Ngân hàng Nam Định: Tiếp nguồn sinh lực - Khơi nguồn tiềm năng

10:04, 29/04/2016

Ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Không lâu sau đó, vào tháng 7-1951 Ngân hàng Xuất khẩu Nam Ninh, tiền thân của Ngân hàng Nam Định ra đời, là một trong những ngân hàng cấp tỉnh sớm nhất của cả nước được thành lập. Hơn 50 năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng tỉnh đã đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại, Ngân hàng Nam Định được tiếp quản Nhà băng Đông Dương của Pháp để lại tại số 91, phố Trần Hưng Đạo, Thành phố Nam Định. Thời kỳ này, toàn thể cán bộ, viên chức ngành Ngân hàng tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát hành tiền mới, thu hồi tiền cũ, huy động tiết kiệm cho nông dân vay khai hoang phục hóa, làm thủy lợi… góp phần phục hồi sản xuất, đóng góp vào công cuộc “hợp tác hóa” của phong trào “3 ngọn cờ hồng” và tăng cường phát triển kinh tế quốc doanh. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ ngành Ngân hàng Nam Định không chỉ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hậu phương xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc mà còn tích cực tham gia chiến đấu ở tiền tuyến miền Nam. Năm 1968, cùng chung nhiệm vụ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhiều cán bộ ngành Ngân hàng Nam Định đã vượt núi, băng đèo vào miền Nam, vừa chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ ngân tín. Kháng chiến thành công, đất nước được hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà trong niềm vui khôn tả! Từ đây chính sách ngân hàng được thống nhất thực hiện trong toàn quốc. Tiến sĩ Đặng Huy Việt, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh có cả cuộc đời công tác gắn bó với ngành Ngân hàng kể: Sau khi non sông thu về một mối, tháng 5-1978 toàn ngành Ngân hàng thực hiện chủ trương phát hành tiền mới, thu đổi tiền cũ. Lúc đó tuy mới là sinh viên năm thứ 4, Khoa Ngân hàng của Trường Đại học Tài chính Hà Nội nhưng ông đã được trưng dụng làm cán bộ của NHNN Việt Nam vào Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ thu đổi tiền. Cuộc thu đổi tiền diễn ra nhanh chóng, bảo đảm an toàn, tạo được niềm tin trong nhân dân. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông trở lại trường làm luận văn tốt nghiệp; ra trường ông được nhận vào công tác tại NHNN Việt Nam. Sau một thời gian công tác tại NHNN Việt Nam, năm 1982 ông được điều động về công tác tại Chi nhánh NHNN tỉnh Nam Định. Những năm đầu công tác tại địa phương, trước những khó khăn của nền kinh tế đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng khi kinh tế bị khủng hoảng nghiêm trọng, sản xuất sa sút và việc lưu thông phân phối hàng hóa bị ách tắc, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, đặc biệt lạm phát “phi mã” đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngành Ngân hàng. Thời kỳ này, mọi hoạt động của ngành Ngân hàng tỉnh đều được thực hiện một cách thủ công, hằng ngày mỗi cán bộ ngân hàng như ông phải đạp xe từ 30 đến 40 cây số để làm nhiệm vụ… Những khó khăn, vất vả và cả những yêu cầu từ thực tế đã đòi hỏi ngành Ngân hàng phải đổi mới về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động. Với chủ trương đổi mới của Đảng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), thực hiện sự chỉ đạo của NHNN Việt Nam, Chi nhánh NHNN tỉnh đã thực hiện chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp, tách bạch chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đồng thời hình thành hệ thống các tổ chức tín dụng để thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, đồng thời việc quản lý quỹ ngân sách Nhà nước được chuyển sang Kho bạc Nhà nước quản lý. Sự tách biệt về chức năng, nhiệm vụ đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Ngân hàng phát huy những thế mạnh của mình để tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, của tỉnh…
Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tự hào với truyền thống, phát huy tinh thần cách mạng, toàn ngành Ngân hàng tỉnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Qua 30 năm đổi mới cùng đất nước, ngành Ngân hàng tỉnh đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Đến nay đội ngũ 1.452 cán bộ, nhân viên của ngành đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, trong đó có tới gần 85% có trình độ đại học trở lên; đội ngũ cán bộ chủ chốt của các tổ chức tín dụng, ngân hàng đều có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng không ngừng phát triển. Năm 1988 toàn tỉnh chỉ có 3 chi nhánh ngân hàng thương mại, đến nay đã có 17 tổ chức tín dụng chi nhánh cấp I, 41 quỹ tín dụng nhân dân, trên 150 máy ATM cùng hơn 500 điểm giao dịch, cung ứng các dịch vụ, tiện ích ngân hàng và hàng nghìn tổ vay vốn và tiết kiệm của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH tỉnh. Nhờ có đội ngũ cán bộ chuyên môn tinh nhuệ cùng hệ thống mạng lưới rộng khắp nên công tác huy động vốn và cấp tín dụng đối với nền kinh tế không ngừng tăng trưởng. Hết năm 2015, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt gần 30.772 tỷ đồng, tăng gấp 23,3 lần so với năm 2000; tổng dư nợ cho vay đạt 32.310 tỷ đồng, tăng gấp 25,3 lần so với năm 2000. Chất lượng tín dụng luôn được bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Nguồn vốn tín dụng đã tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần làm thay đổi diện mạo của các vùng quê trong tỉnh. Nỗ lực đồng hành trong xu hướng phát triển của toàn ngành, ngành Ngân hàng Nam Định cũng tích cực đầu tư trang thiết bị và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, vì thế đến nay hầu hết các nghiệp vụ ngân hàng đều được xử lý qua máy tính, các dịch vụ, tiện ích ngân hàng tiếp tục được mở rộng, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hội nhập sâu rộng thế giới hiện nay.
 
Trước mắt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, những nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Ngân hàng tỉnh là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm với trách nhiệm, tinh thần cách mạng tiến công để vượt qua, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành thực hiện tốt chính sách tiền tệ quốc gia và bảo đảm hoạt động ngân hàng Nam Định an toàn, phát triển bền vững./.
 
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com