Xuân Trường tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững

08:06, 04/06/2013

Huyện Xuân Trường có gần 6.000ha đất gieo cấy lúa. Do chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng lúa của huyện không ngừng tăng qua các năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến trái với quy luật chung đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất hằng năm. Mặt khác, việc thâm canh lạm dụng phân bón hoá học, ít sử dụng phân hữu cơ đã làm cho đất dần bạc màu, tình hình dịch hại trên đồng ruộng đã có những biểu hiện bất ổn với sự xuất hiện của một số đối tượng mới gây hại trên diện rộng, khó chữa trị, ảnh hưởng lớn đến sản xuất như dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đồng thời các đối tượng gây hại như chuột, ốc bươu vàng, rầy nâu, sâu đục thân... có xu hướng “kháng thuốc” BVTV, gia tăng mức độ gây hại.

Khảo sát năng suất lúa tại cánh đồng mẫu lớn xã Xuân Phương.
Khảo sát năng suất lúa tại cánh đồng mẫu lớn xã Xuân Phương.

Từ những ảnh hưởng bất lợi trên, tháng 11-2009, UBND huyện Xuân Trường đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án sản xuất lúa, vụ đông nhằm đảm bảo cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa có hiệu quả cao và bền vững. Theo đó, các xã, thị trấn tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và thời vụ gieo cấy, gắn sản xuất vụ xuân, vụ mùa với sản xuất vụ đông theo phương châm: giảm và tiến tới xóa bỏ hẳn các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài, chất lượng gạo kém; đưa nhanh vào cơ cấu giống lúa ở cả hai vụ các giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất thuận và dịch hại; đẩy sớm thời vụ gieo cấy ở vụ xuân, mở rộng diện tích gieo cấy trà lúa mùa sớm để có điều kiện tăng năng suất, hạn chế thiệt hại do dịch hại và thời tiết bất thuận cuối vụ và có quỹ đất để mở rộng sản xuất vụ đông. Căn cứ vào đề án của huyện, các xã, thị trấn đã xây dựng đề án cụ thể của địa phương; thực hiện nghiêm túc việc bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy lúa. Công tác chỉ đạo sản xuất luôn bám sát kế hoạch chung; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ diễn ra thường xuyên và kịp thời, điều hành nước hợp lý để khống chế thời vụ và tiến độ các khâu công việc trong suốt vụ sản xuất. Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án, đến nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực. Về giống và cơ cấu giống, toàn huyện cơ bản chuyển sang gieo cấy bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và trung bình trong cả hai vụ, trừ 5-10% diện tích gieo cấy các giống lúa đặc sản trong vụ mùa. Các giống lúa lai dài ngày như D.ưu 527, D.ưu 725, Syn6 đã không còn trong cơ cấu giống ở cả hai vụ. Cơ cấu giống được chuyển mạnh sang các loại giống thuần có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng trong vụ xuân chỉ từ 120-125 ngày như: BT7, QR1, RVT, NĐ5, Nếp 87, Nếp 97... Về thời vụ, từ khi thực hiện đề án đến nay, huyện Xuân Trường đã cơ bản chuyển sang gieo mạ nền trước tiết lập xuân (thường từ ngày 28-1 đến 2-2) để có điều kiện đẩy sớm thời vụ cho vụ mùa. Ở vụ mùa, huyện có xu hướng chuyển mạnh sang cấy trà lúa mùa sớm (cấy xong trong tháng 6) và mùa trung sớm (cấy xong trước ngày 10-7) để hạn chế những thiệt hại do mưa bão cuối vụ. Vụ mùa năm 2010 đã có trên 1.300ha cấy trà mùa sớm và trung sớm, chiếm 23% tổng diện tích gieo cấy. Riêng vụ mùa năm 2011 và 2012, do rét đậm, rét hại ở vụ xuân nên kéo dài thời gian sinh trưởng của lúa khiến diện tích trà mùa sớm và trà mùa trung sớm ít hơn, song huyện vẫn hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa trước ngày 22-7. Bên cạnh chuyển đổi mùa vụ, việc thay đổi tập quán, phương thức tổ chức sản xuất của nông dân cũng được huyện chú trọng chỉ đạo. Trước thực tế những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương trong huyện thường xuyên đi làm ăn xa, ruộng đất cho mượn hoặc vẫn sản xuất song đầu tư thâm canh thấp, sản xuất không hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động nông dân dồn đổi ruộng đất và cho doanh nghiệp hoặc các hộ dân có nhu cầu thuê đất để sản xuất nông nghiệp. Hiện các xã Xuân Ninh, Xuân Thượng đã cho Cty TNHH Cường Tân thuê 70ha đất để sản xuất lúa giống, xã Xuân Tiến đang triển khai tích cực vận động để cho Cty TNHH Phú Long Hải thuê 53ha đất đầu tư sản xuất lúa hàng hóa từ vụ mùa năm 2013. Đây là hướng đi mới cần được quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý để phát triển sản xuất nông nghiệp. Việc thay đổi phương thức thâm canh nhằm giảm chi phí sản xuất cho nông dân, rút ngắn thời vụ được chỉ đạo tích cực. Hầu hết các địa phương trong huyện đều xây dựng mô hình trình diễn. Vụ xuân năm 2013, diện tích gieo sạ hàng của toàn huyện đạt 900ha, trong đó 2 xã có diện tích gieo sạ nhiều là Xuân Thượng 180ha, Xuân Kiên 100ha. Toàn huyện đã triển khai xây dựng 18 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 740ha, các địa phương đã tổ chức tốt các khâu sản xuất, đáp ứng yêu cầu gieo cấy sớm, nhanh, gọn vùng. Trước tình trạng nông dân đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa gây ô nhiễm môi trường và gây lãng phí nguồn phân hữu cơ, UBND huyện đã ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nông dân gặt lửng, cày vặn rạ; chỉ đạo gieo cấy đồng giống, đồng trà, gọn thời vụ theo từng vùng để có điều kiện áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch. Từ chỗ chỉ có 200ha hằng vụ được thu hoạch bằng máy trong năm 2010 thì đến năm 2012 huyện đã có khoảng 400ha/vụ được áp dụng phương thức gặt lửng, cày vặn rạ và 1.000-1.200ha/vụ được thu hoạch bằng máy.

