Phát triển thương mại dịch vụ ở thị trường nông thôn

08:06, 22/06/2016
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc. Đến nay, cả 96 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn tỉnh đã có hạ tầng thương mại phát triển theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế, các loại hình dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú của người dân mà còn kết nối thị trường sau thu hoạch, góp phần định hướng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và xóa đói giảm nghèo ở địa bàn nông thôn. 
Tuyến phố thương mại tại Thị trấn Lâm (Ý Yên) thu hút đông đảo các hộ kinh doanh buôn bán.
Tuyến phố thương mại tại Thị trấn Lâm (Ý Yên) thu hút đông đảo các hộ kinh doanh buôn bán.
Để có được thành công này, UBND tỉnh đã phê duyệt các dự án xây dựng mới quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn (TMNT); Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2025 và các cơ chế, chính sách liên quan… Đồng thời có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng chợ nông thôn như: Ưu đãi về tín dụng, huy động vốn, đất đai;... quy định cụ thể về các mô hình tổ chức TMNT cũng như các tiêu chí chợ nông thôn nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, kiện toàn mạng lưới TMNT đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa và tiêu dùng hiện đại. Theo đó, các tổ chức TMNT phải đảm bảo các hình thức kinh doanh cá nhân, hộ kinh doanh, mạng lưới kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất - chế biến, các HTX thương mại dịch vụ và mạng lưới kinh doanh theo ngành hàng với quy mô phân phối phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và mức thu nhập của nông dân và phát huy được lợi thế so sánh của từng địa phương. Chợ nông thôn phải đảm bảo diện tích tối thiểu bằng hoặc trên 3.000m 2, diện tích đất xây dựng phải bằng hoặc trên 16m 2/điểm kinh doanh và diện tích sử dụng phải bằng hoặc trên 3m 2/điểm kinh doanh. Chợ phải có đủ các công trình phụ trợ như tường rào, bể nước phòng cháy, chữa cháy, khu vệ sinh… theo đúng tiêu chí chợ NTM. Trên cơ sở quy hoạch TMNT, Sở Công thương và UBND các huyện thông báo công khai danh mục các dự án chợ được tỉnh hỗ trợ ưu tiên đầu tư xây dựng để các địa phương cân đối; thống kê, điều chỉnh theo quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại của địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đầu tư xây dựng chợ, các địa phương tập trung quy hoạch, khuyến khích nhân dân hình thành các tuyến phố thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị và đầu tư các công trình kho tàng, bến bãi để thúc đẩy giao thương buôn bán giữa các vùng miền, khắc phục sự khan hiếm hàng hóa thiết yếu, vừa tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Cách làm này đã mở ra hệ thống cung ứng hàng hóa mang tính chuyên nghiệp, ổn định, bước đầu giúp người dân nông thôn tiếp cận với phong cách mua sắm tiêu dùng hiện đại. Do đó trong 5 năm xây dựng NTM, toàn tỉnh đã huy động được nhiều thành phần tham gia đầu tư vào lĩnh vực thương mại với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, toàn tỉnh đã xây mới 9 chợ nông thôn; cải tạo, nâng cấp gần 100 chợ với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Cả 96 xã xây dựng NTM đều đã hình thành khu thương mại tập trung ở trung tâm các xã, thị trấn với hệ thống chợ, tuyến phố thương mại, khu thương mại tập trung và các công trình kho tàng, bến bãi, phương tiện vận chuyển lưu thông hàng hóa phục vụ tiêu dùng và sản xuất của nhân dân. Ngoài 96 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2010-2015, hiệu quả của việc đầu tư phát triển TMNT còn lan tỏa sang các địa phương khác. Đến nay, trên địa bàn nông thôn có 142/182 chợ (78%) đạt chuẩn NTM. Hệ thống TMNT đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và gìn giữ nét đẹp văn hóa của chợ quê. Đặc biệt từ khi tập trung kiện toàn mạng lưới chợ nông thôn, TMNT của tỉnh không chỉ đáp ứng được nhu cầu vật tư sản xuất, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống mà còn tạo ra kênh quan trọng đưa hàng Việt về nông thôn. Cân đối cung - cầu hàng hoá được bảo đảm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Thực tế, TMNT phát triển đã đóng góp 80% vào tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh. Huyện Hải Hậu là địa phương tiêu biểu đặc biệt coi trọng việc nâng cấp, cải tạo hạ tầng thương mại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và luân chuyển hàng hóa của người dân địa phương. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát toàn bộ các nội dung theo tiêu chí quốc gia về NTM, từ đó đầu tư, nâng cấp, cải tạo các hạng mục còn thiếu. Ngoài việc chú trọng đầu tư, xây mới chợ theo đúng quy hoạch, huyện đã tham khảo tư vấn của Sở Công thương, chỉ ra những hạn chế của các chợ dân sinh trên địa bàn để khắc phục, đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Đồng thời mạnh dạn đề xuất với cấp trên cho bỏ một số chợ hoạt động không hiệu quả ra khỏi quy hoạch để tập trung đầu tư, tránh dàn trải lãng phí. Đến nay toàn huyện chỉ còn lại 23 chợ nông thôn ở 35 xã, thị trấn; trong đó, có 5 chợ loại 2, 18 chợ loại 3. Cả 23 chợ trên đều được tập trung đầu tư nâng cấp trong 3 năm 2010-2013 đảm bảo diện tích, có hệ thống thoát nước, tường rào, nhà gửi xe, nhà vệ sinh… với tổng kinh phí 15 tỷ 440 triệu đồng. Huyện Nghĩa Hưng cũng là đơn vị thực hiện tốt việc đầu tư hạ tầng TMNT cũng như tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai để thu hút đầu tư phát triển thương mại dịch vụ. Hiện tại, cả 3 thị trấn của huyện đã được đầu tư các khu thương mại, dịch vụ tập trung. Trong đó, Thị trấn Liễu Đề được đầu tư 1 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm, 1 chợ dân sinh và 2 trung tâm thương mại vừa kinh doanh các mặt hàng công nghệ phẩm, vừa phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu giao thương của 9 xã khu vực trung tâm huyện, một số xã liền kề của các huyện Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản và cả huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Thị trấn Quỹ Nhất phát huy thế mạnh địa bàn trung chuyển, tiêu thụ nhóm hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau màu, cây vụ đông cho các xã miền hạ của huyện. Thị trấn Đông Bình phát huy thế mạnh dịch vụ kinh tế biển, vừa cung ứng nguyên, nhiên liệu đầu vào, vừa thu mua tiêu thụ sản phẩm từ hơn 2.000ha nuôi thủy sản mặn lợ và hàng trăm tàu đánh bắt thủy, hải sản của các xã ven biển. Hoạt động thương mại dịch vụ của huyện Nghĩa Hưng phát triển toàn diện không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục nghìn lao động mà còn thúc đẩy việc xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương như cá bống bớp, ngao, vạng, cua biển và các loại thủy, hải sản qua chế biến. 
 
