Yên Trung khôi phục nghề truyền thống

08:06, 03/06/2013

Nghề thêu ren và làm nón lá được hình thành ở thôn Trung, thôn Nhuộng và thôn Mạc Sơn, xã Yên Trung (Ý Yên) từ hàng chục năm trước, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Lúc hưng thịnh, ở xã Yên Trung đã có 2 HTX làm nón và thêu ren, thu hút hầu hết các hộ dân ở cả 3 thôn tham gia. Ngoài tiêu dùng nội địa, sản phẩm thêu ren của làng nghề còn được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Nhật Bản... Tuy nhiên, do thị hiếu tiêu dùng của người dân thay đổi nên nhu cầu tiêu thụ giảm, nghề thêu ren và làm nón lá của xã đứng trước nguy cơ mai một.

Sản xuất nón lá truyền thống tại gia đình chị Phạm Thị Công, thôn Mạc Sơn, xã Yên Trung.
Sản xuất nón lá truyền thống tại gia đình chị Phạm Thị Công, thôn Mạc Sơn, xã Yên Trung.

Trước thực trạng đó, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp khôi phục nghề thêu ren và làm nón lá truyền thống nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân gắn với việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. UBND xã đã xây dựng đề án phát triển làng nghề truyền thống, trong đó tập trung tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn phát triển sản xuất; tổ chức tập huấn kỹ thuật, khuyến khích tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Các đoàn thể Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên đã vận động hội viên, đoàn viên truyền dạy nghề cho lao động trẻ. Nhiều mô hình, tổ hợp sản xuất nón và thêu ren được thành lập. Các tổ hợp sản xuất nghề thêu ren và khâu nón tổ chức dạy nghề vào thời điểm nông nhàn để mọi người có thể tham gia. Những người thợ lành nghề trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật theo cách thức “cầm tay chỉ việc” cho lao động mới học nghề nên hiệu quả dạy nghề cao. Đồng chí Phạm Đình Ninh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, nghề làm nón và thêu ren đều không đòi hỏi nhiều về điều kiện phục vụ sản xuất, kỹ thuật cũng như vốn đầu tư, mặc dù thu nhập không cao nhưng đã giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động ở địa phương. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, loại bỏ những thao tác thừa trong sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao thu nhập cho người lao động, Hội Nông dân phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện tổ chức đào tạo kỹ thuật làm nón và thêu ren theo quy trình kỹ thuật chuẩn của Tổng cục Dạy nghề cho khoảng 150 hội viên nông dân. Cùng với đào tạo nghề, các tổ chức hội, đoàn thể đã đứng ra tín chấp cho các hộ dân vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, đã có gần 1.000 lượt hộ dân được vay vốn phát triển sản xuất từ Ngân hàng NN và PTNT và Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ trên 14 tỷ đồng. Sau 2 năm tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, nghề thêu ren và làm nón ở Yên Trung đã được khôi phục và phát triển ở cả 9 thôn xóm, thu hút gần 800 hộ dân với trên 1.500 lao động tham gia. Ở các thôn Trung, Mạc Sơn, Nhuộng 100% hộ có nghề phụ, nhiều gia đình làm cả hai nghề. Trong đó, nhiều hộ có 3-4 “tay kim” giỏi như hộ ông Trần Văn Luyến ở thôn Trung, ông Lưu Văn Phùng, bà Trần Thị Công ở thôn Mạc Sơn... Gia đình chị Lưu Thị Liêm, thôn Mạc Sơn làm nghề khâu nón từ nhiều năm nay. Để nâng cao kỹ năng làm nghề, chị đã lên tận làng Chuông, huyện Thanh Oai (Hà Nội) có nghề làm nón nổi tiếng tìm học thêm kỹ thuật trang trí nón “khách”, làm hàng “kỹ” phục vụ cho việc cưới hỏi và các lễ hội trong vùng. Làng nghề phát triển, các dịch vụ cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ làm nghề cũng trở nên sôi động. Hiện tại, sản phẩm thêu ren được thu gom, xuất khẩu ủy thác qua các Cty xuất nhập khẩu, còn sản phẩm nón lá, ngoài bán cho người tiêu dùng các xã lân cận qua phiên chợ Nhuộng, trên địa bàn xã đã hình thành hàng chục đại lý chuyên cung ứng nguyên, phụ liệu và thu gom sản phẩm nón lá để xuất bán cho các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung.

Với sự nỗ lực giữ nghề và phát triển nghề, năm 2012, nghề thêu ren ở thôn Trung và nghề làm nón ở thôn Nhuộng đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Để nghề thêu ren và đan nón phát triển bền vững, thời gian tới, xã tiếp tục tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề và truyền dạy những kỹ thuật mới như thêu ren màu, thêu ren khổ lớn… để người lao động ở làng nghề có thể chủ động thay đổi đa dạng hóa sản phẩm theo các yêu cầu của khách hàng trong nước và xuất khẩu với giá trị cao. Ngoài ra, xã tạo điều kiện về đất đai, thủ tục pháp lý để thu hút đầu tư và khuyến khích thành lập doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, phấn đấu hết năm 2013, thu nhập từ CN-TTCN, dịch vụ của xã đạt 15 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20% trong cơ cấu kinh tế của xã./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com