Phát huy hiệu quả dự án lập kế hoạch năng lượng địa phương dựa vào cộng đồng

07:10, 29/10/2015
Thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2013-2015, Sở Công thương đã triển khai thực hiện Dự án Lập kế hoạch năng lượng địa phương dựa vào cộng đồng tại 2 xã Hải Chính, Hải Lý (Hải Hậu). 
 
Với mục tiêu giới thiệu và triển khai phương pháp lập kế hoạch sử dụng năng lượng ở cấp xã, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu để các cấp cao hơn (cấp sở, ngành chức năng và UBND huyện) căn cứ xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tại chỗ; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng tới việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời… dự án đã tổ chức: hàng chục buổi hội thảo tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân tại các xã Hải Chính, Hải Lý; hỗ trợ, tập huấn kỹ năng khảo sát, phân tích số liệu, lập báo cáo thống kê và thành lập 2 nhóm “năng lượng nòng cốt” (mỗi nhóm có 7 người) tại địa phương. Các nhóm “năng lượng nòng cốt” gồm có đại diện chính quyền, các tổ chức đoàn thể như: MTTQ, Hội CCB, Hội Phụ nữ và nhân dân… đã tiến hành khảo sát bằng hình thức phỏng vấn theo biểu mẫu để đưa ra kết quả về tổng thu nhập, tổng chi tiêu (trong đó quan trọng nhất là phần chi tiêu cho việc sử dụng năng lượng) của nhân dân trong xã. Qua khảo sát của các nhóm “năng lượng nòng cốt” cho thấy năm 2012: tại xã Hải Lý có tổng thu nhập 219 tỷ đồng (bình quân 83 triệu đồng/hộ/năm) nhưng lại có mức tổng chi tiêu lớn hơn là 277 tỷ đồng (bình quân 104 triệu đồng/năm); trong đó tính riêng phần chi cho sử dụng năng lượng chiếm 19% tổng chi tiêu hằng năm. Còn ở xã Hải Chính thì có mức cân bằng xấp xỉ giữa thu và chi, tổng thu nhập đạt trên 159,58 tỷ đồng (bình quân 105,125 triệu đồng/hộ/năm) và tổng chi tiêu đạt gần 159,47 tỷ đồng/năm (bình quân 105,052 triệu đồng/người/năm); nhưng mức chi tiêu của người dân cho sử dụng năng lượng lại chiếm đến 24%.
Hệ thống lọc nước RO sử dụng năng lượng mặt trời đang hoạt động thử nghiệm tại xã Hải Chính (Hải Hậu).
Hệ thống lọc nước RO sử dụng năng lượng mặt trời đang hoạt động thử nghiệm tại xã Hải Chính (Hải Hậu).