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, các ngành chức năng như Sở Công thương, NN và PTNT cùng các doanh nghiệp, các HTX DVNN đã quan tâm hỗ trợ nhân dân xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư nông nghiệp cũng như triển khai các chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý thương mại cho các địa phương nên hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng hạ tầng TMNT bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lưu thông hàng hóa và thị trường nông thôn mở rộng đã tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân. Lao động hoạt động trong lĩnh vực thương mại bình quân mỗi năm tăng hàng nghìn người...
 
TMNT phát triển, phản ánh nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn ngày càng đa dạng, kết quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong những năm qua. Tuy nhiên so với tiềm năng và lợi thế, các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ còn chậm phát triển, chưa tổ chức được nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị. Đặc biệt, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng máy móc trong thực hiện, đầu tư xây dựng chợ nông thôn nhưng hiệu quả thấp do chưa phù hợp phong tục tập quán, không thuận lợi về giao thông. Kinh phí đầu tư xây dựng các công trình TMNT, nhất là chợ nông thôn, chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách địa phương mà chưa huy động được nguồn vốn xã hội hóa. Chưa có nhiều trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp tại khu vực nông thôn. Một số chợ chưa đáp ứng tốt nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, hoạt động thương mại kém sôi động. Công tác quản lý chợ, trung tâm thương mại chưa phát huy được hết tác dụng mà mới chỉ dừng lại ở việc thu phí, lệ phí… Những hạn chế trên đã dẫn đến việc chưa khai thác hết tiềm năng trao đổi hàng hóa, giao lưu thương mại và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN nông thôn phát triển cũng như tăng thu cho ngân sách theo đúng mục tiêu lâu dài mà chương trình xây dựng NTM hướng đến. Để hoàn thành mục tiêu phát triển dịch vụ thương mại nông thôn gắn với xây dựng NTM, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các sở, ban, ngành liên quan nhằm xây dựng và quản lý quy hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách về đầu tư phát triển hạ tầng TMNT phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương. Đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm được sản xuất tại nông thôn thông qua các kênh phân phối, xúc tiến thương mại cũng như kêu gọi đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại nông thôn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại của người dân, nâng cao hiệu quả liên kết “4 nhà”, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa sản xuất và kinh doanh./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com