Bức tranh nông thôn nhiều khởi sắc

05:11, 10/11/2012

Ngày 25-10, Tổng cục Thống kê (Bộ KH và ĐT) đã công bố kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011. Đây là cuộc điều tra được tiến hành 5 năm 1 lần và đây là lần thứ 4 Việt Nam tiến hành điều tra. Kết quả Tổng điều tra cho thấy, 5 năm qua, bức tranh nông thôn Việt Nam đã có nhiều khởi sắc.

Theo đó, kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được xây dựng mới và nâng cấp cả về chiều rộng và chiều sâu, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Cụ thể, về phát triển mạng lưới điện ở nông thôn, hiện đã có 99,8% các xã ở nông thôn có điện; 98% hộ nông thôn sử dụng điện. So sánh 3 kỳ Tổng điều tra vào các năm 2001, 2006 và 2011 cho thấy, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng điện đã tăng lên đáng kể qua các năm. Từ 79% năm 2001 đã lên tới 94,2% vào năm 2006 và 98% vào năm 2011.

Giao thông nông thôn chuyển biến theo hướng tích cực cả về số lượng và chất lượng. 98,6% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã; 97% số xã có đường ô tô đi lại được quanh năm; 87,4% số xã có đường đến UBND xã được nhựa, bê tông hoá. Hệ thống thuỷ lợi cũng được chú trọng xây dựng mới và nâng cấp, kết quả, 16.000 trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông lâm thuỷ sản trên địa bàn xã, tăng 81% so với năm 2011.

Hệ thống trường học các cấp ở khu vực nông thôn được xây dựng mới, nâng cấp và cơ bản xoá xong tình trạng trường tạm, lớp tạm. Tính đến năm 2011, cả nước có 99,5% số xã có trường tiểu học, tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở (THCS) tăng lên từ 90,8% năm 2006 lên đến 93% năm 2011. Tỷ lệ xã có trường Trung học phổ thông (THPT) cũng tăng lên khá nhanh, 8,5% năm 2001 lên 12,8% năm 2011.

Làng quê xã Trực Chính (Trực Ninh) hôm nay. Ảnh: Việt Thắng
Làng quê xã Trực Chính (Trực Ninh) hôm nay. Ảnh: Việt Thắng

Cơ sở y tế nông thôn tiếp tục được phát triển cả về số lượng cơ sở, số lượng và trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ. Đến năm 2011, 99,5% số xã có trạm y tế; tỷ lệ trạm y tế được kiên cố hoá đạt 57%, bán kiên cố đạt 42%; 77,5% số xã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đặc biệt, thực hiện chính sách đưa bác sĩ về xã, số lượng bác sĩ đang làm việc tại y tế xã tăng nhanh trong những năm gần đây. Đến thời điểm 1-7-2011 Việt Nam có gần 6,6 nghìn bác sĩ, tăng gần 16% so với năm 2006 và tăng 45% so với năm 2001. Nhờ đó, số bác sĩ trên 1 vạn dân nông thôn đã tăng từ 0,8 người năm 2001 lên 1 người năm 2006 và 1,1 người năm 2011.

Cơ cấu ngành nghề hộ nông thôn cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm số lượng và tỷ trọng nhóm hộ nông lâm thuỷ sản, tăng số lượng và tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Cụ thể, số hộ nông lâm thuỷ sản khu vực nông thôn năm 2011 là 62,2% so với 71,1% của năm 2006 và 80,9% năm 2001. Tỷ trọng hai nhóm hộ công nghiệp xây dựng và dịch vụ từ năm 2006 đến 2011 đã tăng từ 25,1% lên 33,4%. Nếu so với năm 2001, tỷ lệ này ở năm 2011 đã tăng từ 16,3% lên 33,4%, tức là tăng 16,7%.

Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, kinh tế của nông thôn tiếp tục phát triển. Thu nhập và tích lũy của hộ nông thôn tăng lên. Tại thời điểm 1-7-2011, vốn tích lũy bình quân 1 hộ nông thôn đạt 17,4 triệu đồng, gấp 2,6 lần so với thời điểm 1-7-2006. Nếu loại trừ yếu tố trượt giá, thì vốn tích luỹ bình quân 1 hộ nông thôn năm 2011 tăng khoảng 41% so với năm 2006 - cao hơn so với mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời kỳ 2006-2011 là gần 40 lần…

Tổng điều tra cũng cho thấy, tỷ lệ các địa phương đạt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ở mức thấp. Có 77,4% xã mới đạt từ 2-5 tiêu chí trong số 13 chí. Tính chung cả nước, tỷ lệ xã mới đạt 1 tiêu chí còn nhiều, chiếm gần 11%,… điều đó đặt ra nhiều thách thức cho các cấp, ngành trong việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 26, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” là đạt 20% số xã trên phạm vi cả nước đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 và 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Đánh giá chung về kết quả Tổng điều tra, Tổng cục Thống kê cho rằng, chưa phải là tất cả, song bức tranh tổng quát về thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Việt Nam từ năm 2006-2011 có nhiều điểm sáng, là thành tựu to lớn rất cơ bản trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2020./.

Theo Báo Kinh tế Việt Nam



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com