Các HTX nông nghiệp mở rộng hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp

08:06, 04/06/2013

Theo khảo sát của Liên minh HTX tỉnh, hiện tại, các HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) trong tỉnh đều tổ chức được các dịch vụ then chốt như: tưới tiêu nước, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ phát triển ngành nghề, dịch vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt, vệ sinh môi trường, bảo quản giống bằng kho lạnh, tín dụng nội bộ. Trong số 304 HTXDVNN hiện có 245 HTX có dịch vụ làm đất (chiếm 76%); 192 HTX làm dịch vụ giống và vật tư nông nghiệp (chiếm 63%); 35 HTX có dịch vụ tiêu thụ sản phẩm (chiếm 11,5%); 13 HTX làm dịch vụ tín dụng nội bộ (chiếm 4%); 21 HTX làm dịch vụ nước sạch sinh hoạt (chiếm 10,5%); 15 HTX làm dịch vụ thu gom rác thải vệ sinh môi trường (chiếm 5%); 4 HTX làm dịch vụ phát triển ngành nghề (chiếm 1,3%); 10 HTX làm dịch vụ bảo quản giống cây trồng bằng kho lạnh (chiếm 3,3%); 6 HTX làm dịch vụ trồng hoa, cây cảnh (chiếm 2%). Đặc biệt ở các địa phương xây dựng mô hình CĐML, đã có 48 HTX đảm nhiệm làm dịch vụ phục vụ sản xuất cho mô hình.

Xã viên HTX Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây cà chua trên đất 2 lúa.
Xã viên HTX Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây cà chua trên đất 2 lúa.

HTXDVNN Hồng Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy) hiện đang quản lý trên 250ha đất nông nghiệp, trong đó  có 10ha cấy lúa, còn lại là đất chuyên trồng màu. Để thực hiện tốt chức năng dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, Ban chủ nhiệm HTX đã chọn những Cty có uy tín để ký kết hợp đồng kinh doanh, đồng thời bố trí 4 quầy hàng ở 4 khu vực trong xã để thu mua, tiêu thụ nông sản cho xã viên. Nhờ vậy, thị trường cung ứng giống, vật tư nông nghiệp của HTX chiếm 80-90% số hộ nông dân trong xã; doanh thu của HTX năm 2012 đạt trên 1,5 tỷ đồng. HTXDVNN Nam Mỹ (Nam Trực) hiện đang đảm nhận dịch vụ sản xuất cho 273ha đất canh tác, trong đó có gần 80ha chuyên trồng đào, quất thuộc các xứ đồng có cốt đất cao thấp đan xen nhau nên việc điều tiết nước chủ yếu dùng máy bơm. HTX đã đầu tư 17 máy bơm với tổng công suất gần 20 nghìn m3/h để phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu nước trên các cánh đồng. Ban quản trị HTX đã thực hiện khoán công việc quản lý thủy lợi theo các tổ, nhóm. Vào đầu mỗi vụ, HTX cùng các chủ máy và các đội trưởng bàn bạc, thống nhất xây dựng kế hoạch cụ thể, giá cả hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào cho xã viên. Ban quản trị HTX trực tiếp kiểm tra đôn đốc, giám sát nghiệm thu chất lượng làm đất. Nhờ vậy, các tổ máy cày, bừa đã thực hiện tốt theo đúng hợp đồng, chất lượng đảm bảo, đúng lịch thời vụ. Ngoài việc cày bừa trên địa bàn xã, HTX còn tổ chức nhận dịch vụ làm đất cho các đội sản xuất của xã Điền Xá với diện tích gần 15ha, tạo thêm nguồn thu cho HTX. HTXDVNN Nam Long, xã Nam Thanh (Nam Trực) bên cạnh việc cung ứng giống, vật tư phân bón, tổ chức tốt dịch vụ làm đất, HTX còn có nguồn thu do dịch vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho trên 1.000 hộ dân trong xã. Bình quân, mỗi tháng HTX cung cấp trên 7.000m3 nước sạch với giá 5.000 đồng/m3, góp phần đưa nước sạch về nông thôn, đáp ứng một phần nhu cầu dùng nước sạch của các hộ dân. Các HTXDVNN còn hỗ trợ xã viên trong sản xuất, góp phần ổn định thị trường, giúp các hộ xã viên khó khăn, thiếu vốn sản xuất đảm bảo có đủ phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Trong quá trình triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa, các HTXDVNN đã tích cực tham gia cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng các tuyến giao thông nội đồng, kiên cố hóa bờ trục và kênh mương, xây dựng phương án tổ chức các dịch vụ sản xuất sau DĐĐT, xây dựng NTM. Đặc biệt, nhiều HTX đã phát triển hoạt động theo hướng đa ngành nghề, tổ chức một số dịch vụ mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp có hiệu quả như làm dịch vụ vệ sinh môi trường, cung ứng và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình là HTX Khoa học công nghệ Thanh niên (Xuân Trường) chuyên cung cấp các thiết bị tin học và chuyển giao công nghệ thông tin cho các HTX. Các HTX Hồng Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy); HTX Cốc Thành, Minh Tân, Minh Tiến (Vụ Bản)... tổ chức dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Việc liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các HTX được đẩy mạnh thông qua việc hình thành “CLB HTX mạnh toàn tỉnh”, CLB HTX huyện Mỹ Lộc, CLB HTX nông nghiệp cụm Hoành Thu (Giao Thủy)… với mục đích “chung mua, chung bán” tiến tới “mua chung, bán riêng” cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp nhằm đẩy mạnh các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng sức cạnh tranh, tăng cường quan hệ nông nghiệp - nông dân - nông thôn và ngày càng khẳng định vai trò kinh tế - xã hội thiết thực của khối kinh tế HTX.

