Các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

07:04, 09/04/2015

Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các đơn vị và nhân dân trong tỉnh. Đến nay, ngoài việc khuyến khích người dân tin dùng hàng Việt, CVĐ còn giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, góp phần thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp coi đây là “cơ hội vàng” để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm mới, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, giá cả và thị hiếu người tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường, khẳng định thương hiệu.

Để CVĐ đạt hiệu quả, có sức lan toả sâu rộng và là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ của tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được UBND tỉnh ban hành như: Hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp vào các khu, CCN trên địa bàn; hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các điểm công nghiệp ở các vùng nông thôn... Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH và ĐT và các ngành chức năng tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao chất lượng hàng hoá, mở rộng thị trường, phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng các loại hình thương mại, hội chợ, sàn giao dịch việc làm; đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng hàng Việt ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Sở Công thương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên, UBND các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp như tổ chức xúc tiến thương mại nội địa; tăng cường công tác đào tạo, khuyến công giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tăng cường công tác quản lý thị trường… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về CVĐ được chú trọng. Các đơn vị như Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp, LĐLĐ và các tổ chức đoàn thể Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã phối hợp cùng tập trung tuyên truyền chủ trương của CVĐ đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức hội, đoàn thể và mỗi cán bộ, hội viên là công nhân lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn.

Sản phẩm xe đạp điện của Cty TNHH Việt Thái (KCN Hòa Xá) đạt lỷ lệ nội địa hóa trên 60% các chi tiết máy móc, phụ kiện.
Sản phẩm xe đạp điện của Cty TNHH Việt Thái (KCN Hòa Xá) đạt lỷ lệ nội địa hóa trên 60% các chi tiết máy móc, phụ kiện.

