Quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ và kinh doanh các sản phẩm chăn nuôi

07:11, 05/11/2015
Theo Chi cục Thú y, hiện nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 2 cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm (GSGC) tập trung là Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định và Cty TNHH Công Danh. Cả 2 Cty đã áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) HACCP. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 2.057 hộ giết mổ GSGC nhỏ lẻ, trong đó có 57 hộ giết mổ trâu bò, 1.700 hộ giết mổ lợn và 300 hộ giết mổ gia cầm. Các hộ giết mổ nhỏ lẻ hoạt động theo 2 hình thức: mua GSGC về giết mổ tại nhà để bán sản phẩm hoặc vừa bán GSGC vừa làm dịch vụ giết mổ cho khách hàng. Sản lượng thịt giết mổ từ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tiêu thụ trong tỉnh bình quân khoảng 88.171 tấn/năm, chiếm 63,26% sản lượng thịt GSGC toàn tỉnh. Các hộ này đều thực hiện giết mổ thủ công, không đạt yêu cầu về vệ sinh thú y (VSTY), ATTP, thời gian giết mổ bắt đầu vào lúc nửa đêm và kết thúc vào buổi sáng sớm vì vậy rất khó khăn cho việc quản lý, giám sát. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng giết mổ gia cầm tại chợ, phổ biến ở các chợ nội thành, nội thị… không đảm bảo VSATTP, dễ lây lan mầm bệnh khi có dịch bệnh GSGC xảy ra. Hiện nay, các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ chủ yếu tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; ngoài ra còn một lượng lớn sản phẩm chăn nuôi được vận chuyển sang các tỉnh lân cận Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương… để tiêu thụ. Toàn tỉnh hiện có 167 chợ, mỗi chợ có vài chục quầy, điểm bán thịt lợn, thịt gia cầm. Qua các đợt kiểm tra cho thấy nguồn hàng GSGC tại các chợ ít được kiểm dịch. Các chợ, quầy hàng chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện VSTY theo quy định, quầy sạp bán thịt chủ yếu làm bằng gỗ, chỉ một số ít được làm bằng thép không rỉ; các điểm bán thực phẩm sống trong chợ phần lớn chưa được quy hoạch, còn xen lẫn các mặt hàng khác, kể cả quầy bán thực phẩm chín. Chưa kể hoạt động buôn bán sản phẩm động vật tại các chợ “cóc” ở khu vực đông dân cư, ven đường khá phổ biến. Việc vận chuyển thịt GSGC bằng phương tiện thô sơ, không được bao gói, không đảm bảo VSATTP trong nhiều năm qua tại các huyện, thành phố đã gây khó khăn cho công tác quản lý, bức xúc trong dư luận xã hội và mất mỹ quan đô thị, chất thải động vật rơi vãi trên đường vận chuyển, không đảm bảo VSTY. 
Cán bộ Chi cục Thú y làm việc với chủ một cơ sở giết mổ động vật xã Trực Nội (Trực Ninh) về cam kết giết mổ động vật bảo đảm điều kiện ATTP.
Cán bộ Chi cục Thú y làm việc với chủ một cơ sở giết mổ động vật xã Trực Nội (Trực Ninh) về cam kết giết mổ động vật bảo đảm điều kiện ATTP.
Thực hiện Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg ngày 26-9-2005; Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ NN và PTNT về tăng cường công tác quản lý giết mổ GSGC và triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo VSATTP, hằng năm UBND tỉnh ban hành chỉ thị, kế hoạch Tháng hành động vì chất lượng VSATTP; thành lập đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; chỉ đạo Chi cục Thú y tổ chức kiểm tra điều kiện VSTY đối với một số điểm giết mổ. Tuy nhiên, do tồn tại quá nhiều các điểm giết mổ nhỏ lẻ, phân bố rải rác khắp các khu dân cư, đặc biệt là ở khu vực ven đô và vùng nông thôn, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý giết mổ. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương buông lỏng quản lý, chưa chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm. Do vậy, tư thương đã lợi dụng giết mổ, tiêu thụ cả GSGC lậu, chết, bị bệnh, làm lây lan dịch bệnh động vật và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt tại nhiều địa phương còn tồn tại phổ biến hình thức giết mổ lưu động (người giết mổ đến cơ sở chăn nuôi để giết mổ gia súc và đưa đi tiêu thụ). Nhiều thương lái cho biết không muốn hành nghề tại lò mổ tập trung vì tốn thêm chi phí, thời gian và dễ bị truy thu thuế do ngành Thuế nắm được số lượng giết mổ cụ thể của từng hộ. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Kết quả đã kiểm dịch vận chuyển được 87.461 con lợn sữa, 75.547 con lợn thịt, gần 1,1 triệu con gia cầm giống, gần 500 nghìn con gia cầm thịt; hơn 8 triệu quả trứng gia cầm, 425.797kg thịt đông lạnh… Công tác kiểm dịch vận chuyển được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện lưu thông động vật, sản phẩm động vật, đồng thời hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Với mục tiêu từng bước xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ và hình thành cơ sở giết mổ GSGC tập trung nhằm tăng cường sự quản lý Nhà nước trong kiểm soát hoạt động giết mổ GSGC, cung cấp sản phẩm động vật ATVSTP cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm chăn nuôi của Nam Định trên thị trường, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh cho GSGC; ngày 20-1-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch giết mổ GSGC tập trung tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Quy hoạch, đến năm 2020 duy trì 2 cơ sở giết mổ lợn sữa, xây dựng mới thêm 11 cơ sở giết mổ GSGC tập trung, trong đó có 6 cơ sở loại II và 5 cơ sở loại III tại các huyện, thành phố, đảm bảo được 30% sản lượng thịt tiêu thụ nội tỉnh và khoảng 15% sản lượng thịt tiêu thụ ngoại tỉnh. Đảm bảo VSATTP đối với sản phẩm GSGC giết mổ đạt trên 40%. Chi cục Thú y đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan khuyến khích, hướng dẫn, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo Quyết định số 72/QĐ-UBND.
 
Trước mắt UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố thành lập đoàn kiểm tra xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động giết mổ GSGC, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm VSTY và VSATTP; xử lý cơ sở giết mổ GSGC loại C theo đúng quy định. UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung theo quy hoạch; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật tới người tham gia giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật. Các lực lượng: Công an, QLTT, Y tế phối hợp chặt chẽ với Phòng NN và PTNT, Phòng Kinh tế, Trạm Thú y kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm VSTY và VSATTP. UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ các cơ sở giết mổ GSGC trên địa bàn./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com