Tuy vậy, hiện nay số HTX xây dựng được phương hướng sản xuất, kinh doanh lâu dài còn ít, một số HTX vẫn chưa xây dựng được kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. Hiệu quả kinh doanh của HTX còn thấp, phần lớn HTX vốn tự có ít, chủ yếu làm dịch vụ thiết yếu đơn thuần nên tích lũy thấp, lợi ích mang lại cho xã viên chưa nhiều. Bên cạnh đó, hầu hết các HTXDVNN chuyển đổi hoàn toàn theo Luật HTX, đa số xã viên chưa góp vốn điều lệ. Các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX chưa được thể chế hóa cụ thể nên chưa có sức hút đầu tư và chưa thu hút được những người có năng lực làm việc lâu dài tại HTX. Mặt khác, một số HTX chưa nhận thức đầy đủ, tính chất HTX là một tổ chức kinh tế độc lập hoạt động bình đẳng như các thành phần kinh tế khác nên thiếu sự năng động, sáng tạo cần thiết trong sản xuất, kinh doanh; vẫn còn mang tư tưởng trông chờ ỷ lại, bảo thủ, trì trệ trong quá trình hoạt động. Để các HTXDVNN thực sự phát huy hiệu quả trong việc tổ chức cung ứng các dịch vụ, các HTX cần chủ động xây dựng kế hoạch, bám sát định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tổ chức các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã viên. Thường xuyên cập nhật các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX; tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển kinh tế tập thể. Liên minh HTX tỉnh cần tập trung hỗ trợ các HTX trong việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, trao đổi  kinh nghiệm về tổ chức hoạt động của Liên minh HTX và HTX cho các thành viên; hỗ trợ thành viên về vốn; tổ chức cho các HTXDVNN giao lưu, tiếp cận với các doanh nghiệp đầu mối phân phối vật tư nông nghiệp và thu mua, chế biến nông sản xuất khẩu, hướng tới hoạt động “chung mua - chung bán”, “mua chung - bán riêng” trong dịch vụ vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com