Tháo gỡ khó khăn đảm bảo lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trong năm 2015

09:11, 02/11/2015
Thực hiện Quyết định số 13/2014 của UBND tỉnh về lộ trình và mức hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện. Sở Xây dựng, Sở Tài chính đã có các văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện, thủ tục, hồ sơ, quản lý cấp phát và quyết toán kinh phí hỗ trợ cho các chủ cơ sở sản xuất lò gạch thủ công. Hằng tháng Sở Xây dựng đều gửi văn bản đôn đốc UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện theo lộ trình đã đề ra. Theo đó, tổng số lò gạch thủ công cần phải xóa bỏ trong hai năm 2014 và 2015 là 501 lò. Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến 20-8-2015, toàn tỉnh xóa bỏ được 273 lò, mới chỉ đạt 54,5% so với kế hoạch. Trong đó, một số huyện đạt kết quả tích cực như huyện Mỹ Lộc (28/35 lò), Trực Ninh (69/117 lò); Ý Yên (65/99 lò); Nam Trực (25/35 lò), các huyện khác tiến độ đều chậm, nhất là huyện Hải Hậu mới chỉ xóa được 10/47 lò. Tại xóm 3, xã Nam Vân (TP Nam Định), anh Phạm Văn Đông, chủ 2 lò gạch thủ công cho biết: “Hơn 25 năm nay, thu nhập chính của gia đình chúng tôi đều từ sản xuất gạch nung. Tuy nhiên, qua thông tin trên đài, báo, chúng tôi dần nhận thức rõ được tác hại của lò gạch thủ công đến môi trường và tài nguyên đất, nên ngay khi biết được chủ trương của tỉnh về xóa bỏ lò gạch thủ công, gia đình đã họp bàn và thống nhất dỡ bỏ ngay 2 lò gạch thủ công đang hoạt động với công suất hơn 16 vạn viên/tháng. Đến nay, cơ bản 2 lò gạch đã được tháo dỡ, cuối năm sẽ hoàn trả lại mặt bằng ban đầu”. Cùng với xóa bỏ lò gạch thủ công, anh Đông đã từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất sang đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền. Anh cho biết, hiện tại, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng HTX Việt Nam, xưởng tàu thủy mới của anh đã đi vào hoạt động từ nửa năm nay và đang đóng mới 1 tàu thủy trọng tải 1.000 tấn. Bên cạnh các địa phương thực hiện tốt công tác xóa bỏ lò gạch thủ công, còn không ít các địa phương chậm trễ, chưa quyết liệt, thiếu quan tâm sát sao, quán triệt đến cơ sở về chủ trương của UBND tỉnh dẫn đến chậm trễ về tiến độ thực hiện. 
Mô hình chuyển đổi sản xuất từ lò gạch thủ công sang đóng mới, sửa chữa tàu thuyền của ông Phạm Văn Đông, ở xóm 3, xã Nam Vân (TP Nam Định).
Mô hình chuyển đổi sản xuất từ lò gạch thủ công sang đóng mới, sửa chữa tàu thuyền của ông Phạm Văn Đông, ở xóm 3, xã Nam Vân (TP Nam Định).
