các nghệ nhân SVC tham gia truyền dạy nghề, giữ nghề cây cảnh nghệ thuật, làm đa dạng phong trào SVC xã. Hội cũng sẽ vận động hội viên và nhân dân trưng bày cây cảnh 2 bên bờ sông của xã; chăm sóc cây cảnh ở khuôn viên trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, nơi thờ tự; mở các lớp dạy nghề học kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh và tổ chức cho hội viên tham quan các cuộc trưng bày, triển lãm SVC trong và ngoài tỉnh. Qua đó đưa phong trào SVC xã ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng NTM./.
 
Bài và ảnh: Đức Thiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com