Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp

05:04, 11/04/2015

Những năm qua, trước diễn biến khí hậu thời tiết phức tạp, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh đã chỉ đạo, điều hành công tác tưới tiêu nước một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo đủ và vượt diện tích ký kết hợp đồng với các địa phương, phục vụ kịp thời cho cây lúa, màu, thủy sản sinh trưởng, phát triển, góp phần tăng giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Công nhân Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh vận hành điều tiết nước phục vụ sản xuất tại cống Mỏ Cò, xã Liêm Hải (Trực Ninh).
Công nhân Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh vận hành điều tiết nước phục vụ sản xuất tại cống Mỏ Cò, xã Liêm Hải (Trực Ninh).

Hệ thống thủy nông Nam Ninh phục vụ tưới tiêu cho 35 xã, thị trấn trên địa bàn 2 huyện Nam Trực, Trực Ninh; 3 xã, 1 phường thuộc Thành phố Nam Định và một phần Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) với diện tích gần 36,5 nghìn ha đất canh tác. Hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp Nam Ninh xây dựng từ trước năm 1980 nên nhiều công trình xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất cũng như an toàn trong lũ bão. Về vụ mùa, hệ thống chỉ có một hướng tiêu duy nhất về phía sông Ninh Cơ và 10 trạm bơm tiêu hỗ trợ ra các sông lớn (sông Hồng, sông Đào và sông Ninh Cơ), vấn đề hạn, úng còn nhiều tồn tại, cụ thể khi gặp mưa lớn, thời gian tiêu nước quá dài, diện tích tiêu chủ động chỉ đạt 70%. Bên cạnh đó, hiện tượng vi phạm bờ, mái, lòng kênh và đẩy các chất thải công nghiệp, chất thải làng nghề ra các tuyến kênh ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Để giữ vững năng lực các công trình, hằng năm, Cty chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, từng bước tu bổ, sửa chữa, nạo vét từng tuyến kênh, đảm bảo dẫn nước tưới vụ xuân, tưới tiêu nước vụ mùa và PCLB, không để tình trạng úng, hạn lớn xảy ra. Tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh, Cty đã thực hiện thành công một số dự án lớn, đặc biệt đã đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm tại một số cánh đồng mẫu lớn của 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh. Trong chiến dịch thủy lợi nội đồng đông xuân 2014-2015, Cty đã nạo vét, tu bổ, sửa chữa nâng cấp công trình cấp I, cấp II trong hệ thống; các xã nạo vét, khơi thông, đắp bờ vùng cấp III kết hợp giữa làm thủy lợi với xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Được Nhà nước cấp nguồn kinh phí miễn thủy lợi phí theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP, Cty đã đầu tư nạo vét tuyến kênh An Lá 11B, tuyến kênh ven Quốc lộ 21 và kiên cố hóa một số tuyến kênh như: kênh Liên Tỉnh, kênh nổi trạm bơm Nho Lâm, kênh CC18, kênh Giá 1A, kênh tưới trạm bơm Cát… Ngoài ra, Cty còn hỗ trợ kiên cố hóa kênh cấp 3 ở một số địa phương của huyện Nam Trực. Cụ thể, đã nạo vét 6 kênh cấp I, 55 kênh cấp II, 15 cửa cống, 15 bể hút với tổng khối lượng đào đắp là 193.143m3, đạt 104,6% kế hoạch. Đối với các công trình cấp II, Cty làm đến đâu đắp nền đường ra đồng, đường giao thông nông thôn đến đó theo đúng quy hoạch của các xã, để các xã có thể tiến hành đổ bê tông, cứng hóa theo đúng tiêu chí xây dựng NTM. Bên cạnh đó, Cty đã triển khai thi công 85 công trình: kiên cố hóa các tuyến kênh; sửa chữa, thay thế, nâng cấp các trạm bơm, cống đập… Về phía các địa