Các xã đạt kết quả tốt trong chuyển đổi cơ cấu giống, mở rộng cơ cấu trà lúa mùa sớm như: Xuân Kiên, Xuân Phong, Xuân Phú, Thọ Nghiệp... đã tránh được một số thiệt hại cuối vụ do dịch bệnh bạc lá, vàng lùn và lùn xoắn lá, sâu đục thân... và bão, mưa úng. Chính vì thế, năng suất lúa bình quân hằng năm của huyện luôn đạt trên 125 tạ/ha, là một trong những huyện đứng đầu của tỉnh. Vụ mùa năm 2013, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chỉ bố trí từ 3-4 giống lúa trong cơ cấu; mỗi gia đình, mỗi xóm chỉ nên cấy từ 1-2 giống lúa và tổ chức gieo cấy theo phương châm “đồng trà, đồng giống, đồng vùng”; huy động lực lượng, phương tiện chủ động xây dựng kế hoạch phân vùng và tổ chức điều hành tốt công tác làm đất. Toàn huyện phấn đấu cày lật đất xong trước ngày 30-6, ưu tiên máy làm đất lớn trong vùng quy hoạch gieo cấy trà mùa sớm (chiếm 25-30% tổng diện tích gieo cấy vụ mùa 2013), mùa trung sớm kết hợp làm vụ đông để đảm bảo hoàn thành khâu làm đất sớm nhất có thể. Toàn huyện phấn đấu cấy xong lúa mùa trước ngày 15-7.

Do tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, cùng với việc thay đổi tập quán, phương thức tổ chức sản xuất của nông dân đã tạo động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp huyện Xuân Trường phát triển hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao đời sống nông dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com