Ngành Ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

08:04, 23/04/2016

Trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế trong nước nói chung, của tỉnh ta nói riêng, thời gian qua ngành Ngân hàng đã và đang tích cực thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm hỗ trợ thị trường, chương trình điều hành lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm bớt khó khăn về tài chính, giảm chi phí sản xuất, duy trì và tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Với sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại, Cty CP Dệt may Sơn Nam luôn bảo đảm ổn định và phát triển sản xuất.
Với sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại, Cty CP Dệt may Sơn Nam luôn bảo đảm ổn định và phát triển sản xuất.

Theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, hiện các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện 7 chương trình cho vay và chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm: Chương trình cho vay đối với chăn nuôi, thuỷ sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1149/TTg-KTN ngày 8-8-2012; Chương trình cho vay thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay hỗ trợ đối với nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ; Chính sách tín dụng phát triển thủy sản tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 của Chính phủ; Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 41 ngày 12-4-2010; Chương trình cho vay ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ; Chương trình cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 của Chính phủ. Kết quả, chính sách tín dụng phục vụ phát triển thuỷ sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ, đến nay trong tổng số 34 tàu đóng mới, bổ sung được UBND tỉnh phê duyệt, ngân hàng đã nhận 30 hồ sơ, ký hợp đồng cho vay 25 tàu, tổng giá trị cam kết cho vay là 372 tỷ đồng, đã giải ngân theo khối lượng thực tế là 173 tỷ đồng. 1 dự án của Cty CP Vinatex tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản) theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở có tổng nhu cầu vốn tín dụng 92 tỷ đồng, đã được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Nam Định cho vay với tổng dư nợ 41,1 tỷ đồng. Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bước đầu áp dụng đối với dự án của Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) có tổng nhu cầu vốn 75 tỷ đồng, đã được BIDV Nam Định giải ngân với dư nợ 25,7 tỷ đồng. Chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp đến nay có dư nợ 20 tỷ đồng. Chương trình cho vay đối với chăn nuôi, thuỷ sản đến nay có dư nợ 732 tỷ đồng. Việc tích cực thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng trên của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn tín dụng, mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; đồng thời các ngân hàng thương mại cũng tích cực khảo sát, tiếp cận, tìm hiểu để phân nhóm các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng, lập danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay mới hoặc gặp khó khăn trong quan hệ tín dụng cần tiếp tục được tháo gỡ, để trực tiếp tham gia các chương trình và tổ chức ký kết công khai các hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Đến nay tỉnh đã tổ chức được 4 hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trong đó có 3 hội nghị tổ chức tại Thành phố Nam Định do UBND tỉnh chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; 1 hội nghị được tổ chức tại huyện Hải Hậu do UBND huyện phối hợp với Chi nhánh NHNN tỉnh thực hiện. Các hội nghị đã thu hút khoảng 1.350 lượt doanh nghiệp tham dự. Tại các hội nghị có nhiều ý kiến được trao đổi thẳng thắn, cởi mở và thiết thực, là cơ sở để các ngân hàng nắm bắt thông tin, chia sẻ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thông qua các hội nghị đã có 127 hợp đồng tín dụng được ký kết với tổng giá trị cam kết giải ngân cho vay là 2.606 tỷ đồng. Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng mạnh dạn áp dụng các chính sách lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên hiện tại là 7%/năm. Trong đó mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở áp dụng trong năm 2014 là 6%/năm, năm 2015 là 5%/năm; mức lãi suất cho vay ngắn hạn thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ là 6,5%/năm; mức lãi suất cho vay theo Nghị định 67 và Nghị định 89, cho vay trung và dài hạn là 7%/năm chủ tàu chỉ phải trả từ 1-3%/năm, còn lại được NHNN cấp bù, cho vay ngắn hạn 6,5%/năm. Có 140 hợp đồng tín dụng cam kết cho vay mới và tăng hạn mức tín dụng, với tổng trị giá cam kết giải ngân 3.117 tỷ đồng. Đến nay đã thực hiện giải ngân là 2.556 tỷ đồng, bằng 80,5% so với cam kết, lãi suất cho vay được các ngân hàng thương mại áp dụng ở mức hợp lý, được doanh nghiệp chấp nhận và thoả thuận. Có 5 hợp đồng tín dụng với dư nợ 197,5 tỷ đồng được cam kết điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ.

Có thể nói, việc tích cực chủ động thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi vừa hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vừa giúp các ngân hàng thương mại đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng dư nợ tín dụng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com