Nam Thắng: Niềm hy vọng mới từ cây cỏ Nhật

07:11, 08/11/2012

Vốn là vùng đất trồng dâu nuôi tằm, nhưng hai năm trở lại đây một số hộ trong thôn Đại An, xã Nam Thắng (Nam Trực) đã đưa cây cỏ Nhật về trồng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Nông dân thôn Đại An thu hoạch cỏ Nhật.
Nông dân thôn Đại An thu hoạch cỏ Nhật.

Hiện nay, thôn Đại An có khoảng 40 hộ tham gia trồng cỏ Nhật, trung bình mỗi hộ có từ 1.000-2.000m2 cỏ. Mô hình trồng cỏ Nhật rất đơn giản, vốn đầu tư cho khâu kỹ thuật rất ít, 1 máy bơm nước để tưới cỏ là 5 triệu đồng, một máy cắt cỏ 5 triệu đồng, ngoài ra chỉ cần các vật dụng gắn liền với nhà nông như: xiên, cuốc, xẻng… Theo kinh nghiệm của các hộ trồng cỏ Nhật, mỗi lứa cỏ chỉ cần chăm bón 3 lần phân đạm, trung bình từ 2-3kg/1.000m2, cây cỏ Nhật rất dễ sống nên không cần đầu tư nhiều thời gian chăm sóc, ngoài việc trồng cỏ Nhật, các hộ nông dân còn đi làm thêm nhiều việc khác: trồng lúa, trồng hoa màu, làm thuê… thu nhập của người dân sẽ tăng thêm từ nhiều nguồn. Thu nhập từ cây cỏ Nhật khá cao: trung bình mỗi năm người dân bán được 3 lứa cỏ, giá bán cỏ Nhật vào thời điểm cao nhất (thường lá lứa giáp tết) từ 25.000-30.000 đồng/m2, vào những ngày bình thường giá cỏ còn từ 8.000-15.000 đồng/m2. Từ việc trồng cỏ Nhật, người dân của thôn cũng có thêm việc làm vì các hộ mua cỏ sẽ thuê người dân với giá 80.000-100.000 đồng cho một ngày công cấy cỏ hoặc đánh cỏ. Ông Lâm Văn Hùng, một trong số những hộ đầu tiên đưa cây cỏ Nhật về thôn Đại An chia sẻ: Cây cỏ Nhật dễ trồng, ít tốn công chăm sóc lại thích nghi với nhiều loại đất, hiện nay gia đình ông có 4.500m2 cỏ Nhật. Không chỉ trồng cỏ ở vùng đất của gia đình, ông Hùng còn tận dụng cả bãi đất mà trước đây người dân bỏ hoang để trồng cỏ Nhật. Ông Hùng cho biết: Trước đây gia đình ông cũng trồng dâu nuôi tằm, mỗi lứa tằm kéo dài hơn nửa tháng, lam lũ vất vả, lo nhất khi con tằm gần chín mà thời tiết thay đổi, tằm bị hỏng, đời sống kinh tế bấp bênh. Từ ngày chuyển đổi cây dâu sang trồng cỏ Nhật, gia đình ông có thu nhập từ cỏ Nhật đạt 50-60 triệu đồng/năm.

Đồng chí Đỗ Văn Lạc, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thắng cho biết: Sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa, xã sẽ nghiên cứu và quy hoạch thành từng vùng: vùng trồng dâu, vùng trồng cỏ Nhật… Cây cỏ Nhật mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng phải có quy mô rõ ràng. Khi được quy hoạch thành vùng trồng cỏ Nhật, người trồng cỏ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong chăm sóc và tìm nguồn ra cho cỏ Nhật. Hiện nay nhu cầu cỏ Nhật cho những công trình, khuôn viên công cộng, sân golf, sân bóng đá… là rất cao nên đầu ra của cây cỏ Nhật tương đối mở và giá cả khá ổn định.

Mô hình trồng cỏ Nhật của thôn Đại An đang đánh thức tiềm năng của đất đai, tạo nguồn thu nhập ổn định, làm giàu cho nông dân. Nhìn những bó cỏ Nhật nằm cuộn tròn phơi mình dưới nắng mà các hộ nông dân trồng cỏ Nhật của thôn Đại An đang thu hoạch, thấy ánh lên niềm tin hy vọng ở một vùng thôn quê./.

Bài và ảnh: Lâm Hà
(K30 - Học viện BC và TT)
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com