phương, do được sự đồng thuận của nhân dân kết hợp với dồn điền đổi thửa có quỹ đất nên một số HTX đã tập trung nạo vét kênh cấp III bằng máy và chỉnh trang đồng ruộng đạt hiệu quả cao. Các địa phương đã đào đắp được 1.737 kênh cấp III, 482 bờ vùng và kênh khoảnh, 1 bể hút với tổng khối lượng đào đắp là 312.140m3. Nhiều đơn vị tập trung làm thủy lợi nội đồng tích cực và đạt kết quả khá như: Trực Nội, Trực Đạo, Trực Bình, Trực Thanh, Nam Đồng, Nam Thái, Nam Hải, Nam Ninh… Qua chiến dịch thủy lợi nội đồng, các địa phương đã xây dựng 77 cống cấp III, trong đó sửa chữa 36 cống, làm mới 41 cống; kiên cố hóa được 7 kênh với tổng chiều dài 2.070m. Do làm tốt công tác thủy lợi nội đồng cùng với lịch xả nước phù hợp nên việc lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2015 của hệ thống thủy nông Nam Ninh khá thuận lợi. Cty đã tổ chức lấy nước theo đúng kế hoạch, thực hiện tốt quy trình vận hành hệ thống, không để xảy ra sự cố; thực hiện tốt việc khoanh vùng, điều tiết nước và tạo đủ nguồn cho các vùng khó khăn. Thực hiện điều tiết nước hợp lý cho từng vùng, duy trì mực nước nông thường xuyên cho ruộng lúa từ sau cấy đến khi đẻ nhánh hữu hiệu để đảm bảo cho lúa đẻ nhánh tốt. Đến thời điểm này, hầu hết diện tích lúa ở các địa phương phát triển tốt, độ đồng đều cao, đẻ nhánh đủ số dảnh yêu cầu. Hiện các địa phương tổ chức tiêu rút nước lộ ruộng để lúa cứng cây, hạn chế nhánh vô hiệu, tập trung dinh dưỡng cho lúa làm đòng. Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa vi phạm và lập kế hoạch, phân loại giải tỏa các vi phạm. Đồng thời các địa phương tổ chức giải tỏa các vật cản (đăng đó, vó, bè…) tại các kênh mương. Tính đến ngày 3-4-2015, toàn hệ thống đã giải tỏa được 58 lều vó, 187 đăng đó, 44 nghìn m2 bèo rác, 937m2 bèo mảng và 39 trường hợp vi phạm khác. Cùng với việc thực hiện Chỉ thị 14/CT-UBND, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh đã ký hợp đồng giao khoán duy tu, giải tỏa 577 tuyến kênh cấp II với các địa phương. Việc thực hiện giao khoán đã có tác dụng rất lớn trong sản xuất và tăng cường sự đoàn kết giữa Cty với các địa phương trong hệ thống. Đảm bảo đủ nước, kênh mương thông thoáng, giảm bớt tình trạng úng, hạn cục bộ, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất cao. Đối với các tuyến kênh cấp I, cấp II liên xã phức tạp như các kênh: Châu Thành, Rõng, Cổ Lễ - Cát Chử, Giá, Hải Ninh, Dương A… Cty huy động lực lượng cán bộ, công nhân viên và lực lượng các đoàn thể tổ chức giải tỏa. Việc tăng cường năng lực, hiệu quả trong quản lý, khai thác bảo vệ công trình thủy lợi được Cty coi là việc làm thường xuyên, lâu dài. Trong đó chú trọng đến ngăn chặn, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm dòng chảy, tiếp đến giải quyết, xử lý các vi phạm hành lang công trình thủy lợi, gắn với công tác bảo vệ môi trường nguồn nước để nâng cao năng lực tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Trong thời gian tới, Cty tiếp tục rà soát, quy hoạch và xây dựng lộ trình đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư, sửa chữa công trình nhằm giữ vững, nâng cao năng lực công trình đã có và bổ sung công trình đáp ứng phương thức sản xuất mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình trong quá trình vận hành, khai thác cũng như đối phó với các diễn biến, tình huống bất ngờ của khí hậu thời tiết mưa, lũ, bão, úng…

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com