Trước thực trạng trên, trong tháng 7-2015, Sở Xây dựng đã thành lập đoàn kiểm tra rà soát, đánh giá thực tế tình hình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng theo quyết định của UBND tỉnh. Qua kiểm tra, Sở đã hướng dẫn các địa phương giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện việc xóa lò gạch và các chính sách hỗ trợ. Trong đó, nổi cộm lên tình trạng các lò gạch thủ công không có tên trong Quyết định 13/2014 do các địa phương chưa thống kê hết hoặc các chủ hộ khai báo không đầy đủ. Trong đó, huyện Trực Ninh phát sinh 23 lò gạch (16 lò thủ công, 5 lò đứng liên tục, 1 lò vòng, 1 lò kênh); Vụ Bản thêm 30 lò gạch thủ công; Ý Yên thêm 14 lò (13 lò gạch thủ công và 1 lò vòng); Hải Hậu thêm 12 lò gạch, Nam Trực thêm 1 lò, Nghĩa Hưng thêm 1 lò thủ công và 2 lò vòng. Tổng cộng có thêm 83 lò gạch được phát hiện mới thông qua kiểm tra rà soát thực tế trên địa bàn toàn tỉnh khiến chi phí hỗ trợ xóa bỏ ngoài danh sách của các địa phương tăng thêm. Ngoài ra, có sự chênh lệch giữa công suất thực tế qua kiểm tra và công suất được phê duyệt dẫn đến kinh phí hỗ trợ có thể tăng hoặc giảm so với kinh phí hỗ trợ tại Quyết định số 13/2014 của UBND tỉnh. Tính đến thời điểm 31-8-2015, Sở đã tiếp nhận báo cáo của 3 huyện, cụ thể huyện Trực Ninh kinh phí hỗ trợ tăng thêm 40 triệu đồng, Nghĩa Hưng tăng thêm gần 60 triệu đồng, riêng Nam Trực giảm 45 triệu đồng. Nguyên nhân chính do UBND các xã, thị trấn thống kê rà soát, báo cáo chưa hết về số lượng, chủng loại lò gạch hiện có trên địa bàn. Thêm vào đó, số liệu khai báo của các chủ cơ sở lò gạch thiếu chính xác dẫn đến sai sót trong quá trình tổng hợp của UBND huyện. Bên cạnh đó, còn tình trạng một số chủ cơ sở sản xuất lò gạch thủ công không thực hiện theo lộ trình đã được phê duyệt. Một số lò gạch đã dừng hoạt động nhưng không có khả năng tháo dỡ do thiếu nhân lực, kinh phí dẫn đến không được hưởng kinh phí hỗ trợ, tiến độ dỡ bỏ chậm chưa triệt để. Theo đồng chí Phạm Trọng Luật, phó Phòng Công thương huyện Nghĩa Hưng cho biết, hiện tại huyện đã xóa bỏ hoàn toàn được 38 lò, tuyên truyền vận động 18 lò ngừng sản xuất. Tuy nhiên, do ngân sách huyện hạn hẹp, lại chưa được tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ xóa bỏ nên công tác xóa bỏ lò gạch thủ công của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, một số chủ lò gạch không có ở địa phương gây khó khăn trong công tác cưỡng chế dỡ bỏ. 
 
Để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ lò gạch thủ công theo đúng lộ trình mà UBND tỉnh đã đề ra, Sở Xây dựng đã nghiên cứu và đề xuất UBND tỉnh cho phép các chủ cơ sở có lò gạch thuộc diện phải xóa bỏ trong năm 2014 nhưng đến năm 2015 mới tháo dỡ vẫn được hưởng kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 13. Đối với các lò có công suất thực tế khác với công suất đã được UBND tỉnh phê duyệt, đề nghị UBND tỉnh cho phép Sở Xây dựng và Sở Tài chính thẩm định và nghiệm thu kết quả theo công suất thực tế. Đối với các lò thuộc diện phải xóa bỏ nhưng không có trong danh sách của Quyết định 13: trong đó, các lò đã khai báo nhưng công suất sai thực tế, đề nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí để thực hiện hoặc cho phép sử dụng kinh phí từ ngân sách huyện để hỗ trợ, mức hỗ trợ theo quy định (riêng lò kênh, Sở kiến nghị mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/1 triệu viên/năm). Đối với các lò do chủ cơ sở không khai báo số lượng lò, công suất lò và các lò phát sinh mới; chủ cơ sở phải tự xóa bỏ, không được hưởng hỗ trợ, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan, đơn vị cá nhân có liên quan để phát sinh các lò gạch thủ công xây mới trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, kiến nghị UBND tỉnh cho phép UBND các xã, thị trấn tự tổ chức cưỡng chế đối với các lò gạch dừng sản xuất mà chủ lò gạch không có ở địa phương. Đồng thời, UBND tỉnh cho phép các địa phương tạm ứng kinh phí hỗ trợ cho các chủ cơ sở đã xóa bỏ đúng lộ trình và trước lộ trình. Ngoài ra, Sở Xây dựng đang tham mưu với UBND tỉnh xem xét gia hạn lộ trình xóa bỏ lò đứng liên tục, lò vòng đến hết năm 2017 và những cơ sở này không được hưởng mức hỗ trợ theo Quyết định số 13. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Tài chính tiến hành kiểm tra, thẩm định công suất thực tế của các lò này và báo cáo với UBND tỉnh để có hướng dẫn, phương án xử lý kịp thời. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc các địa phương có lò gạch thủ công xóa bỏ trong năm 2015 nghiêm túc thực hiện theo lộ trình đã đề ra. Các địa phương cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ, thường xuyên tổ chức họp bàn giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện, đảm bảo đến hết năm 2015 cơ bản hoàn thành kế hoạch theo Quyết định 13/2014 đã đề ra./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com