Xã hội hóa cấp nước sạch ở địa bàn nông thôn

04:03, 21/03/2015

Xác định rõ tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường không chỉ gắn liền với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mà còn là yêu cầu cấp bách nhằm bảo vệ nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, tỉnh ta đã tiến hành triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh đầu tư, mở rộng mạng lưới nước sạch nông thôn. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai sâu rộng mô hình xã hội hóa cấp nước sạch từ nhiều năm nay thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị cơ quan Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn, giúp người dân được sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 55 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đảm bảo cung cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu nước sạch tại 102 xã, thị trấn. Trong đó có 1 nhà máy nước Nam Hoa (Nam Trực) do Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn Nam Định quản lý, sử dụng và khai thác; 33 công trình nhà máy nước sạch khác do Cty CP Nước sạch và vệ sinh nông thôn Nam Định, Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định và các HTX khai thác và vận hành; 21 công trình nhà máy nước sạch do UBND các xã quản lý. Tiêu biểu trong số đó, nhờ áp dụng xã hội hóa, đến năm 2014, Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Nam Định đang khai thác và quản lý 15 nhà máy nước với tổng công suất 46.860m3/ngày đêm, cấp nước sạch sinh hoạt cho 430 nghìn người tại 54 xã thuộc 8 huyện trong tỉnh. Hiện tại, Cty đang hoạt động theo nguyên tắc: Nhà nước nắm giữ 81,8% vốn của Cty (tương ứng với 45% vốn cấp); người sử dụng nước (thông qua trung gian đại diện là HTX) nắm giữ 18,2% vốn của Cty (tương ứng 10%). Với hình thức trên, các dự án triển khai xây dựng nhà máy nước đều đạt được sự đồng tình ủng hộ cao của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giảm được chi phí đầu tư ban đầu, người dân tự giác đóng góp tiền đối ứng, đồng thời chủ động trong khâu giám sát quá trình xây dựng góp phần nâng cao chất lượng công trình cấp nước sạch.

Kiểm tra chất lượng thiết bị máy bơm nước trước khi lắp đặt tại nhà máy nước Nghĩa Minh do Cty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng Hải Nam là chủ đầu tư.
Kiểm tra chất lượng thiết bị máy bơm nước trước khi lắp đặt tại nhà máy nước Nghĩa Minh do Cty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng Hải Nam là chủ đầu tư.

Cùng với kết hợp các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới, ngân sách của địa phương, tỉnh ta cũng chủ động kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào xây dựng các công trình cấp nước sạch ở địa bàn nông thôn như Cty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hải Nam, xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), Cty TNHH một thành viên Nước sạch Thanh Bình, xã Yên Lợi (Ý Yên). Cả 2 Cty trên đều chủ động đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch cho người dân với 100% vốn của doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên có 2 doanh nghiệp tham gia công tác đầu tư, quản lý, cung cấp nước sạch đến tận nhà khách hàng trên quy mô xã. Đồng chí Hoàng Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) cho biết: “Hai năm trở lại đây, nhu cầu nước sạch của các hộ dân trên địa bàn xã trở nên khó khăn hơn do mạch nước ngầm giếng khoan bị sụt giảm nghiêm trọng. Thông thường người dân chỉ cần đào sâu từ 10-20m đã có thể có nước giếng đảm bảo sinh hoạt nhưng hiện tại, mọi giếng khoan mới đều phải đào sâu thêm từ 15-20m. Bên cạnh đó, nguồn nước cũng bị ô nhiễm, chua và nhiễm asen nặng hơn trước”. Do đó, khi UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch của Cty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hải Nam, xã đã phối hợp với Cty khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng tại xóm 4 với tổng diện tích hơn 7.000m2, đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho người dân đồng tình đóng góp vốn đối ứng xây dựng với mức 2 triệu đồng/hộ. Có mặt tại công trường, anh Lê Văn Nhiên, cán bộ phụ trách kỹ thuật hồ hởi cho biết: “Được xã tạo điều kiện về mặt bằng, Cty đã huy động hơn 30 lao động tiến hành san lấp, xây dựng trạm bơm nước ngay từ tháng 10-2014, đồng thời chỉ đạo 20 công nhân tiến hành lắp đặt đường ống nước trên địa bàn toàn xã. Đến nay, Cty đã lắp đặt được hơn 13km đường ống dẫn nước, dự kiến hết quý II-2015 sẽ bắt đầu vận hành cung cấp nước cho hơn 2.000 hộ ở xã Nghĩa Minh, tiến tới hết năm 2015 sẽ cung cấp nước sạch thêm cho các hộ dân ở xã Nghĩa Thịnh, Hoàng Nam”. Anh Lê Văn Tính, Giám đốc Cty khẳng định: “Cty thực hiện công trình cấp nước sạch với kỳ vọng đóng góp vào sự phát triển của quê hương nên tập thể lãnh đạo cũng như nhân viên trong Cty đã đầu tư tối đa công sức, vật chất nhằm bảo đảm công trình hoàn thiện đúng thiết kế, quy chuẩn. Hiện tại, tổng số vốn đầu tư cho dự án là 48 tỷ đồng, dự kiến khi đi vào hoạt động Cty chúng tôi sẽ thu mức phí theo quy định hiện hành của Nhà nước và sẽ tính toán hợp lý để phục vụ bà con tốt hơn”. Tại xã Yên Lợi (Ý Yên), Cty TNHH một thành viên Nước sạch Thanh Bình đã cùng với xã khảo sát và xác định địa điểm xây dựng tại thôn Bình Điền với diện tích 2.200m2. Đây sẽ là một niềm vui lớn của người dân nơi đây, đặc biệt đối với các hộ dân ở chân núi Phương Nhi bởi nguồn nước nơi đây đã ngày càng bị ô nhiễm. Anh Ngô Việt Hùng, Giám đốc Cty cho biết: “Thấu hiểu hoàn cảnh của bà con nông dân khi thiếu nước sạch, Cty đã quyết định đề xuất UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng nhà máy nước trên địa bàn xã công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư dự kiến từ 12-15 tỷ đồng”. Hiện tại, Cty đang khẩn trương lập dự án tiền khả thi, thông qua các thủ tục về đất đai, chuyển nhượng giải phóng mặt bằng sớm để khởi công trong quý III-2015.  

Thời gian tới, để sớm hoàn thành mục tiêu 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác, kinh doanh các công trình nước sạch nông thôn; trong đó chú trọng thu hút các doanh nghiệp, người dân tham gia. Thực hiện tái cấu trúc đầu tư đối với công trình cấp nước đã và đang xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia và nguồn vốn vay WB, bằng cách chuyển đổi mô hình quản lý theo hướng chuyển giao cho doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp nhận và khai thác để phát huy hiệu quả đầu tư cũng như chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục hành chính để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đê điều, khai thác nước mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thi công các công trình nước sạch./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com