Vấn đề nổi lên là: Ở các xã Hải Lý, Hải Chính phần chi tiêu cho sử dụng năng lượng còn quá lớn, chiếm 20-25% tổng thu nhập hằng năm. Đối với xã Hải Lý, chi phí cho sử dụng năng lượng (19%) gần bằng chi phí ăn uống (20%); còn ở xã Hải Chính hai loại chi phí này tương đương, đều chiếm 24% trong tổng chi tiêu hằng năm của người dân. Trước thực trạng trên, dự án đã hỗ trợ các xã tổ chức hàng chục buổi hội thảo phân tích tình hình, đánh giá vấn đề và đặt ra các mục tiêu cụ thể để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng. Dự án cũng tổ chức cho nhóm “năng lượng nòng cốt” và đại diện người dân trong 2 xã đi tham quan mô hình đã được triển khai thành công ở các xã Nam Cường, Bắc Hải của huyện Tiền Hải (Thái Bình). Qua các hoạt động đó, nhóm “năng lượng nòng cốt” đã có nhận thức rõ hơn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bằng các nguồn bền vững, sẵn có ngay tại địa phương như: hầm bi-ô-ga; sử dụng các loại thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện và đun nấu bằng bếp cải tiến, thay thế các loại nhiên liệu cũ (gas, than tổ ong, củi)… Từ đó, thành viên nhóm “năng lượng nòng cốt” đã áp dụng các mô hình sử dụng năng lượng bền vững ngay trong gia đình mình và tổ chức nhiều đợt tuyên truyền như: đối thoại trực tiếp, phối hợp với dự án tổ chức triển lãm thực tế cho nhân dân tham quan các mô hình: sử dụng bóng đèn LED chiếu sáng, lắp đặt bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, bếp đun cải tiến, sử dụng hầm bi-ô-ga trong chăn nuôi… Qua đó, nhận thức của người dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã được nâng lên rõ rệt. Hiện tại, ở xã Hải Chính có trên 300 hộ (bằng gần 30% tổng số hộ) đã sử dụng bếp cải tiến thay thế cho bếp ga, bếp than tổ ong. Ưu điểm nổi bật của bếp cải tiến là: giá thành rẻ (từ 50-80 nghìn đồng/chiếc), chụm nhiệt, ít khói, bền, dễ sử dụng, có thể tận dụng được nhiều loại phế phẩm nông nghiệp sẵn có (trước đây chỉ đốt bỏ) để đun nấu như: củi vụn, thân và xơ cây ngô, trấu… Thực tế tại các xã cho thấy những hộ sử dụng bếp cải tiến sẽ tiết kiệm tiền mua chất đốt được từ 50-80 nghìn đồng/tháng. Trước đây, nhà bà Nguyễn Thị Lụa, xóm Tây Ninh (Hải Chính) mỗi tháng mất khoảng 200 nghìn đồng tiền than tổ ong (mỗi ngày từ 2-3 viên, trị giá khoảng 6,5-7 nghìn đồng) để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi (2 lợn nái, 7-8 lợn thịt). Từ tháng 9-2014, bà chuyển sang sử dụng bếp cải tiến với nguồn chất đốt là trấu, củi tạp trong vườn, thân và xơ ngô. Tính ra, mỗi tháng chi phí chỉ bằng non nửa so với dùng than tổ ong, lại không độc hại, ô nhiễm, nên mỗi năm bà có thể tiết kiệm được từ 1-1,2 triệu đồng tiền chất đốt. Còn hộ ông Lại Xuân Miên, xóm Trung Châu (Hải Chính) mỗi năm có tổng thu nhập khoảng 30 triệu đồng từ chăn nuôi (2 lợn nái và 3 lợn đực) thì riêng tiền chất đốt đã tốn mất 2 triệu đồng (5-6 bình gas loại 12kg). Còn phế thải chăn nuôi mới là vấn đề nan giải, phân lợn thì được ủ thành đống ở góc vườn để mục làm phân bón, vừa nặng mùi, vừa mất vệ sinh. Sau khi được dự các buổi hội thảo do dự án tổ chức, được nhóm “năng lượng nòng cốt” giới thiệu mô hình sử dụng hầm bi-ô-ga để lấy nguồn khí đốt, ông đã quyết định đầu tư 6 triệu đồng (UBND xã hỗ trợ 3 triệu đồng) xây hầm bi-ô-ga để xử lý toàn bộ chất thải chăn nuôi. Hiện tại, nguồn khí từ hầm bi-ô-ga của gia đình ông đang hoạt động ổn định, cung cấp khí đốt phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi. Ông Miên đang dự định nâng quy mô đàn lợn lên gấp đôi hiện tại (khoảng 20 con lợn thịt/lứa) và duy trì đều đặn để có nguồn khí ổn định không chỉ phục vụ đun nấu mà còn tận dụng để phát điện thắp sáng. Chỉ sau 2 năm gia đình ông sẽ hoàn vốn đầu tư xây hầm bi-ô-ga, từ năm thứ 3 trở đi, mỗi năm sẽ tiết kiệm được từ 3-4 triệu đồng tiền chất đốt, điện chiếu sáng. Từ hiệu quả kinh tế thực tế tại nhà ông Miên, hiện tại, xã Hải Chính đã có gần chục hộ chăn nuôi tham gia lắp đặt hầm bi-ô-ga. Để khuyến khích các hộ chăn nuôi tham gia, xã Hải Chính đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng, dự án nông nghiệp các-bon thấp hỗ trợ 1 triệu đồng cho các hộ lắp, xây hầm bi-ô-ga. Việc lập kế hoạch sử dụng năng lượng hợp lý, hiệu quả đã góp phần cải thiện sinh kế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhờ quản lý và tái sử dụng nguồn rác thải và tiết kiệm năng lượng. Với sự trợ giúp của dự án, xã Hải Chính đã lập kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả tại địa phương với mục tiêu: trong giai đoạn 2014-2018, 100% dân số trong xã được dùng nước sạch; nhân rộng các giải pháp năng lượng bền vững để giảm chi phí, nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống người dân. Từ nguồn tài trợ 470 triệu đồng của dự án, xã Hải Chính đã trích ngân sách xã thêm 130 triệu đồng đối ứng, hỗ trợ mặt bằng xây dựng và lắp đặt hệ thống lọc nước RO, lắp đặt dàn pin năng lượng mặt trời công suất 750 lít/giờ. Hệ thống này đã cung cấp nước sạch miễn phí cho trên 1.000 học sinh tiểu học, THCS và trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, HTX… trên địa bàn. Như vậy, tình trạng mỗi năm có từ 1-2 tháng thiếu nước sạch (trước đây, nguồn nước sạch chính của xã là nước mưa, nếu dùng hết thì phải mua nước sạch ở các nơi khác với giá từ 10-12 nghìn đồng/bình 20 lít) phục vụ các nhu cầu tối thiểu như uống, nấu ăn của phần lớn người dân xã Hải Chính sẽ dần được cải thiện triệt để.   

 
Đánh giá qua gần 2 năm triển khai thực hiện dự án tại 2 xã Hải Chính, Hải Lý, đồng chí Trần Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Dự án lập kế hoạch năng lượng địa phương dựa vào cộng đồng với các mô hình sử dụng năng lượng bền vững không chỉ góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chính quyền, nhân dân mà còn hỗ trợ chính quyền địa phương xác định các tiềm năng, lợi thế và mục tiêu ưu tiên để lập kế hoạch và từng bước triển khai kế hoạch năng lượng của địa phương mình. Để đạt được mục tiêu đó, quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải thật sự “vào cuộc”; đối với các nhóm “năng lượng nòng cốt” cần lựa chọn các đại biểu có uy tín trong cộng đồng, nhiệt tình, trách nhiệm; trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để góp phần thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong việc sử dụng năng lượng cần đa dạng, thiết thực, trực quan… Từ các kết quả bước đầu đã đạt được là cơ sở để Sở Công thương tổ chức đánh giá, phân tích và lập kế hoạch trình UBND tỉnh cho phép triển khai nhân rộng mô hình sang các xã khác của huyện Hải Hậu và một số xã của huyện Giao Thủy, Xuân Trường trong các năm tiếp theo./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com