Từ những hoạt động trên, đã giúp các doanh nghiệp và doanh nhân nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế của địa phương và cả nước; tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chi tiết sản phẩm để không phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời có chính sách khuyến mại, chăm sóc khách hàng hợp lý, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Do đó trong 5 năm trở lại đây tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của tỉnh ta đã đạt được kết quả khả quan. Trong đó sản phẩm xe đạp điện, xe máy điện do Cty CP Việt Thái (KCN Hòa Xá) đã chủ động sản xuất trên 60% chi tiết xe như: khung, càng và các chi tiết phụ. Sản phẩm sen vòi, xi phông chậu rửa và các thiết bị nhà tắm do Cty TNHH Jodo (CCN An Xá) sản xuất thay thế hoàn toàn sản phẩm nhập khẩu trước đây. Phát huy tinh thần CVĐ, tại tỉnh ta, bên cạnh việc chú trọng sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước để đầu tư và sản xuất, kinh doanh, xu hướng tiêu dùng hàng hóa nội tỉnh bước đầu hình thành trong người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất nhóm hàng dệt may, gỗ giấy, cơ khí đã mạnh dạn chia sẻ mối cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm truyền thống bên ngoài để ủng hộ cho các doanh nghiệp bạn. Nhiều đơn vị thực hiện hình thức ưu tiên sử dụng hàng hóa của nhau làm nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất. Liên kết với nhau trong đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ, đổi mới mẫu mã và chất lượng sản phẩm, tăng cường quản lý, giảm chi phí phát sinh để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Tổng Cty CP Dệt may Nam Định là đơn vị tiêu biểu trong việc sử dụng hàng hóa dịch vụ của đơn vị bạn làm nguyên liệu sản xuất. Với 16 nhà máy trực thuộc đảm nhiệm các khâu cơ bản trong ngành dệt may như: chỉ khâu, sợi, dệt, nhuộm, may… Trong đó sản phẩm của nhà máy sợi gồm: sợi 100% cô-tông, 100% PE, 100% Visco, T/C, C.V.C, T/R… là nguồn nguyên liệu quan trọng cung ứng cho nhà máy dệt. Sản phẩm của nhà máy dệt như các loại vải 100% cô-tông, 100% Visco, T/C , C.V.C, T/R Filament tẩy trắng, nhuộm màu, in hoa, ca-rô… là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy may trong Tổng Cty để sản xuất, hoàn thiện các loại khăn ăn, khăn bông dệt từ sợi xe, sợi đơn và hàng may mặc cho mọi lứa tuổi, chất lượng cao… Ngoài ra, sản phẩm của Tổng Cty còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng như cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp dệt, may trong nước. Hay như mô hình sử dụng sản phẩm dệt của làng nghề truyền thống ở xã Phương Định, Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực) làm nguyên liệu để sản xuất các loại khăn xuất khẩu của Cty CP Dệt may Sơn Nam. Việc chia sẻ nguồn nguyên liệu và sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp bạn làm nguyên liệu sản xuất còn diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp cơ khí, chế biến gỗ. Tại làng nghề cơ khí Nam Giang (Nam Trực) và Yên Xá (Ý Yên), Xuân Tiến (Xuân Trường) ngoài việc sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng, hầu như mỗi doanh nghiệp lựa chọn sản xuất một sản phẩm đặc trưng theo thế mạnh của mình. Cty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng, Cửu Long, CCN Yên Xá (Ý Yên) chuyên sản xuất chi tiết máy có độ chính xác cao như bạc, trục, chân vịt, mỏ neo… phục vụ cho các đơn vị đóng mới, sửa chữa tàu thuỷ tại huyện Xuân Trường, Trực Ninh. Nhóm các Cty TNHH Việt Thắng, Cty TNHH Cơ khí cầu đường Hà Ninh, Cty TNHH Việt Anh, Cty TNHH Cơ khí Anh Tú… tại các làng nghề Đồng Côi, Vân Chàng, Bình Yên của huyện Nam Trực đã đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như phụ tùng máy dệt, thiết bị cho ngành Điện, ngành Bưu chính viễn thông và cán đúc phôi thép phục vụ cho các doanh nghiệp cơ khí đúc trên địa bàn… Nhóm các doanh nghiệp chế biến dược phẩm đã chủ động liên kết với các địa phương trong tỉnh xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Cty CP Nam Dược đang nỗ lực tìm kiếm những bài thuốc bí truyền trong dân gian để nghiên cứu khôi phục và chế biến thương mại hóa sản phẩm. Bài thuốc tứ vật gia truyền của lương y Trần Văn Đồng, xã Hải Bắc (Hải Hậu) đã được Cty kế thừa, nghiên cứu sử dụng và bài chế thành sản phẩm Nam Dược Bài Thạch hỗ trợ điều trị sỏi tiết niệu và sỏi mật… Sản phẩm này được người tiêu dùng tín nhiệm, tin tưởng lựa chọn. Đây là hướng đi mới, hiệu quả làm phong phú sản phẩm của Cty nói riêng và các doanh nghiệp chế biến dược phẩm trong toàn tỉnh.

Bằng nhiều hình thức sáng tạo, chủ động trong việc hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tạo nên sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu dùng theo chiều hướng giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cũng chính từ việc hưởng ứng CVĐ này mà sức tiêu thụ cho từng nhóm sản phẩm hàng hóa tăng thêm, giảm lượng hàng tồn kho, tạo nhiều việc làm mới cho lao động, ổn định thu nhập, góp phần hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu phụ kiện từ nước ngoài, đảm bảo phúc lợi cho người lao động và trong việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội của tỉnh. Tuy nhiên việc hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong khối doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế, thiếu sự ổn định về chất lượng và khối lượng sản phẩm gây nên nhiều hệ lụy trong quá trình hợp tác. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh chưa phát triển nên việc liên kết tiêu dùng hàng nội tỉnh mới chỉ hạn chế ở những nguyên liệu đơn giản, tính chính xác không cao… Để tiếp tục đẩy mạnh việc hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các doanh nghiệp, bên cạnh nỗ lực đổi mới nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, gắn kết quả thực hiện CVĐ với việc đánh giá thi đua của các đơn vị và tăng cường kết nối tạo dựng lòng tin giữa các doanh nghiệp với nhau. Đồng thời chủ động nắm tình hình, phát hiện, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách và trong sản xuất, kinh doanh. Có kế hoạch nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ xây dựng và tôn vinh thương hiệu mạnh, khuyến khích, động viên doanh nghiệp mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt đẩy mạnh việc tuyên truyền các tổ chức, cá nhân ưu tiên sử dụng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của địa phương trong sinh hoạt hằng ngày và trong sản xuất, kinh doanh ./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com